Ngồi co ro bên nồi cơm chiều, 11 đứa trẻ chia nhau những miếng cơm cháy cuối cùng để bỏ vào bụng. Từ lúc bố mẹ bỏ đi tìm hạnh phúc mới, người đi biệt xứ không về, cuộc sống của 11 đứa trẻ là theo bà nội (ngoại) đi lượm ve chai để đổi lấy cơm ngày ba bữa.
- TP.HCM: Người nhà đau xót tố bác sĩ bệnh viện Bình Dân “mồi chài” bệnh nhân ra ngoài mổ dẫn đến tử vong
- Cháy Carina Plaza: Đau xót trẻ 3-5 tuổi tử vong, nhiều tử thi cháy đen chưa tìm được người thân
11 đứa trẻ nheo nhóc, khóc thét vì đói ăn
Từ nhiều năm qua, người dân ở ấp 3, xã Phong Phú, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh không còn xa lạ với hình ảnh một đám trẻ con, nheo nhóc đi theo một người bà, rong ruổi khắp làng trên cuối xóm để lượm ve chai.
Dù đã ở cái tuổi xế chiều nhưng cuộc sống của bà Thạch Thị Sương (65 tuổi) cùng ông Kim Tha (68 tuổi, chồng bà Sương) chưa được một ngày nhàn hạ khi phải chăm lo cho 11 đứa cháu nội, cháu ngoại của mình.
Điều đáng nói là tất cả 6 đứa cháu trai, 5 cháu gái đều bị bố hoặc mẹ bỏ rơi để tìm hạnh phúc mới mà không chăm sóc, nuôi dưỡng.
"Bố mẹ tụi nó đi hết cả rồi, có đứa nào chịu về đâu. Cách hai ba tháng mới gởi vài trăm ngàn về phụ. Nhiều lúc khổ quá không có gạo nấu cơm, bà chỉ muốn chết đi cho nhẹ người chứ con cháu mình cả, sao có thể bỏ được", nhìn những đứa trẻ chia nhau miếng cơm cháy, bà Sương nuốt nước mắt.
"Anh Tuấn cho em ăn với, của em, của em, em đói bụng", Hiếu (3 tuổi) vừa nói vừa há miệng rộng để chờ Tuấn (6 tuổi) đút miếng cơm cuối cùng cho ăn rồi khoái chí cười ngặt nghẽo.
Bữa cơm chiều của tụi nhỏ chỉ đơn giản là cơm trắng trộn xì dầu nhưng chẳng đứa nào có thể no bụng. Là anh cả trong nhà, Kim Linh (14 tuổi) thỏ thẻ: "Tụi con ăn không có no, nhưng nhà hết gạo rồi, không biết làm sao nữa".
Ôm choàng lấy mấy đứa cháu, bà Sương cho biết dù có tận 4 người con nhưng không nhờ vả được gì. Sau khi lập gia đình riêng và sinh con, vì hoàn cảnh khó khăn mà gởi mấy đứa cháu ở lại cho ông bà săn sóc.
"Bà có 3 người con gái, 1 người con trai, nhưng số tụi nó khổ, đứa nào cũng ly hôn cả rồi. Vì nghèo quá mà đứa thì chồng bỏ, đứa thì vợ bỏ, mẹ của thằng Tuấn, thằng Kiệt thì bỏ nhà đi biệt xứ mấy năm nay không về nữa", bà Sương nghẹn ngào nói.
Không có đất có vườn, nên để lo được cơm ngày ba bữa, bà Sương phải đi lượm ve chai về đổi lấy gạo thổi cơm cho mấy đứa cháu. Nhiều lúc nhà hết gạo, mấy bà cháu lại quây quần bên nồi cháo loãng để gắng gượng mà sống tiếp.
"Mỗi ngày tụi nhỏ ăn hết 6 kg gạo, mua gạo dỏm cũng hết 50 ngàn. Bà đi lượm ve chai có được nhiêu đâu, ổng thì hôm có việc mần, hôm thất nghiệp, bấp bênh lắm con ơi. Nhiều lúc chỉ muốn mua chút cá, miếng thịt cho tụi nhỏ mà không dám, được ăn no là mừng lắm rồi", bà Sương nói.
Theo bà Sương, kể từ lúc các con của bà bỏ đi kiếm hạnh phúc mới, rồi đi làm thuê ở xa, mọi gánh nặng đều đổ dồn lên đôi vai già yếu của vợ chồng bà. Nhìn những đứa cháu khóc thét vì đói ăn, gầy guộc, bà chỉ biết ôm cháu mà khóc.
