Vì sao trẻ hay đánh bạn?

Chăm sóc con 27/02/2023 07:41

Do quá trình phát triển tâm lý của trẻ, có thể có những giai đoạn xuất hiện những hành động bột phát và thiếu kiểm soát hành vi khiến trẻ cáu kỉnh, xích mích, thường xuyên gây sự, đánh bạn kể cả những bạn bình thường thân thiết.

Điều này còn xuất hiện ở cả những đứa trẻ vốn rất ngoan ngoãn, nghe lời. Sự phát triển tâm lý này chỉ diễn ra trong một giai đoạn phát triển của trẻ là điều bình thường.

Ở tuổi thanh thiếu niên, trẻ thường có xu hướng muốn tự khẳng định mình bằng nhiều cách, trong đó có cách đánh bạn để chứng minh sức mạnh bản thân. Vì không có ai bên cạnh chỉ bảo, hướng dẫn các em đi theo con đường đúng nên các em càng dấn sâu hơn vào các hành vi bạo lực nhằm đạt được sự nổi danh, quyền lực trước mắt bạn bè.

Vì sao trẻ hay đánh bạn? - Ảnh 1

Ảnh minh họa.

Bên cạnh sự phát triển tự nhiên đó thì có rất nhiều nguyên nhân khác khiến trẻ thường xuyên gây gổ và đánh nhau với bạn.

Bạo lực gia đình là yếu tố gây ảnh hưởng rất lớn đến quá trình phát triển về thể chất cũng như tâm hồn của trẻ. Thường xuyên bị cha mẹ đánh đập hoặc chứng kiến cảnh cha mẹ đánh cãi chửi nhau làm cho trẻ bị tổn thương nặng nề cả về thể xác lẫn tinh thần. Trẻ không còn nhận được sự thương yêu, dịu dàng từ cha mẹ và người thân thì không thể biết yêu thương, chăm sóc người khác mà chỉ còn lại sự thù hằn, ganh ghét, muốn làm đau những người tiếp xúc hàng ngày với mình mà gần gũi nhất là bạn bè cùng trang lứa.

Ngược lại, trẻ được cha mẹ nuông chiều quá cũng sinh ra bạo lực vì trẻ đã quen với việc thích gì được nấy, luôn có người phục tùng mình. Trong mối quan hệ với bạn bè, trẻ luôn tỏ ra mình là bề trên, bắt bạn phải tuân theo những yêu cầu có khi là quái đản. Khi bị phản ứng, trẻ dùng biện pháp bạo lực với bạn để răn đe.

Thời đại công nghệ phát triển, các loại phim ảnh, truyền hình, báo chí và trò chơi bạo lực được phổ biến rộng rãi đã kích động tâm lý của trẻ. Cha mẹ mải mê làm ăn kiếm tiền, bỏ mặc con cái say mê với những hình ảnh, nội dung thiếu lành mạnh đó và dần dần trẻ bị nhiễm tính bạo lực của những nhân vật không có thực, mang áp dụng vào đời thường.

Trong quá trình học hành, vui chơi, trẻ cũng chịu sự chi phối rất nhiều từ tính cách của bạn bè, dễ bị lôi kéo tham gia vào các nhóm gây gổ, đánh bạn do mâu thuẫn giữa các nhóm, các phe. Hiện tượng này đang gặp rất nhiều ở các trường học, gây ô nhiễm không khí học đường.

Trẻ hay đánh bạn gây ra những hậu quả gì?

Trẻ hay đánh bạn gây nên tình trạng mất đoàn kết, không được bạn bè yêu quý khiến trẻ bị cô đơn nên càng khó kiểm soát hành vi của mình hơn, càng thể hiện bạo lực nhiều hơn. Điều này không chỉ ảnh hưởng tới học tập, nhân cách, các hoạt động và mối quan hệ trong đời sống của trẻ mà của cả những người liên quan như cha mẹ, thầy cô giáo, bạn cùng lớp…

Trẻ hay đánh bạn gây ức chế tâm lý của những trẻ khác, có khi tạo nên tình thế bắt buộc những trẻ xung quanh cũng phải bạo lực để tự bảo vệ mình. Từ chuyện nhỏ sẽ kéo theo những hệ lụy lớn như trẻ lập bè phái để đối lập nhau, chiến đấu với nhau thậm chí gây án mạng cho nhau.

