Cha mẹ luôn đặc biệt quan tâm, chú ý cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết cho con để trẻ có thể phát triển khỏe mạnh. Trong đó, việc cung cấp vitamin D cho trẻ sơ sinh cũng rất quan trọng vì sẽ giúp bé có thể hấp thụ canxi cần thiết, có hệ xương chắc khỏe.
- 6 sai lầm trong cách cai sữa cho bé mà người mẹ cần tránh
- Sai lầm của cha mẹ khiến trẻ táo bón nặng, biến chứng nhiều bệnh
Trẻ sơ sinh cần bao nhiêu vitamin D?
Theo bảng số liệu tiêu chuẩn của “Viện hàn lâm khoa học Mỹ” năm 1968 và “Cục Thực phẩm và Thuốc” (FDA) của Mỹ, trẻ sơ sinh cần được bổ sung 200 - 400UI/24h hoặc dùng theo chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa. Cần phải đảm bảo rằng trẻ sơ sinh được cung cấp đầy đủ lượng vitamin D cần thiết để giúp cơ thể bé hấp thụ canxi, tăng trưởng tế bào, chức năng cơ và khả năng miễn dịch.
Nếu trẻ thiếu hụt vitamin D sẽ có nguy cơ bị yếu xương, từ đó dẫn đến các vấn đề khác như còi xương. Một số nghiên cứu còn chỉ ra rằng không nhận đủ vitamin D sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, rối loạn miễn dịch và ung thư.
Dấu hiệu thiếu hụt vitamin D ở trẻ là gì?
Khi thiếu vitamin D, trẻ thường có những dấu hiệu sau:
- Dấu hiệu sớm:
+ Trẻ sẽ quấy khóc nhiều, khó ngủ và không ngủ được lâu.
+ Có thể trẻ sẽ hay giật mình, ra mồ hôi trộm vào ban đêm dù thời tiết không nóng.
+ Trẻ chậm phát triển thể lực, cơ nhẽo, da xanh.
- Dấu hiệu muộn:
+ Trẻ chậm mọc răng và răng mọc không cân đối.
+ Trẻ chậm biết đi. biết bò.
+ Thóp của trẻ rộng, bờ thóp mềm và lâu liền thóp.
+ Biến dạng hộp sọ, đầu bẹt, xương sọ mềm, khi ấn vào bị lõm và khi nhấc ra thì trở lại bình thường.
+ Đầu xương cổ tay phình to.
+ Bị biến dạng xương sườn và lồng ngực, vẹo cột sống, chân vòng kiềng.
+ Trong trường hợp thiếu vitamin D ở mức độ nặng, canxi trong máu hạ có thể làm trẻ bị co giật.
+ Cẳng chân trẻ bị biến dạng, chậm phát triển về thể lực. Sau này sẽ gây nên những di chứng không tốt như: gù lưng, vẹo và hẹp xương chậu.
Tại sao trẻ bú sữa mẹ cần vitamin D?
Mặc dù sữa mẹ là thực phẩm lý tưởng cho trẻ, nhưng nó không chứa đủ vitamin D để đáp ứng nhu cầu hàng ngày của bé. Đó là lý do tại sao bác sĩ nhi khoa thường sẽ kê bổ sung vitamin D ở dạng giọt. Trẻ sơ sinh cần vitamin D dạng giọt trong thời gian bú sữa mẹ hoặc dùng sữa công thức, cho đến khi trẻ có thể bắt đầu nhận đủ vitamin D từ những thức ăn đặc. Phụ huynh cần có sự chỉ định của bác sĩ trước khi bổ sung vitamin D cho con mình.
Trẻ sơ sinh có thể nhận vitamin D từ mặt trời?
Như chúng ta đã biết, dưới da của chúng ta có 7 dehydrocholesterol (tiền vitamin D), dưới tác dụng của ánh nắng mặt trời, tiền vitamin D sẽ chuyển hóa thành vitamin D và phát huy vai trò của nó như đã đề cập ở phía trên.
Đúng là vitamin D có thể hình thành do tắm nắng, nhưng sự hấp thu vitamin D cũng rất khác nhau tùy từng người. Ngoài ra, còn phụ thuộc vào mùa hè hay mùa đông, vĩ độ của quốc gia, màu sắc da và diện tích da tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, thời gian tiếp xúc, …
Do đó, với điều kiện ở Việt Nam, các mẹ cho bé phơi nắng tăng dần cả về thời gian, lẫn diện tích da tiếp xúc và đặc biệt lưu ý khi mùa hè để hạn chế các tác dụng phụ khác trên da của em bé.
- Đối với trẻ dưới 6 tháng tuổi thì không nên ở ngoài nắng trực tiếp lâu hơn 15 phút.
- Chỉ nên cho trẻ tắm nắng trong khoảng từ 6 - 9 giờ sáng và sau 17 giờ chiều.
