Bão số 4 suy yếu thành áp thấp, chuyên gia cảnh báo nguy cơ rất cao xảy ra ngập lụt, sạt lở đất, lũ quét

Đời sống 20/09/2024 09:01

Do mưa lớn tiếp diễn trong nhiều ngày qua với lượng mưa rất lớn nên tại vùng núi phía tây các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Trị có nguy cơ rất cao xảy ra sạt lở đất, lũ quét.

 

Theo thông tin trên báo Tiền Phong, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia cho biết, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 4, hôm nay mưa lớn còn tiếp tục ở các tỉnh miền Trung. Trọng tâm mưa là Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thanh Hoá, Nghệ An. Do mưa lớn tiếp diễn trong nhiều ngày qua với lượng mưa rất lớn nên tại vùng núi phía tây các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Trị có nguy cơ rất cao xảy ra sạt lở đất, lũ quét.

Các chuyên gia của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, đây là hai loại hình thiên tai nguy hiểm nhất sau mưa bão do tính bất ngờ, không thể dự báo chính xác thời gian, địa điểm xảy ra sự cố.

Chiều 19/9, ông Lê Quang Lam-Chánh Văn phòng Thường trực Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Trị thông tin nhanh về tình hình triển khai công tác ứng phó với bão số 4 và mưa lớn trên địa bàn. Theo đó, lúc 10 giờ cùng ngày, tại đảo Cồn Cỏ đã có gió mạnh cấp 9, giật cấp 10; tại thị trấn Cửa Việt ở huyện Gio Linh có gió giật cấp 8. Lượng mưa trên địa bàn tỉnh từ 19 giờ ngày 18/9 đến chiều ngày 19/9 phổ biến từ 80-140 mm, có nơi cao hơn như La Tó 223 mm, Tà Long 195,8 mm, Ba Nang 152,8 mm…

Bão số 4 suy yếu thành áp thấp, chuyên gia cảnh báo nguy cơ rất cao xảy ra ngập lụt, sạt lở đất, lũ quét - Ảnh 1
Chuyên gia của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cảnh báo nguy cơ rất cao xảy ra sạt lở đất, lũ quét. Ảnh: Báo Tiền Phong.

Tại huyện Đakrông, cầu tràn A Ngo-A Bung, ngầm tràn Tà Rụt-A Ngo, ngầm tràn Ly Tôn, ngầm tràn thôn Làng Cát ngập khoảng 0,3 - 0,5 m, nước chảy xiết, gây chia cắt giao thông. Tại huyện Hướng Hóa, tràn thôn Coóc (xã Hướng Linh); tràn thôn Loa, thôn Trùm (xã Ba Tầng); tràn Bản Bù (xã Tân Lập); tràn xã Lìa đi xã Xy; tràn Húc Thượng (xã Húc)... ngập 0,5-1,0 m gây chia cắt giao thông. Tại các khu vực này, lực lượng chức năng đã tổ chức rào chắn, chốt chặn để đảm bảo an toàn cho người dân và phương tiện. Ngoài ra, trên tuyến đường Hồ Chí Minh nhánh Tây xuất hiện điểm sạt lở nhẹ tại Km 169+100, hiện tại giao thông ở đây vẫn lưu thông bình thường.

Trung tá Nguyễn Công Trình-Đồn trưởng Đồn Biên phòng Hướng Lập (Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị) cho hay, ảnh hưởng bão số 4 đã gây mưa lớn, khiến một số bản làng ở địa bàn bị cô lập. Cụ thể, một số đập tràn nước ở địa bàn xã Hướng Lập dâng khoảng 0,5m. Hiện thôn Tri, khu tái định cư Cuôi, Tri ở xã Hướng Lập bị cô lập do nước suối dâng cao. Tại Khu tái định cư bản Cựp (xã Hướng Lập) có sạt lở nhẹ. Để đảm bảo an toàn, lực lượng biên phòng phối hợp với chính quyền địa phương đã di dời khẩn cấp 5 hộ với 21 nhân khẩu ra khỏi vị trí có nguy cơ lũ ống và sạt lở cao.

Bà Lê Thị Hương-Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Trị cho hay, Sở đã có văn bản yêu cầu, thủ trưởng các đơn vị, trường học khẩn trương thông báo cho trẻ em mầm non, học sinh, học viên nghỉ học từ chiều ngày 19/9 đến khi thời tiết bình thường trở lại.

Theo thông tin trên báo Người Lao Động, theo thống kê, tỉnh Hà Tĩnh hiện có 348 hồ chứa thủy lợi (tổng dung tích chứa trên 1,57 tỉ m3 nước) và 86 đập dâng (lưu lượng thiết kế hơn 5.780 m3/giây). Mặc dù những năm qua, Trung ương và tỉnh đã đầu tư sửa chữa, nâng cấp nhiều công trình nhưng các hồ chứa nước hư hỏng nặng, không bảo đảm an toàn.

Bão số 4 suy yếu thành áp thấp, chuyên gia cảnh báo nguy cơ rất cao xảy ra ngập lụt, sạt lở đất, lũ quét - Ảnh 2
Nhiều ngầm tràn qua suối ở nhiều nơi bị ngập sâu. Ảnh: Báo Tiền Phong.

