Kể từ khi gia đình Bà Nguyễn Thị Nở chuyển về mảnh đất này, 10 đứa con của bà đang bình thường thì đều lần lượt phát điên. Không hiểu và không biết phải làm sao, bà mời thầy cúng về, nhưng mỗi người phán một kiểu, hành lễ một kiểu rồi dán một loại bùa nhưng mọi chuyện vẫn không có gì thay đổi.
- Con trai tâm thần dùng chày đánh bố đẻ tử vong
- Kẻ truy sát kinh hoàng khiến 12 người thương vong mắc bệnh tâm thần
Tai ương ập vào nhà từ khi đến mảnh đất độc
Bà Nguyễn Thị Nở (SN 1945, quê Vĩnh Bảo, Hải Phòng) lấy chồng năm 19 tuổi. Bà và chồng cùng làm trong nhà máy xi măng Hải Phòng. Những năm 80 của thế kỷ trước, vợ chồng bà vẫn đang ở trong một căn hộ tập thể dành cho công nhân của nhà máy.
Nhà có 10 đứa con, căn hộ càng ngày càng trở nên chật chội, vợ chồng bà quyết định dọn ra bên ngoài tìm nhà phù hợp hơn. Sau nhiều lần thay đổi, hai người quyết định mua căn nhà trong con hẻm nhỏ ở đường Đà Nẵng (Hải Phòng) mà bà vẫn ở đến bây giờ.
Bà cho biết lúc dọn đến ở cũng không nghĩ ngợi gì, chỉ biết nó rẻ, phù hợp thì mua. Chồng bà cũng ưng ý vì căn nhà chắc chắn. Mãi sau này bà mới nghe người trong ngõ kể chuyện hai đời chủ trước ở ngôi nhà này đã bỗng nhiên điên loạn nên mới bán rẻ bán tháo như vậy.
Thế nhưng hoàn cảnh khó khăn, không còn điều kiện để đi đâu được nữa. Kể từ đó, những chuyện đau khổ, kỳ quái cứ lần lượt ập đến đày đọa gia đình bà Nở cho đến tận bây giờ.
Vào nhà mới ở chưa lâu thì con gái đầu của bà là Thái (SN 1965) đang học cấp ba bỗng nhiên đổ bệnh tâm thần. Trong một lần đi lang thang thì chị mất tích, vợ chồng bà cất công đi tìm nhưng không thấy, kể từ đó đến nay cũng không nghe được bất kỳ thông tin nào. Con gái đầu vừa xảy chuyện chưa lâu thì con trai thứ hai của bà là Hoàng (SN 1966) cũng đang học cấp ba thì phát bệnh rồi cũng nối gót chị đầu đến nay không tin tức.
Bẵng đi một dạo, đến cuối những năm 80 thì con gái thứ 5 của bà là Dung (SN 1971) và thứ 6 là Cúc (SN 1973) cúc cũng đang yên đang lành thì lần lượt phát bệnh rồi cũng đi biệt tăm. Người thì đồn bị bắt cóc, kẻ thì đoán bị đuối nước trôi sông, bà Nở chẳng biết con mình đã lưu lạc đến đâu, hỏi thăm cũng nhiều mà không ai hay biết.
Trong nhà lúc bấy giờ còn hai đứa con gái lần lượt thứ 3 là Lan (SN 1968), thứ 4 là Tâm (SN 1969) đều đang tuổi cập kê. Khi điều tiếng về những đứa con bị tâm thần chưa truyền xa, vợ chồng bà phải nhanh chóng cho hai con gái đi lấy chồng.
Thế nhưng cũng không tránh được, cả hai đứa con gái của bà Nở đều lấy phải những người chồng chẳng ra gì, cuộc sống càng lúc càng thảm hại. Chẳng bao lâu, chồng chị Lan mất, chị phát bệnh ngày càng nặng nên bà Nở đành đưa con vào điều trị trong Trung tâm Điều dưỡng người tâm thần Vĩnh Bảo. Còn chị Tâm cũng dở chứng hâm hấp, bị chồng ruồng bỏ ôm con đi tha hương cầu thực.
Chồng mất, những đứa con vẫn lần lượt phát điên trong nhà
Chỉ trong mấy năm ngắn ngủi, bà Nở cùng chồng gần như mất trắng 6 đứa con. Những tưởng vận đen đã buông bỏ, nào ngờ người tiếp theo gặp nạn lại chính là chồng của bà.
Ông Phong chồng bà vốn là một người khỏe mạnh, thế nhưng chẳng hiểu vì sao trong một lần đi bộ ngoài đường lại ngã xuống sông. Kể từ đó ông yếu đi hẳn. Mấy tháng sau, ông Phong mất khi ở nhà một mình, để lại bà và 4 đứa con.
Đau đớn hơn, con gái thứ 7 của bà Nở là chị Hoa (SN 1976) khi chứng kiến thi thể của bố, đã hoảng loạn rồi phát bệnh tâm thần như những anh em trước đây.
Một tay lo tang chồng, một tay lo con bệnh, đau đớn, bà Nở chỉ biết ngửa mặt than với trời. Lo xong hậu sự cho chồng, trong một phút nghĩ quẩn, bà Nở đã uống thuốc chuột toan tự tử. Thế nhưng mọi người phát hiện kịp, đưa đi rửa ruột cấp cứu được.
