Kích ứng da là vấn đề mà ai cũng có thể gặp phải trong quá trình chăm sóc da hay sử dụng mỹ phẩm. Nhưng điều quan trọng hơn cả là bạn phải hiểu rõ và biết cách xử lý khi gặp trường hợp này.
- 4 công thức trà làm sạch da, đốt cháy chất béo cực hiệu quả
- Muốn có làn da trắng sáng đừng bỏ qua 10 loại trái cây này
Bạn vẫn thường được cảnh báo về nguy cơ bị kích ứng da khi sử dụng các sản phẩm mỹ phẩm hay một số thành phần nhất định. Tuy nhiên làm thế nào để phân biệt kích ứng với những phản ứng khác hay xử lý chúng đúng cách, an toàn?
Kích ứng da và dị ứng da do mỹ phẩm
Mặc dù kích ứng da và dị ứng da là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau nhưng chúng rất dễ bị nhầm lẫn bởi có những triệu chứng tương tự như nóng rát, châm chích, ngứa, đóng vảy, bong tróc, đỏ… Chính vì vậy, muốn giải quyết được vấn đề thì trước hết bạn phải phân biệt cũng như nhận biết đúng tình trạng của mình.
Kích ứng da do mỹ phẩm thường chỉ xảy ra ở những khu vực có tiếp xúc trực tiếp với tác nhân gây kích ứng trong khi đó dị ứng mỹ phẩm có thể gây ra những phản ứng cho cả những vùng xa không có tiếp xúc trực tiếp.
Kích ứng da ảnh hưởng, gây viêm và tổn thương bề mặt da còn dị ứng da liên quan đến phản ứng của hệ thống miễn dịch. Điều này có nghĩa là dị ứng da nghiêm trọng hơn kích ứng da rất nhiều lần.
Khi bị kích ứng mỹ phẩm, da của bạn có thể bị khô, ngứa, đỏ, bong tróc ngay lập tức hoặc sau vài giờ. Các triệu chứng có thể nghiêm trọng hơn khi tiếp xúc nhiều lần với sản phẩm gây kích ứng.
Khi bị dị ứng mỹ phẩm, triệu chứng của da sẽ nghiêm trọng hơn như bỏng rát, ngứa, khô quá mức, phát ban đỏ thậm chí là nổi mề đay. Các phản ứng này có nhiều khả năng phát triển sau vài lần sử dụng do đó bạn sẽ mất khoảng vài ngày hay vài tuần để thấy được. Điều này cũng khiến cho việc theo dõi nguồn gốc của dị ứng trở nên khó khăn hơn. Tuy nhiên, nếu như bạn sử dụng một sản phẩm có chứa thành phần mà trước đây đã nhạy cảm thì làn da gần như sẽ phản ứng ngay lập tức.
Bạn có thể tự khắc phục kích ứng da tại nhà bằng các biện pháp chăm sóc, làm dịu da (trường hợp nặng cần đến sự giúp đỡ của bác sĩ) đồng thời tiếp tục sử dụng sản phẩm gây kích ứng với điều kiện cẩn thận hơn khi da đã “quen”.
Với dị ứng da, bạn sẽ phải phòng, tránh tiếp xúc với chất gây dị ứng hay nói cách khác là không thể tiếp tục sử dụng sản phẩm.
Cách xử lý da bị kích ứng mỹ phẩm
Ngừng sử dụng sản phẩm
Điều đầu tiên mà bạn cần phải làm khi phát hiện mình bị kích ứng là ngừng sử dụng sản phẩm đó ngay lập tức và quay trở về với thói quen chăm sóc da cơ bản. Điều này sẽ giúp chúng ta tránh được nguy cơ tiếp xúc thêm với bất cứ tác nhân gây kích ứng nào đồng thời cho da có thời gian để hồi phục. Bạn cũng nên tạm ngừng sử dụng cả các thành phần hoạt chất như AHA và BHA, retinol, vitamin C… vì chúng có thể khiến da nhạy cảm và dễ bị tổn thương hơn. Trong trường hợp không nắm chắc cách giải quyết hay gặp phải các triệu chứng nặng như sưng mặt, sưng mắt, khó thở… hãy lập tức tìm kiếm sự giúp đỡ của bác sĩ để đảm bảo an toàn.
