Vắc xin viêm màng não mô cầu liên tục khan hiếm, bố mẹ phải làm gì để phòng bệnh cho con khi chưa thể tiêm chủng đầy đủ?

Chăm sóc con 31/12/2020 06:00

Không ít mẹ rơi vào tình cảnh đợi mấy tháng liền trung tâm vẫn không có vắc xin viêm màng não để tiêm cho con, dù đã đặt tiền giữ vắc xin từ trước.

Khan hiếm vắc xin phòng bệnh viêm màng não mô cầu

Thời gian gần đây, các mẹ có con nhỏ liên tục lùng sục tìm kiếm các trung tâm tiêm chủng dịch vụ xem còn vắc xin phòng ngừa bệnh viêm màng não do não mô cầu gây ra. Thực tế, nhiều tháng qua, hầu hết các trung tâm tiêm chủng dịch vụ liên tục thông báo hết các loại vắc xin phòng bệnh viêm màng não mô cầu hoặc chỉ có số lượng nhỏ đủ để đáp ứng nhu cầu của các mẹ đã mua trọn gói vắc xin hay đặt mua trước vắc xin.

Tình trạng khan hiếm vắc xin phòng bệnh viêm màng não do não mô cầu đến mức một trung tâm tiêm chủng rất lớn trên cả nước vốn nổi tiếng là hiếm khi "cháy" vắc xin cũng không có đủ sản phẩm để cung cấp cho nhu cầu của của khách hàng. Thậm chí, tình trạng "cháy" vắc xin này có thể còn tiếp diễn đến tháng 2 năm 2021. Mẹ H.N.L (Hà Nội) và một số mẹ khác cho biết dù đã đặt tiền trước để giữ vắc xin não mô cầu ở trung tâm tiêm chủng này nhưng cũng nhận được cái hẹn từ tháng 7 vừa qua và hiện tại trung tâm hẹn tiếp đến tháng 2 năm 2021 mới có vắc xin để tiêm cho con.

Vắc xin viêm màng não mô cầu liên tục khan hiếm, bố mẹ phải làm gì để phòng bệnh cho con khi chưa thể tiêm chủng đầy đủ? - Ảnh 1
Nhiều trung tâm tiêm chủng dịch vụ liên tục thông báo hết vắc xin não mô cầu.

Viêm màng não do não mô cầu gây ra là một bệnh lý nguy hiểm ở trẻ nhỏ. Con đường lây nhiễm của bệnh chủ yếu qua đường hô hấp, qua tiếp xúc chất dịch từ người mang bệnh hoặc người lành mang vi khuẩn. Dù bệnh rất hiếm gặp nhưng có thể cướp đi mạng sống của trẻ nhỏ chỉ trong 24 giờ sau khi xuất hiện những triệu chứng đầu tiên.

 

Bệnh này có một số triệu chứng rất phổ biến giống với sốt, cảm cúm, cảm lạnh nên cha mẹ thường chủ quan, không phát hiện kịp thời. Điều đáng lưu ý là thời gian ủ bệnh chỉ từ vài giờ đến vài ngày, diễn biến bệnh rất nhanh nên nếu không điều trị kịp thời, trẻ có thể nguy hiểm đến tính mạng.

Lịch tiêm 2 loại vắc xin viêm màng não mô cầu

Bệnh viêm não, viêm màng não do não mô cầu là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi khuẩn Neisseria meningitidis gây ra, loại vi khuẩn này đc phân loại thành 12 tuýp huyết thanh. Tại Việt Nam, não mô cầu khuẩn tuýp A, B và C là thường gặp nhất và hiện nay có 2 loại vắc xin phòng bệnh viêm màng não do não mô cầu là vắc xin Mengoc phòng bệnh vi khuẩn não mô cầu tuýp B+C (Cu Ba) và vắc xin Menactra phòng bệnh vi khuẩn não mô cầu tuýp A, C, W, Y (Sanofi Pasteur). Cả 2 loại vắc xin này đều chỉ có trong chương trình tiêm chủng dịch vụ.