"Tụi nó không cha, không mẹ, bà lỡ chết đi không biết sống làm sao"
Do tuổi đã cao, lại bị bệnh về xương khớp, hay đau nhức nên bà Sương đi lại rất khó khăn. Mỗi ngày, bà phải thức dậy từ rất sớm, sau khi lo cơm nước cho 11 đứa cháu, bà lại dắt xe đạp để đi mua, lượm ve chai.
Dù hoàn cảnh khó khăn nhưng 9 đứa cháu (đủ tuổi đến trường) đều được bà Sương cho đi học chữ. Bà tâm sự: "Đời ông bà, cha mẹ nó đã thất học nên khổ lắm rồi, bà chỉ mong tụi nhỏ được học cái chữ, sau này thoát khỏi cảnh làm thuê làm mướn, có khổ đến mấy bà cũng không để tụi nhỏ nghỉ học".
Thấy bà nội cực khổ, hai anh em Kim Linh (14 tuổi) và Kim Đông (13 tuổi) muốn nghỉ học để đi mần mướn phụ nội kiếm tiền mua gạo nuôi các em nhưng bà Sương không cho.
Ngồi một góc trên chiếc bàn nhỏ, cầm quyển sách trên tay, Kim Đông nói: "Mẹ bỏ tụi em đi rồi, mẹ không có về nữa. Em xin nội cho em với anh Linh nghỉ học để đi phụ việc cho người ta mà nội không chịu. Em chỉ muốn gia đình em đủ cơm ăn mà thôi, mấy đứa nhỏ không phải khóc ngất vì đói nữa".
Theo Kim Đông, từ lúc mẹ em bỏ đi, bố cũng đi nơi khác kiếm việc làm, cả mấy tháng mới về một lần nhưng không gởi tiền về nuôi mấy anh em. Tất cả mọi chi phí sinh hoạt mỗi ngày đều do bà Sương xoay sở.
"Em buồn lắm, mọi người nói em là đứa không mẹ, có bố cũng không nuôi tụi em, bỏ lại cho bà nội già chăm sóc. Em chỉ muốn học thật giỏi để sau này em đi làm có thật nhiều tiền mà lo cho nội của em", Kim Đông nói.
Để phụ giúp bà nội, sau khi đi học về, những đứa trẻ lại xách bao đi lang thang khắp xóm để lượm ve chai. Ngồi tụm lại với nhau, Kiệt, Tuấn, Thái cười ngặt nghẽo, vừa khoe mấy cái lon nước ngọt, đồ ve chai lượm được.
"Con muốn ăn cá. Con thích thịt. Ngoại kêu có tiền sẽ mua gà nấu một nồi cháo thiệt bự cho con. Con thèm sữa lắm, bánh phồng tôm cũng ngon nữa...", những đứa trẻ thi nhau nói trong bộ quần áo lấm lem. Có lẽ với tụi nhỏ, việc mỗi ngày được ăn no đã là một điều may mắn chứ chưa dám nói đến những món quà vặt khác.
Ôm lấy mấy đứa cháu vào lòng, bà Sương lo lắng: "Bà chỉ sợ bệnh bà ngày một nặng, không đi làm được, nằm xuống rồi tụi nhỏ sẽ không ai chăm sóc. Giờ tiền ăn mỗi ngày còn không đủ, lấy đâu ra mà chữa bệnh".
Trao đổi với chúng tôi, bà Huỳnh Thị Định – Phó Chủ tịch UBND xã Phong Phú cho biết gia đình bà Sương thuộc hộ nghèo nhất xã, lại đông cháu, không có nghề nghiệp ổn định nên luôn trong cảnh thiếu ăn, thiếu mặc.
"Dù phía địa phương cũng đã tích cực hỗ trợ cho gia đình bà Sương nhưng vẫn không thể giúp đỡ cho gia đình bà thoát cảnh nghèo đói. Chỉ mong sao gia đình bà nhận được sự ủng hộ của cộng đồng để giúp mấy đứa cháu được ăn học đến nơi đến chốn", bà Định chia sẻ.
Trước hoàn cảnh khó khăn của gia đình bà Sương khi phải nuôi 11 đứa cháu bị bố mẹ bỏ rơi, chúng tôi tha thiết kêu gọi quý độc giả gần xa quan tâm, giúp đỡ để mấy đứa trẻ có đủ cơm ngày ba bữa, đi học đến nơi đến chốn.
“
Mọi đóng góp xin vui lòng liên hệ số điện thoại bà Sương: 0399882422.
Hoặc thông qua số tài khoản ngân hàng Sacombank: 070095075159.
Chủ tài khoản: Thạch Thị Sương, chi nhánh ngân hàng tỉnh Trà Vinh.
Xin chân thành cảm ơn!
”