Sau lần đấy bà cũng không có ý định tự vẫn nữa, cam chịu sự cay độc của cuộc đời đến tận bây giờ. Chị Hoa phát bệnh một thời gian, chữa trị ở nhà không khỏi, bà đành gửi con vào trại tâm thần điều trị.
Ở nhà còn 4 mẹ con. Hằng ngày, bà ra chợ bán rau, hoa quả vặt, cô con út là Bích (SN 1983) sau giờ học thì ra phụ bán hàng cùng mẹ hoặc ở nhà lo cơm nước. Hai anh con trai là Đức (SN 1978) và Hậu (SN 1979) đi học về cũng mỗi người một cái bơm ra đường Đà Nẵng ngồi bơm xe đạp kiếm thêm thu nhập.
Chẳng may, một buổi chiều, khi anh Đức đang bơm xe thì gặp mấy tên du côn đến gây gổ, anh bị đánh đến chấn thương sọ não, mê man mấy ngày. Lúc tỉnh lại thì thần hồn điên đảo, không còn biết gì nữa. Bệnh tình ngày càng nặng, bà Nở lại phải gửi thêm một đứa con nữa vào trại tâm thần.
Vào đây, bệnh tình của anh Đức ngày một nặng. Rồi trong một lần tỉnh táo duy nhất, anh đã bện áo thành dây thừng, buộc lên xà nhà rồi treo cổ tự vẫn để thoát khỏi sự dày vò đau đớn.
Cuộc sống ngày càng khó khăn, anh Hậu học hết cấp 3 thì xin mẹ vào Nam đi làm thuê, mong rằng có thêm chút tiền trang trải cuộc sống. Nhưng trời nỡ dồn gia đình vào ngõ cụt, trong một lần đi xe trên đường về quê, anh Hậu bị người ta đánh rồi cướp sạch tiền.
Ôm vết thương và uất hận về nhà, chẳng mấy lâu thì anh cũng phát bệnh như anh chị của mình. Trong một lần lên cơn, anh đập phá đồ đạc và toan phóng hỏa đốt nhà.
Chị Bích được cắt cử ở nhà chăm anh, nào ngờ không can ngăn chuyện anh đốt nhà mà còn hò reo cổ vũ. Đi bán hàng về, thấy cảnh như vậy nhưng bà Nở không còn tỏ ra hoảng hốt hay khóc than nữa. Có lẽ bà đã chai lì cảm xúc, hoặc có lẽ bà đã khóc than quá nhiều cho 9 đứa con trước đó, không còn hơi sức để khóc thêm lần này nữa.
Bà lặng lẽ đến ôm hai đứa con đi vào nhà, mặc sau lưng là những bàn tán xì xầm nhỏ to của lối xóm. Rồi anh Hậu cũng được bà gửi vào trại tâm thần điều trị.
Có lẽ cuộc đời cuối cùng cũng một lần nương tay với sự nghiệt ngã của gia đình bà. Anh Hậu điều trị một thời gian, bệnh tình thuyên giảm và không có dấu hiệu tái phát nên được cho về. Dù không được như người bình thường nhưng có lẽ đó cũng là một niềm an ủi nhỏ trong chuỗi dài bất hạnh, anh xin mẹ vào nam đánh giày kiếm sống.
Bệnh tình của Bích cũng không nặng, mỗi năm tái phát một hai lần, bà Nở để con điều trị tại nhà. Thường ngày chị Bích có thể nấu cơm, giặt quần áo đỡ cho bà nở được vài công việc nhẹ.
Những câu chuyện xung quanh ngôi nhà của bà Nở cứ bay theo gió, thầy đồng, thầy cúng, thầy sư khắp nơi lũ lượt kéo về, có những người đến cúng một buổi, gỡ bùa nọ dán bùa kia thì nhiều không đếm hết. Các nhà khoa học, các thầy địa lý cũng về, mỗi người phán một kiểu, chẳng biết đằng nào đúng đằng nào sai.
Thầy cúng cứ cúng, bùa cứ dán rồi gỡ rồi lại dán, cho đến một thầy gần nhất về nói rằng không nên dán bùa nữa và bóc hết đi. Nhà bà Nở vẫn vậy, chẳng có gì thay đổi, mấy đứa con lưu lạc chẳng biết ở đâu. Mấy đứa trong trại thì cũng cứ lúc mê lúc tỉnh.
Giờ đây, đã ngoài 70 tuổi nhưng bà vẫn nặng lòng những đứa con, chỉ sợ mai đây nhắm mắt thì ai lo cho. Bà không nghĩ rằng chuyện cơ cực của đời bà là do âm hồn gây nên. Đối với bà bây giờ, phải hay không phải không còn quan trọng nữa, mười đứa con của bà thì đã điên hết cả mười, không còn cách gì thay đổi.
Hằng tháng mẹ con bà nở được trợ cấp gần một triệu đồng, nhưng cũng chẳng dám ăn tiêu. Hằng ngày bà đi ăn xin, nhặt nhạnh bất kể thứ gì, cố gắng tích góp để nhỡ chẳng may xảy chuyện, hay con gái phát bệnh thì còn có tiền lo lắng, mọi chuyện còn lại đành phó mặc cho đời.