Tại huyện Hương Khê, hiện có nhiều hồ, đập ở trong tình trạng hư hỏng, xuống cấp, không bảo đảm an toàn trong mùa mưa lũ và tích nước phục vụ sản xuất, điển hình như đập Trạng, tại xã Hương Thủy. Hiện tại, hai bên tràn xả lũ bị xói lở; nhiều vị trí ở thân đập bị thấm nước, nguy cơ mất an toàn luôn tiềm ẩn.

Đập Khe Cọi tại xã Hà Linh cũng xuống cấp, gây bất an. Chính quyền xã Hà Linh vừa huy động nhân dân khắc phục tạm bằng cách đóng cọc tre, dùng bao tải chứa đất đắp lại. Theo ông Bùi Ngọc Du, Chủ tịch UBND xã Hà Linh, chính quyền đã đề xuất một dự án kè đập kiên cố và đề xuất này đã được đoàn công tác UBND tỉnh Hà Tĩnh về kiểm tra để xem xét, quyết định.

Theo ông Phan Kỳ, Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Khê, trên địa bàn có 26 hồ đập tiềm nguy cơ mất an toàn cao trong mùa mưa lũ. Qua kiểm tra, huyện đã chỉ đạo chính quyền cấp xã huy động nhân lực, vật liệu tiến hành tu sửa, gia cố tạm thời để trước mắt bảo đảm an toàn trong mùa mưa lũ. "Đối với hồ dung tích chứa lớn mà bờ, đập xuống cấp nặng, chúng tôi đã chỉ đạo địa phương, đơn vị không tích nước hoặc chỉ tích nước ở mức thấp" - ông Kỳ nói.

Ông Trần Đức Thịnh, Chi Cục trưởng Chi cục Thủy lợi Hà Tĩnh, thông tin toàn tỉnh có 51 hồ, đập xuống cấp cần được đầu tư, nâng cấp, sửa chữa. Tuy nhiên, do ngân sách khó khăn, trước mắt các địa phương khắc phục tạm thời đối với những hồ đập xuống cấp, đồng thời hạn chế tích nước ở công trình xuống cấp, tiềm ẩn mất an toàn.

Theo Văn phòng Thường trực Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Bình, bão số 4 làm mưa to, gây sạt lở núi và ngập lụt chia cắt cục bộ.

Theo đó, sức gió mà các địa phương ven biển Quảng Bình đo được trung bình từ cấp 6 đến cấp 7; vùng miền núi cấp 5 đến cấp 6. Tuy nhiên, bão số 4 gây mưa to, có nơi mưa rất to gây sạt lở, ngập úng, chia cắt ở một số đập tràn khiến giao thông bị ngưng trệ.

Bão số 4 suy yếu thành áp thấp, chuyên gia cảnh báo nguy cơ rất cao xảy ra ngập lụt, sạt lở đất, lũ quét - Ảnh 3
Các lực lượng chức năng nhiều tỉnh cắm biển báo, ngăn người dân qua lại các vùng nước chảy xiết. Ảnh: Báo Người Lao Động. 

Tại km121+950 QL 12A, nước từ trên đồi kèm theo đất đá trôi xuống đường gây cản trở giao thông. Tại ngầm K Ai (xã Dân Hóa, huyện Minh Hoá), nước dâng cao khoảng 1m. Tại ngầm CuPi, ngầm Tà Cổ (xã Trọng Hoá, huyện Minh Hoá), nước dâng cao khoảng 0,5-0,7m. Tại cầu Cây Bươu, ngầm Cầu Tràn (bản Lương Năng, xã Hoá Sơn, huyện Minh Hoá), nước ngập sâu khoảng 0,6m… Người và phương tiện không qua lại được các điểm ngầm nói trên.

Cũng trong ngày hôm qua, lực lượng biên phòng trên địa bàn phối hợp với chính quyền địa phương cắm biển báo, cử người canh gác, tuyên truyền người dân không qua lại khu vực nước chảy xiết.

Trong ngày 19/9, lãnh đạo tỉnh Quảng Bình đã chia nhau xuống các địa bàn xung yếu trực tiếp chỉ đạo phòng chống bão số 4 tại hiện trường. Nhờ đó, trên địa bàn tỉnh đã tổ chức sơ tán 238hộ/ 918 khẩu ở những nơi xung yếu đến nơi an toàn.

Cũng nhờ sâu sát địa bàn mà Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Bình đã “bắt quả tang” gia đình của Trưởng phòng NN&PTNT huyện Minh Hoá đã “chống” lệnh di dời khỏi nơi nguy cơ sạt lở cao.

Bão số 4 hướng vào khu vực miền Trung, cảnh báo lũ quét, sạt lở đất do mưa lũ ở 9 tỉnh, thành phố từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi và Kon Tum

Các tỉnh, thành phố từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi và Kon Tum cảnh báo lũ quét, sạt lở, sụt lún đất uy hiếp tính mạng của người dân; gây tắc nghẽn giao thông cục bộ.

TIN MỚI NHẤT