Sau khi ngừng sử dụng sản phẩm, bạn cần rửa sạch lại vùng da bị kích ứng bằng nước mát rồi đắp gạc lạnh để làm dịu cảm giác châm chích khó chịu. Bôi kem hydrocortisone 1% (thuốc không cần kê đơn) hay uống thuốc kháng histamine cũng có thể kiểm soát và điều trị ngứa nên bạn hãy hỏi ý kiến của bác sĩ nếu cảm thấy cần thiết.
Mẹo nhỏ: Nếu bạn chưa biết chính xác nguyên nhân khiến da bị kích ứng thì hãy kiểm tra danh sách thành phần của sản phẩm gây kích ứng và đối chiếu chéo chúng với những sản phẩm khác. Bằng cách này bạn có thể thu hẹp phạm vi hoặc tìm ra chất gây kích ứng để có thể lựa chọn mỹ phẩm thông minh hơn.
Tránh tẩy tế bào chết
Khi bị kích ứng, bạn không nên tẩy tế bào chết vì nó sẽ làm tăng độ nhạy cảm của da. Hãy duy trì thói quen chăm sóc cơ bản vài ngày cho đến khi các triệu chứng dần biến mất và da bắt đầu khỏe lại. Nếu bạn dùng tẩy tế bào chết hóa học, hãy dừng hẳn cho đến khi vấn đề được giải quyết. Tẩy tế bào chết vật lý nhẹ nhàng có chứa các thành phần làm dịu, nuôi dưỡng và chữa lành tổn thương từ các loại thảo mộc như hoa cúc sẽ là lựa chọn lý tưởng hơn vì chúng có thể loại bỏ tạp chất một cách nhẹ nhàng mà không khiến da bị khô trong quá trình hồi phục.
Sử dụng các thành phần làm dịu, chữa lành da
Khi da bị kích ứng, chúng sẽ đặc biệt nhạy cảm và dễ bị tổn thương do đó bên cạnh việc quay lại với skincare routine cơ bản thì bạn cũng nên sử dụng các sản phẩm có khả năng làm dịu và chữa lành. Chúng sẽ tạo điều kiện cho quá trình tự sửa chữa của da diễn ra nhanh và hiệu quả hơn đồng thời tăng cường hàng rào bảo vệ để chống lại các tác nhân gây hại. Nha đam, keo ong, chất nhầy ốc sên… là những thành phần mà bạn có thể cân nhắc.
Dưỡng ẩm
Khi bạn đang đối phó với làn da bị kích ứng thì dưỡng ẩm chính là cách hữu hiệu nhất để làm dịu các triệu chứng khó chịu đồng thời thúc đẩy quá trình tự hồi phục. Kem dưỡng sẽ giữ cho làn da luôn ngậm nước và củng cố lại hàng rào tự nhiên để ngăn chặn tác hại từ môi trường bên ngoài. Để tăng cường hiệu quả nuôi dưỡng và chữa lành bạn có thể sử dụng thêm mặt nạ giấy tuy nhiên hãy đảm bảo chúng không chứa các thành phần có thể gây thêm kích ứng.
Kích ứng da do mỹ phẩm mặc dù không quá khó xử lý nhưng lại rất dễ bị nhầm lẫn với những tình trạng khác. Chính vì vậy, để chăm sóc da an toàn và hiệu quả thì tốt hơn hết bạn nên tự trang bị cho mình những kiến thức cơ bản để không bị bối rối khi gặp phải trường hợp tương tự.