Vì sao trẻ hay đánh bạn? - Ảnh 2

Ảnh minh họa.

Trẻ sống thu mình, không quan tâm tới ai nên tất nhiên là khó nhận được sự cảm thông, chia sẻ và giúp đỡ của mọi người. Do không được hỗ trợ phù hợp ngay từ nhỏ nên khi lớn lên, những trẻ thường xuyên đánh bạn có thể sẽ trở thành kẻ vi phạm pháp luật hoặc trở thành phần tử nguy hiểm trong xã hội.

Cha mẹ phải làm thế nào?

Chẳng cha mẹ nào muốn con mình là một đứa trẻ hung hăng, hay đánh bạn. Nhưng không vì thế mà khi thấy con đánh bạn thì vội vã quy kết cho rằng con mình hư hỏng mà phạt con ngay lập tức.

Hãy tách con ra khỏi “hiện trường”, xin lỗi bạn bị con mình đánh, giải quyết những hậu quả do con gây ra. Giúp con bình tĩnh trở lại bằng cách cho con ngồi ở nơi yên tĩnh, tránh khỏi những ánh mắt đang tò mò theo dõi câu chuyện.

Cho con uống nước, nghe nhạc êm dịu, nói chuyện với con một cách nhẹ nhàng, cởi mở và chân thành. Đừng ngắt lời hay áp đặt, đánh giá con mà để con tự đánh giá hành vi của mình, tìm hiểu nguyên nhân và đưa ra cách phòng tránh hành động tương tự, không để xảy ra. Sự giận dữ của cha mẹ khi trẻ đang nóng giận chỉ như đổ thêm dầu vào lửa chứ không có tác dụng giáo dục trẻ trong tình huống đó.

Bản thân cha mẹ phải làm gương trong các mối quan hệ với những người thân thiết cũng như trong xã hội. Đừng tưởng con trẻ vô tâm mà người lớn cứ hồn nhiên không quan tâm đến sự phản hồi của chúng, cần nhớ rằng thái độ cư xử của cha mẹ luôn được trẻ để ý và làm theo.

Cha mẹ cần tạo một không khí vui vẻ, đầm ấm trong gia đình, tạo mọi điều kiện tốt nhất để trẻ luôn có cảm giác yên tâm và sẵn sàng chia sẻ tâm tư, tình cảm của trẻ với cha mẹ. Một đứa trẻ được yêu thương và biết yêu thương sẽ không bao giờ làm tổn thương người khác.

Hãy dạy con biết tự lập, biết phân biệt hành vi tốt - xấu, biết tự chịu trách nhiệm về hành động của mình. Động viên trẻ tham gia vào các hoạt động tập thể của nhà trường, khu phố, từ đó trẻ được hòa nhập vào các hoạt động lành mạnh, bổ ích, có cơ hội thể hiện năng khiếu của mình, rèn luyện kỹ năng sống.

Thường xuyên quan tâm tới học hành, các mối quan hệ bạn bè và các hoạt động của con nhưng không can thiệp quá mức tới những điều riêng tư để trẻ luôn được tự do trong khuôn khổ cho phép chứ không bị bó buộc hoặc thoải mái quá trớn.

Giữ mối liên lạc khăng khít với nhà trường, thầy cô giáo của con; gần gũi với bạn bè của con và các bậc phụ huynh khác để có sự phối kết hợp cần thiết, đúng lúc trong việc giáo dục con cái.

Khi gặp phải “ca” khó, cha mẹ không nên cố tìm cách giải quyết mà có thể tìm kiếm sự hỗ trợ, tư vấn của các chuyên gia tâm lý, giáo dục hoăc các trung tâm tư vấn, giáo dục tâm lý để nhận được trợ giúp kịp thời và hiệu quả.

Chuyên gia: "Trẻ con có biết gì đâu" hay lời bao biện của cha mẹ, tự đánh tráo khái niệm nạn nhân và chối bỏ trách nhiệm dạy con?

Tư tưởng "trẻ con mà, có biết gì đâu" gây ra nhiều hệ lụy xấu cho sự phát triển tâm sinh lý lứa tuổi của trẻ.

TIN MỚI NHẤT