Dù hè đang tới gần nhưng nhiều nơi tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam Bộ đã bước vào trong đợt nắng nóng cao điểm. Không chỉ cần che chắn cẩn thận mà bạn cần có kem chống nắng phòng thân mỗi khi ra đường những ngày này.
- Skincare sẽ thành công cốc nếu bạn vẫn mắc phải 4 sai lầm nghiêm trọng sau
- Những sai lầm nghiêm trọng này sẽ làm cho bạn dù cố gắng skincare cỡ nào cũng bằng thừa
Trái đất đang dần nóng lên, và Việt Nam cũng không nằm ngoài sự ảnh hưởng này. Sự biểu hiện rõ nhất được thể hiện ở việc chỉ qua Tết nguyên đán, thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam Bộ đã liên tiếp phải hứng chịu những ngày nóng dữ dội dù chưa hè chưa thực đến, giữa trưa có thể lên tới gần 40 độ C. Những người có việc ra đường vào thời điểm giữa trưa, phải tìm mọi cách chống lại nắng.
Theo trang Weatheronline (Anh), chỉ số tia cực tím (UV) tại TP.HCM ngày 27/3 là 12. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết chỉ số UV cao nhất là 11+ với thời gian gây bỏng là 10 phút. Với mức UV 8-10, thời gian gây bỏng là 25 phút. Đặc biệt, ánh nắng mặt trời mạnh và có hại nhất vào lúc 10-15h. Do đó, các chuyên gia khuyến nghị bạn không nên hoặc hạn chế làm việc, đi lại ngoài trời trong khoảng thời gian này.
Theo TS.BS Nguyễn Cao Kiêm – Trưởng khoa Phẫu thuật thẩm mỹ và Phục hồi chức năng, BV Da liễu Trung ương, mỗi năm có khoảng 300 ca ung thư da điều trị tại BV. Thống kê cho thấy có sự gia tăng số lượng bệnh nhân mắc bệnh này, mỗi năm tăng khoảng 15%. Một trong những nguyên nhân chính khiến bệnh gia tăng là do tia cực tím.
Vì vậy, bên cạnh việc skincare phù hợp thì một trong những việc vô cùng quan trọng giúp làn da luôn được bảo vệ trong những ngày nắng gắt này đó là chăm chỉ bôi kem chống nắng. Không ai có thể phủ nhận được vai trò vô cùng quan trọng của kem chống nắng đối với làn da, đặc biệt là khi thời tiết bắt đầu nắng nóng dần. Bởi dù có chăm sóc da kỹ đến mấy, đầy đủ các bước dưỡng đến mấy mà quên hay không dùng kem chống nắng thì cũng coi như không. Đặc biệt, vào những ngày hè nắng nóng, chỉ số UV tăng cao sẽ khiến cho làn da có thể gặp nhiều vấn đề, thậm chí gây ung thư da. Vì thế, bạn hãy dành thời gian tìm hiểu thêm về kem chống nắng, tác dụng cũng như các chỉ số của kem để có được sự lựa chọn tốt nhất cho làn da của mình.
1. Tia UV là gì - thành phần của tia UV ra sao?
- UVA: Xuyên qua cửa kính, áo khoác, khẩu trang, mạnh từ lúc mặt trời mọc đến khi mặt trời lặn. Chúng ta hoàn toàn không cảm nhận được sức nóng của tia này, nhưng nó lại có tác hại khôn lường, về lâu về dài gây nên nám, tàn nhang, phá vỡ liên kết Collagen gây lão hóa.
- UVB: Cảm nhận được qua sức nóng, mạnh nhất từ 10am-4pm, làm phồng rộp, cháy rát da, da ửng đỏ, lột da. Nếu để tình trạng cháy nắng diễn ra lâu và thường xuyên sẽ làm tăng 50% nguy cơ bị ung thư da.
- UVC: Cực kì độc hại, chiếu xuyên qua khi tầng Ozon bị thủng, nguyên nhân chính gây ung thư da. Hiện nay các kem chống nắng chưa thể bảo vệ da khỏi tia này.
2. Vậy những chỉ số chống nắng SPF và PA có ý nghĩa như thế nào?
- SPF (Sun Protection Factor) là chỉ số đo khả năng chống tia UVB. Nguyên nhân chính gây ra cháy nắng và góp phần gây ung thư da. SPF càng cao thì thời gian ở dưới nắng càng lâu. Mỗi SPF bảo vệ da được khoảng 10 phút. Để biết kem chống nắng hiệu quả trong bao lâu, bạn lấy chỉ số SPF nhân với 10 (Ví dụ SPF 20 = 20 x 10 = 200 phút = 3h20phút)
- PA (Protection Grade of UVA) chỉ số đo khả năng chống tia UVA. Tia UVA mới là “kẻ thù thực sự” của bạn vì nó có bước sóng dài, nên có khả năng xuyên qua bề mặt da, tác động đến lớp hạ bì. UVA làm cho da mất độ đàn hồi, xuất hiện nếp nhăn, lâu dài sẽ dẫn đến ung thư da. Hiện nay có 3 mức độ là PA+, PA++, PA+++ tương ứng với mức độ chống tia UVA yếu (4h), vừa (8h) và mạnh (12h).
Tuy nhiên cũng cần lưu ý không phải SPF và PA càng cao thì càng tốt. Điều này đồng nghĩa với khả năng loại kem chống nắng đó chứa nhiều chất hóa học khiến da bị khô, kích ứng và nhạy cảm hơn. Vì thế, nên căn cứ vào tính chất da và mục đích sử dụng để chọn cho mình loại kem chống nắng phù hợp. Ví dụ bạn có da mỏng dễ dị ứng, hoặc sử dụng hằng ngày khi ngồi văn phòng thì chỉ cần SPF từ 25 đến 35, PA++ là đủ. Còn khi đi ngoài trời nhiều hoặc đi biển thì SPF từ 40 đến 50, PA+++/++++ sẽ là lựa chọn an toàn hơn.
