Cây mọc dại ở ven đường, có vị đắng nhưng làm rất tốt cho sức khoẻ, bạn đã biết sử dụng như thế nào chưa?

Dinh dưỡng 07/10/2024 05:00

Ngải cứu vừa là cây rau vừa là cây thuốc thường thấy trong vườn của nhiều gia đình ở Việt Nam, với cách sử dụng đơn giản, hiệu quả mà chi phí thấp. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu rõ về tác dụng của loại cây này.

 

Đặc điểm của cây ngải cứu

Ngải cứu là cây trồng khá quen thuộc với người dân Việt Nam, nó xuất hiện trong nhiều bài thuốc cũng như món ăn hằng ngày. Ngải cứu có tên gọi khác ngải diệp, thuốc cứu tuy nhiên tên gọi này phổ biến ở miền Nam hơn.

Cây ngải cứu có chiều cao từ 0.4 - 1m, trong lá có tinh dầu, cây phân bố chủ yếu ở Châu Âu, Châu Á, Bắc Phi, Alaska và Bắc Mỹ.Tuy nhiên, không phải khu vực nào cũng sử dụng cây ngải cứu, ở một số vùng cho rằng cây ngải cứu là cây cỏ xâm lấn, cần phải diệt trừ.

Cây mọc dại ở ven đường, có vị đắng nhưng làm rất tốt cho sức khoẻ, bạn đã biết sử dụng như thế nào chưa? - Ảnh 1
Ảnh minh họa: Internet

Ở Việt Nam, cây ngải cứu dại thường mọc nhiều ở tỉnh Lào Cai, Lai Châu, Yên Bái, Cao Bằng, Lạng Sơn, Hà Giang... đây chính là nguồn dược liệu được khai thác thường xuyên để sản xuất thuốc. Cây ngải cứu còn được trồng trong vườn của nhiều gia đình, thường được sử dụng tại chỗ trong nấu ăn hoặc điều trị một số bệnh lý đơn giản.

Cây ngải cứu thuộc họ cúc, thân thảo, chu kỳ sống lâu năm, lá cây mọc so le, mặt trên lá cây màu xanh đậm, mặt phía dưới có lông nhung màu trắng.

Cây ngải cứu thường được thu hoạch vào khoảng tháng 6 và bộ phận được sử dụng chủ yếu là lá, có thể trồng ngải cứu bằng cách giâm cành hoặc cây con mặc dù cây có ra hoa quả và cho hạt nhưng hạt không được sử dụng để gieo trồng.

Công dụng của cây ngải cứu 

Chữa bệnh về xương khớp: Nhờ tính ấm nên ngải cứu được dùng phổ biến trong những bài thuốc chữa bệnh về xương khớp. Cây giúp lưu thông khí huyết, tăng cường khả năng lưu thông máu, tốt cho hệ xương khớp, giảm đau, kháng viêm, nhất là với những người bị gai cột sống, thấp khớp. Bạn có thể giã ngải cứu lấy nước cốt pha mật ong để uống hoặc đâm nhuyễn làm thuốc đắp.

Cây mọc dại ở ven đường, có vị đắng nhưng làm rất tốt cho sức khoẻ, bạn đã biết sử dụng như thế nào chưa? - Ảnh 2
Ảnh minh họa: Internet

Lợi ích tiêu hóa: Ngải cứu cũng có thể có hiệu quả đối với một số vấn đề về tiêu hóa, bao gồm: Chán ăn, đau bụng, khó tiêu, bệnh tiêu chảy, táo bón, say xe... Tuy nhiên, cần thêm nhiều nghiên cứu để chứng minh những công dụng này.

Giảm bớt các triệu chứng kinh nguyệt: Một số người cũng tin rằng ngải cứu có thể giúp thư giãn tử cung, nhờ đó làm chậm chu kỳ kinh nguyệt và giảm bớt chứng chuột rút liên quan đến nó.

Có thể tốt cho người mắc bệnh thận: Nghiên cứu ban đầu cho thấy dùng ngải cứu hàng ngày trong vòng 6 tháng có thể làm giảm huyết áp và nồng độ protein trong nước tiểu ở những người bị bệnh thận IgA. Tuy nhiên những tác dụng trên cần có thêm nhiều nghiên cứu để xác thực công dụng của ngải cứu.

Chữa bệnh đường hô hấp trên: Ngải cứu còn được dùng kết hợp với một số loại thảo dược khác như: lá bưởi, khuynh diệp chứa các chứng cảm mạo, ho khan, đau họng. Các gia đình có thể dùng đun nước uống hoặc xông ngải đều rất tốt với những trường hợp này.

Cây mọc dại ở ven đường, có vị đắng nhưng làm rất tốt cho sức khoẻ, bạn đã biết sử dụng như thế nào chưa? - Ảnh 3
Ảnh minh họa: Internet

Những người không nên dùng ngải cứu

Tuy có tác dụng tốt cho cơ thể, nhưng ngải cứu có chứa một số hoạt chất có đặc tính dược lý cao. Vì thế, nếu bạn thuộc 1 trong 3 đối tượng sau, tuyệt đối không tự ý dùng ngải cứu bồi bổ hoặc chữa bệnh nếu chưa có sự hướng dẫn của bác sĩ:

Người bị viêm gan, xơ gan nặng: Tinh dầu trong cây ngải cứu có tác dụng tuyệt vời trong việc chữa bệnh. Thế nhưng đồng thời tinh dầu của ngải cứu cũng khá độc với người suy gan nặng.

Phụ nữ có thai 3 tháng đầu: Tuy cây ngải cứu có khả năng an thai. Để an toàn nhất cho thai nhi thì trong tam cá nguyệt thứ 1, phụ nữ mang thai nên tránh tất cả các loại dược liệu – trong đó có ngải cứu. Từ tháng thứ 4 trở đi, khi thai kỳ đã ổn định, mẹ bầu mới có thể bắt đầu bồi bổ bằng ngải cứu theo chỉ dẫn của bác sĩ.

Người rối loạn đường ruột cấp tính: Không nên sử dụng ngải cứu trong giai đoạn này vì có thể sẽ ảnh hưởng đến tình trạng rối loạn hấp thu.

Không chỉ tốt cho sức khỏe, cây ngải cứu còn được khuyên trồng trước cửa nhà, lý do là gì bạn đã biết chưa?

Cây ngải cứu không chỉ là thực phẩm tốt cho sức khỏe mà theo quan niệm xưa thì ngải cứu là cây dương khí mạnh, giúp trừ tà cải vận nên có giá trị phong thủy to lớn.

TIN MỚI NHẤT