Rau ngót, một loại rau quen thuộc trong bữa cơm gia đình Việt, được biết đến với nhiều lợi ích sức khỏe. Tuy nhiên, một số người nên hạn chế hoặc tuyệt đối không nên ăn rau ngót, nếu không muốn 'rước họa vào thân”
- Rau ngót dễ trồng, dễ sống, giàu dinh dưỡng nhưng nhanh héo, 2 cách bảo quản được lâu, 10 ngày vẫn tươi, giữ nguyên dưỡng chất
- Rau ngót tốt cho sức khỏe nhưng cần lưu ý những 'đại kỵ' này để tránh 'rước họa vào thân'!
Rau ngót là một loại rau phổ biến, thông dụng trong bữa ăn của người Việt. Rau ngót dễ trồng, dễ sống và được trồng bằng thân, trồng ở mọi nơi. Vì vậy nên rau ngót thường trồng trong vườn, quanh bờ ao, dọc theo bờ rào, theo các lối đi... chủ yếu là để tận dụng đất.
Rau ngót sinh trưởng nhanh và đặc biệt ít sâu bệnh, không phải dùng đến thuốc trừ sâu, vì vậy rau ngót ăn rất lành và an toàn. Người ta sử dụng lá rau ngót để nấu canh với thịt, xương, hay tôm, hến cũng đều rất ngon và bổ dưỡng cho bữa ăn gia đình, lại thêm tác dụng giải nhiệt mùa hè. Người thể hư hàn kiêng dùng hoặc nếu dùng nên cho thêm mấy lát gừng.
Công dụng của rau ngót đối với sức khỏe
Hỗ trợ tiêu hóa, ngăn ngừa táo bón
Với hàm lượng chất xơ dồi dào và các vitamin, khoáng chất thiết yếu, rau ngót thực sự là một "siêu thực phẩm" cho hệ tiêu hóa. Chất xơ trong rau ngót giúp tăng cường nhu động ruột, ngăn ngừa táo bón, hỗ trợ hệ tiêu hóa hoạt động hiệu quả. Ngoài ra, rau ngót còn có tác dụng nhuận tràng, giảm triệu chứng đầy hơi, khó tiêu.
Bổ máu, phòng ngừa thiếu máu
Rau ngót là nguồn cung cấp sắt dồi dào. Sắt là thành phần quan trọng cấu tạo nên hemoglobin - một protein trong hồng cầu có chức năng vận chuyển oxy đi nuôi cơ thể. Việc bổ sung rau ngót thường xuyên giúp tăng cường sản xuất hồng cầu, ngăn ngừa tình trạng thiếu máu, mệt mỏi, và cải thiện sức đề kháng, đặc biệt hữu ích cho phụ nữ mang thai, trẻ nhỏ đang lớn và người bị thiếu máu
Tốt cho tim mạch
Kali, một khoáng chất dồi dào trong rau ngót, giúp điều hòa huyết áp bằng cách làm giãn nở mạch máu. Bên cạnh đó, các chất chống oxy hóa như flavonoid và carotenoid có tác dụng bảo vệ thành mạch máu, ngăn ngừa xơ vữa động mạch. Ngoài ra, magie và chất xơ trong rau ngót cũng góp phần ổn định nhịp tim, giảm cholesterol xấu và bảo vệ tim mạch toàn diện. Việc bổ sung rau ngót vào chế độ ăn hàng ngày là một cách đơn giản và hiệu quả để chăm sóc sức khỏe tim mạch
3 nhóm người không nên ăn rau ngót
Phụ nữ mang thai không nên ăn rau ngót
"Rau ngót chứa papaverin tác dụng hỗ trợ giảm đau, hạ huyết áp, co giãn cơ trơn của mạch máu. Tuy nhiên, nếu ăn nhiều hoạt chất này có thể gây co thắt tử cung, tăng nguy cơ sảy thai hoặc sinh non. Điều này đặc biệt nguy hiểm cho phụ nữ mang thai, nhất là khi rau còn sống. Vì vậy, phụ nữ mang thai, đặc biệt là trong 3 tháng đầu, cần tránh xa loại rau này và tuyệt đối tránh uống nước ép từ rau sống.
Người bị mất ngủ, khó ngủ
Một số nghiên cứu cho thấy rằng rau ngót có thể gây ra một số tác dụng phụ như khó thở, chán ăn và mất ngủ ở một số người, đặc biệt là người lớn tuổi hoặc có sức khỏe kém. Tuy nhiên, các tác dụng phụ này có thể được giảm thiểu bằng cách nấu chín rau ngót. Vì vậy, những người có tiền sử chán ăn, mất ngủ hoặc người lớn tuổi nên tránh uống nước rau ngót sống. Ngay cả khi ăn rau ngót đã nấu chín, họ cũng chỉ nên ăn một lượng nhỏ.
Người bị loãng xương, thiếu canxi
Rau ngót chứa glucocorticoid - một chất có thể cản trở quá trình hấp thụ canxi và phốt pho của cơ thể. Đối với những người đã bị loãng xương hoặc thiếu canxi, việc tiêu thụ rau ngót có thể làm tình trạng này trở nên trầm trọng hơn, khiến cơ thể khó hấp thụ canxi từ các nguồn thực phẩm khác. Tóm lại, mặc dù rau ngót có nhiều lợi ích cho sức khỏe, nhưng những người bị loãng xương hoặc thiếu canxi nên hạn chế hoặc tránh ăn rau ngót để bảo vệ sức khỏe của mình.