 Vắc xin viêm màng não mô cầu liên tục khan hiếm, bố mẹ phải làm gì để phòng bệnh cho con khi chưa thể tiêm chủng đầy đủ? - Ảnh 2

Hai loại vắc xin phòng viêm màng não mô cầu ở Việt Nam hiện nay chỉ có trong chương trình tiêm chủng dịch vụ.

- Vắc xin Mengoc B+C: Tiêm 2 liều, liều thứ 2 cách liều đầu tiền từ 6 đến 8 tuần. Vắc xin này được tiêm cho trẻ từ 6 tháng tuổi và người lớn đến 45 tuổi.

- Vắc xin Menactra (vắc xin phòng ngừa viêm màng não mô cầu A,C, W,Y):

+ Trẻ từ 9 tháng - dưới 24 tháng tuổi: Cần tiêm 2 liều, mỗi liều cách nhau tối thiểu 3 tháng.

+ Từ 24 tháng đến 55 tuổi: Cần tiêm 1 liều duy nhất.

Phòng bệnh viêm màng não mô cầu cho con khi chưa tiêm đầy đủ vắc xin

Các các bác sĩ và chuyên gia khuyến cáo trẻ nên được tiêm đầy đủ cả hai loại vắc xin phòng các tuýp thường xuyên gây bệnh ở nước ta là A, B, C, Y và W-135 để phòng được tối đa nguy cơ nhiễm bệnh.

Trong tình hình khan hiếm vắc xin phòng bệnh viêm màng não do não mô cầu như hiện nay, bố mẹ nên thường xuyên liên hệ trước với các trung tâm tiêm chủng để kiểm tra xem khi nào có vắc xin phòng bệnh viêm màng não mô cầu và cho con đi tiêm sớm nhất. Nếu chưa thể tiêm ngừa đầy đủ các liều vắc xin hoặc chưa đủ tuổi để tiêm chủng 2 loại vắc xin trên, bố mẹ có thể chủ động phòng ngừa bệnh cho con bằng cách:

- Tránh cho trẻ tiếp xúc với người nghi nhiễm bệnh viêm màng não do não mô cầu, người có các triệu chứng bệnh hô hấp. Nếu nghi ngờ đã tiếp túc thì phải cho trẻ uống thuốc dự phòng.

- Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, đồng thời giữ vệ sinh thân thể sạch sẽ.

Vắc xin viêm màng não mô cầu liên tục khan hiếm, bố mẹ phải làm gì để phòng bệnh cho con khi chưa thể tiêm chủng đầy đủ? - Ảnh 3

- Tránh đưa trẻ đến nơi đông người. Nếu có việc cần đưa trẻ ra ngoài, cần cho trẻ đeo khẩu trang đúng cách.

- Đảm bảo môi trường sống lành mạnh, sạch sẽ cho trẻ, mở cửa sổ hàng ngày để làm thông thoáng không gian sống.

- Cho trẻ súc họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý hoặc dung dịch sát trùng mũi họng.

- Cung cấp cho trẻ chế độ ăn uống cân bằng dinh dưỡng, đảm bảo trẻ được ngủ đủ giấc, thời gian học tập - vui chơi - nghỉ ngơi hợp lý.

Khi phát hiện trẻ có các biểu hiện sốt cao kèm theo đau đầu, buồn nôn, nôn và cứng cổ, sợ ánh sáng, xuất hiện các ban máu, cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.

5 sai lầm của cha mẹ khiến con dễ bị gù lưng, vẹo cột sống

Ai cũng biết và hiểu rằng cha mẹ nào cũng yêu con, thế nhưng nếu muốn tốt cho con cha mẹ hãy dừng ngay những thói quen xấu này nhé nếu không muốn con bị gù lưng, vẹo cột sống

TIN MỚI NHẤT