Hiện nay, vẫn có rất nhiều chị em lầm tưởng rằng, chỉ cần mặc áo khoác, váy chống nắng, mang khẩu trang khi ra đường vào những ngày hè nắng nóng là đủ. Thế nhưng chính sự hiểu lầm đó đang giết chết làn da. Bởi việc che chắn đó chỉ một phần bảo vệ khỏi tác động của tia UVB (nóng rát da, cháy nắng) nhưng hoàn toàn vô dụng trước tia UVA mà tác hại lại về lâu về dài khó khắc phục. Vì thế, cách tốt nhất để chống nắng hiện nay vẫn là dùng kem chống nắng. Bất kể nắng, mưa, hay khi trở lạnh bạn đều phải dùng kem chống nắng, không phải có nắng mới dùng.
Hiện nay trên thị trường có rất nhiểu sản phẩm kem chống nắng với các thành phần vô cùng phong phú, nhưng tựu chung được chia làm hai loại: kem chống nắng vật lý và kem chống nắng hóa học. Vậy chúng có gì khác biệt. Để phân biệt giữa kem chống nắng vật lý và hóa học các nàng hãy chú ý thành phần của nó. Kem chống nắng vật lý gồm có các khoáng chất như: titanium dioxide và zinc oxide, hai thành phần này không có trong kem chống nắng hóa học đâu nhé các nàng. Đây là 2 thành phần chính giúp tạo nên màng chắn để phản xạ và loại bỏ các tia UV từ ánh nắng mặt trời khi chúng chiếu lên da của các nàng đấy.
- Kem chống nắng vật lý:
Nguyên lý hoạt động: tạo lớp màng chắn bảo vệ giúp ngăn chặn, phát tán và phản xạ tia UV, khiến chúng không thể xuyên qua da được. Kem nằm trên bề mặt da như một lớp áo, một bức tường có khả năng phản xạ lại tia cực tím. Thành phần chính của kem chống nắng vật lý là Zinc oxide và Titanium dioxide.
Ưu điểm: Rất lành cho da, ít gây kích ứng và bền vững dưới nắng.
Nhược điểm: Vì tạo một lớp màng bảo vệ nên nó sẽ để lại trên mặt bạn một lớp trắng xoá như chú hề, để lâu gây cảm giác hơi bí và dễ gây bóng nhờn. Hiện tại, các hãng cũng đã cải thiện tính chất của kem, chỉ có một màng lớp màu mỏng hơn nhiều so với cũng sản phẩm cũ.
- Kem chống nắng hoá học:
Nguyên lý hoạt động: hoạt động như một màng lọc hóa học, bằng cách hấp thu và thẩm thấu các tia UV, chúng sẽ tự xử lí và phân hủy, phóng thích tia UV trước khi các tia này có thể làm tổn hại đến da. Cách đơn giản nhất để nhận biết đó là nhìn xem trong thành phần có Zinc Oxide và Titanium Dioxide không, nếu có thì đó là kem chống nắng vật lý, không có thì là kem chống nắng hóa học.
Ưu điểm: thấm nhanh vào da, không làm da bạn bóng dầu và trắng xóa.
Nhược điểm: không bền vững dưới nắng nên sau 2h thì bạn nên bôi lại, và phải chờ 15-20 phút để kem ngấm vào da trước khi ra nắng.
Vậy dùng kem chống nắng như thế nào để đúng cách và phát huy tác dụng?
Dùng kem chống nắng đúng cách
Nếu sử dụng kem chống nắng hóa học, nên đợi 20-30 phút sau khi bôi kem mới ra ngoài nắng để kem có thời gian thẩm thấu vào da và tạo nên lớp bảo vệ. Nếu là kem chống nắng vật lý thì không cần đợi. Nếu bạn phải ra ngoài trời cách 3 tiếng bôi lại kem chống nắng. (Ảnh: QQ)
Những lưu ý về việc sử dụng kem chống nắng
Thoa kem chống nắng mỗi ngày, thậm chí khi làm việc trong văn phòng, khi trời mưa, khi trời mát vì tia UV vẫn có thể chiếu xuyên mây, cửa kính, lớp vải quần áo.
Kem chống nắng không thể được loại bỏ bằng nước hay sữa rửa mặt nên được được làm sạch bằng các loại tẩy trang chứa dầu như kem tẩy trang, dầu tẩy trang, sữa tẩy trang. Tẩy trang kem chống nắng trước khi đi ngủ nếu không muốn lỗ chân lông bị bít tắc hay da bị dị ứng.
Hè đang tới gần cũng là lúc các nàng luôn chăm sóc và chú ý tới làn da hơn cả. Tuy nhiên, bên cạnh việc tìm hiểu và chọn ra sản phẩm kem chống nắng phù hợp với làn da của mình các nàng cũng nên nhớ một điều vô cùng quan trọng: Bất cứ mùa nào trong năm dù nắng hay mưa thì việc sử dụng kem chống nắng là vô cùng cần thiết. Bởi tia UV có thể xuyên qua mây mà chúng ta không thể nhìn thấy bằng mắt thường nhưng lại hủy hoại làn da một cách âm thầm và mãnh liệt có thể gây lão hóa da, thậm chí gây ung thư. Hi vọng với những thông tin và bí kíp kể trên các nàng sẽ sớm tìm được cho mình một sản phẩm phù hợp và bảo vệ da mỗi ngày an toàn nhé!