Bên cạnh những sản phẩm mặt nạ giấy thực sự tốt, vẫn có những "kẻ phản diện" ngoài mặt thì có vẻ làm da đẹp lên nhưng sau lưng lại âm thầm làm da yếu đi, tăng nguy cơ khiến da bị viêm nhiễm, nổi mụn, v.v...
- Làn da của bạn sẽ đẹp hơn bội phần trong Tết này nếu áp dụng thêm 5 bí kíp với mặt nạ giấy dưới đây
- 5 điều cần biết về mặt nạ dưỡng da để có lựa chọn phù hợp
Đắp mặt nạ giấy hiện đã trở thành bước không thể thiếu trong quy trình chăm sóc da của rất nhiều tín đồ làm đẹp. Cấp ẩm sâu cho da, làm da ẩm mọng, căng mướt tức thì sau khi sử dụng, mặt nạ giấy được nhiều người coi là "vũ khí" lợi hại khó có thể thay thế trong công cuộc dưỡng nhan.
Tuy nhiên, tin buồn là không phải tất cả các loại mặt nạ giấy đều tốt cho làn da của bạn. Bên cạnh những sản phẩm thực sự tốt với bảng thành phần chất lượng, vẫn có những "kẻ phản diện" ngoài mặt thì có vẻ làm da đẹp lên nhưng sau lưng lại âm thầm làm da yếu đi, tăng nguy cơ khiến da bị viêm nhiễm, nổi mụn, v.v... Kẻ phản diện chúng ta đang nói đến ở đây chính là những loại mặt nạ có chứa glucocorticoid, một loại steroid bị cấm sử dụng vì gây hại cho da.
Vài năm trước, một tờ báo Trung Quốc đã đưa tin về hiện trạng sử dụng các loại steroid bị cấm, đặc biệt là glucocorticoid trong mặt nạ giấy. Glucocorticoid vốn là một chất đặc trị viêm nhiễm và dị ứng da nhưng khi lạm dụng, làn da sẽ trở nên phụ thuộc, dẫn đến hàng loạt nguy cơ đáng sợ như dị ứng da, viêm da, nổi mụn, v.v... Nếu bạn thấy cái tên glucocorticoid nghe quen quen thì đây chính là thành phần phổ biến trong kem trộn, thủ phạm đã làm hỏng da rất nhiều chị em.
Tuy đã bị cấm nhưng thành phần glucocorticoid (hay được tìm thấy trong kem trộn, thủ phạm gây hỏng da) vẫn xuất hiện trong nhiều loại mặt nạ giấy. Thành phần này có thể làm da đẹp lên một cách nhanh chóng nhưng thực chất là khiến da bị phụ thuộc và ngày một yếu đi, dẫn đến nổi mụn, viêm da...
Tại sao các thương hiệu lại đưa các loại steroid nguy hại vào sản phẩm mặt nạ giấy? Lý do là bởi nó mang đến hiệu quả tức thì. "Các chất steroid có tác dụng rất nhanh và khiến da đẹp lên trông thấy một cách tức thì, lừa người dùng rằng sản phẩm họ dùng thực sự tốt và có hiệu quả" - Phoebe Song, người sáng lập thương hiệu chăm sóc da Snow Fox cho biết.
Trong bài báo Trung Quốc kể trên, các thương hiệu có liên quan không được nêu rõ tên bởi khi đó, các cơ quan chức năng vẫn đang điều tra sự việc, nhưng theo FDA Trung Quốc, trên thị trường nước này, cứ trong 4 loại mặt nạ giấy lại có 1 loại có chứa glucocorticoid. Điều đáng sợ là chỉ cần sử dụng mặt nạ giấy có chứa chất này trong 2 tuần là đã đủ để khiến da bị phụ thuộc, dẫn đến hàng loạt hậu quả đáng sợ kể trên.
Trung Quốc cũng như các quốc gia châu Á có ngành sản xuất mỹ phẩm phát triển đều cấm sử dụng glucocorticoid nhưng nhiều hãng mỹ phẩm, trong đó có cả những hãng lớn vẫn đưa "chui" thành phần này vào sản phẩm của mình. Họ lách luật theo nhiều cách, trong đó có việc đưa sai tên thành phần lên bao bì để qua mắt cơ quan chức năng và người sử dụng. Với số lượng khổng lồ các loại mặt nạ giấy lưu hành trên thị trường hiện nay, các cơ quan chức năng khó có thể kiểm soát được tình trạng này.
"Dĩ nhiên các sản phẩm chứa thành phần bị cấm hoàn toàn không được lưu hành và các cơ quan chức năng tại châu Á đang cố gắng hết sức để kiểm soát các sản phẩm làm đẹp, nhưng rất khó để kiểm tra từng sản phẩm bởi trên thị trường có quá nhiều nhà phân phối. Đôi khi, các thương hiệu còn dùng đến chiêu bài in sai tên thành phần và việc này xảy ra với cả những thương hiệu lớn" - Phoebe Song chia sẻ.
Cũng theo chuyên gia Phoebe Song, ngoài các thành phần steroid bị cấm (corticoid, cortisol...), bạn cũng nên tránh mua những loại mặt nạ giấy có chứa những thành phần như citral (một loại chất tạo mùi) hay cồn không tốt (denatured alcohol/alcohol denat).Bên cạnh đó, chuyên gia này cũng khuyên các tín đồ làm đẹp không nên quá ham đồ rẻ mà sử dụng những loại mặt nạ giấy kém chất lượng: "Tôi bắt gặp nhiều mặt nạ giấy giá rẻ mà bảng thành phần chẳng có hoạt chất nào, chỉ có glycerin, hương liệu và nước. Khi giá bán lẻ của nó chỉ vài chục nghìn thì bạn có thể đoán được mức giá thực tế để sản xuất nó rẻ đến mức nào".