+ Từ 6-9 giờ sáng: đây là khoảng thời gian mà tia hồng ngoại và tia cực tím trong ánh mặt trời khá yếu, thúc đẩy quá trình trao đổi chất trong cơ thể trẻ.
+ Sau 5 giờ chiều: tia X-quang sẽ có tác dụng giúp bé hấp thụ canxi và phốt pho, tốt cho sự phát triển xương của trẻ.
Lưu ý: Từ 10 - 16h, ánh nắng mặt trời chứa tia cực tím mạnh, có thể ảnh hưởng đến làn da mỏng manh của trẻ, thậm chí có thể hình thành ung thư da.
Trẻ sơ sinh có thể lấy vitamin D ở đâu?
Ngoài việc có thể nhận vitamin D từ mặt trời thì trẻ sơ sinh có thể hấp thụ vitamin D từ những nguồn sau:
- Trẻ sơ sinh nên bổ sung vitamin D (có thể dưới dạng thuốc nhỏ giọt A-C-D) theo chỉ định của bác sĩ nhi khoa. Mặc dù sữa công thức được bổ sung đủ vitamin D để đáp ứng nhu cầu hàng ngày của bé, nhưng trẻ sơ sinh uống sữa công thức dường như không được cho ăn đầy đủ, vì vậy có thể không đáp ứng được lượng vitamin D cần thiết.
- Khi bắt đầu ăn thức ăn đặc, trẻ có thể nhận vitamin D từ các nguồn khác như: sữa, nước cam, sữa chua, phô mai, cá hồi, cá ngừ đóng hộp, dầu cá, trứng, ngũ cốc, đậu phụ, nước cốt dừa….
- Nếu cha mẹ lo lắng con mình không được cung cấp đủ vitamin D thì có thể bổ sung vitamin tổng hợp hàng ngày sau khi trẻ mới biết đi. Cần trao đổi với bác sĩ chuyên khoa để xem liệu trẻ có thể sử dụng thuốc hay không.
Vitamin trước khi sinh của mẹ có giúp trẻ có được vitamin D cần thiết không?
- Các bà mẹ đang cho con bú nên tiếp tục uống vitamin trước khi sinh, tuy nhiên trong đó không chứa đủ vitamin D để đáp ứng nhu cầu của trẻ. Đó là lý do tại sao trẻ bú sữa mẹ cần vitamin D dạng giọt cho đến khi bé có thể hấp thụ thông qua chế độ ăn uống của riêng mình. Thông thường, vitamin trước khi sinh chứa 600 IUs, đủ cho cả mẹ và bé.
- Phụ nữ đang mang thai cũng nên đảm bảo cung cấp đủ vitamin D cho em bé bằng cách nhận được ít nhất 10 đến 15 phút ánh nắng trực tiếp (không có kem chống nắng) mỗi ngày và ăn thực phẩm giàu vitamin D.
Ngộ độc vitamin D nguy hiểm thế nào?
- Việc cung cấp và bổ sung vitamin D là rất cần thiết. Tuy nhiên, nếu như cơ thể được bổ sung vitamin D liều quá lớn thì sẽ dẫn đến ngộ độc vitamin D. Đây là tình trạng tương đối hiếm gặp, chỉ xảy ra khi hàm lượng vitamin D trong cơ thể quá cao. Chế độ ăn hay tiếp xúc với ánh nắng không phải là nguyên nhân dẫn đến ngộ độc vitamin D.
- Tình trạng ngộ độc vitamin D sẽ dẫn tới tăng canxi máu, làm cho người bệnh chán ăn, buồn nôn, mệt mỏi, tiểu tiện thường xuyên. Ngoài ra, canxi máu cao có thể gây vôi hóa mạch máu và mô, làm tim, mạch máu và thận bị tổn thương.
- Để điều trị ngộ độc vitamin D như sau:
+ Ngừng việc sử dụng vitamin D liều cao và ngừng bổ sung canxi.
+ Điều chỉnh chế độ ăn ít canxi.
+ Uống nhiều nước hoặc truyền dịch.
+ Tùy vào mức độ mà bác sĩ chuyên khoa có thể chỉ định dùng corticosteroid hoặc thuốc lợi tiểu để giúp thải canxi, làm giảm nồng độ canxi trong huyết thanh.
+ Nếu là ngộ độc vitamin D cấp tính: bác sĩ sẽ tiến hành gây nôn, rửa dạ dày cho bệnh nhân để không cho tiếp tục hấp thụ vitamin D vào cơ thể.
Qua việc giải đáp các thắc mắc trên đây, các bậc cha mẹ có thể thấy rằng việc bổ sung vitamin D cho trẻ sơ sinh và rất quan trọng và cần thiết. Để từ đó, mỗi gia đình sẽ có cách thức chăm sóc tốt nhất cho trẻ nhỏ.