Run run kể lại hành trình điều trị cho con từ khi phát hiện mắc phải căn bệnh lạ ở trẻ em - viêm cơ nhiễm khuẩn - bà mẹ Hà Nội hy vọng rằng qua câu chuyện của mình, sẽ không phụ huynh nào lơ là bất cứ dấu hiệu sớm của bệnh ở trẻ nhỏ.
- Cảnh báo: Rất nhiều trẻ em nhập viện, tử vong vì cách pha sữa sai lầm của bố mẹ
- Cách chăm sóc bệnh viêm phế quản ở trẻ em tại nhà giúp bé nhanh khỏi bệnh
Khi nuôi con, ai cũng hi vọng con khỏe mạnh. Chị Nguyễn Điệp (29 tuổi, hiện đang sống ở Hà Nội) đương nhiên cũng mong muốn như vậy. Thế nhưng, chị và gia đình thật chẳng bao giờ có thể ngờ được, cậu con trai 10 tháng tuổi của mình lại mắc phải căn bệnh lạ ở trẻ em - bệnh viêm cơ nhiễm khuẩn dẫn đến sốc nhiễm khuẩn, nhiễm trùng huyết một cách rất vô tình, thậm chí không hiểu nguyên nhân. Để rồi sau đó là những ngày tháng chống chọi với căn bệnh lạ, đủ thông tin xấu, nguy kịch, chuyển viện trong tình trạng căng thẳng, thậm chí phải bóp bóng để giữ những hơi thở yếu ớt còn sót lại...
Ban đầu chỉ đau chân bình thường, sốt cao
Chị Điệp kể lại: "Buổi trưa ngày 10/5, mình đi làm cả ngày. Tối về nghe bà kể lại, con đang ngủ trưa tự dưng hờn khóc, suốt từ lúc đó tới tối mẹ đi làm về chỉ bắt bế trên tay không rời. Sau khi tắm cho con, mình phát hiện chân trái con hình như bị đau. Vì mình thường cho con đứng trên giường, giữ nách, rồi mở nhạc là con nhảy, nhưng hôm đó thì không. Con đứng trụ bằng chân phải còn chân trái con chỉ chạm đầu ngón chân xuống giường chứ không chịu đứng cả bàn, cứ đụng vào là khóc. Từ đêm đó, con ngủ chỉ nằm được nghiêng về bên chân phải".
Ngày hôm sau, bé Đức ngủ dậy vẫn ăn, chơi bình thường nhưng không tập bò, không đứng, dắt cũng không đi được như trước. Hai ngày sau, chị Điệp lo lắng mới cho con đi khám. Bác sỹ thăm khám bên ngoài nhưng không phát hiện được gì vì không có biểu hiện sưng, đỏ, nổi hạch hay vết xước... Siêu âm vẫn không thấy gì bất thường, bác sỹ chỉ chẩn đoán có thể bé bị viêm bên trong, đang giai đoạn đầu nên không thể thấy được trên kết quả siêu âm.
Bác sỹ kê thuốc giảm đau, trong trường hợp khi bé đau, quấy quá thì cho uống, dặn thêm nếu bé đau kèm sốt thì phải gọi điện ngay cho bác sỹ. Mấy ngày sau, con cứ sốt đi sốt lại, có đêm lên 42 độ, cứ uống hạ sốt được mấy tiếng lại sốt.
Thấy không ổn, ngày 15/5, chị Điệp đưa con đi khám lại và nghe theo chỉ định làm xét nghiệm máu cho con. "Mình bồn chồn, lo lắng quá nên cứ liên tục kiểm tra kết quả của con trước qua mạng. Nhìn vào kết quả xét nghiệm, mình không tin nổi vào mắt nữa. Chỉ số bạch cầu của con tận 26,7 trong khi trung bình chỉ có 3,5 -10. Ruột gan mình như lửa đốt, vô cùng sợ hãi. Gọi điện cho bác sỹ, mình nghe như sét đánh ngang tai khi bác sỹ bảo bạch cầu của con cao quá, phải nhập viện ngay vì viêm nặng lắm rồi".
Sốt cao liên tục không hạ, suy tim, suy hô hấp...
"Chân tay mình bắt đầu bủn rủn, đầu óc không nghĩ được gì, bác sỹ bảo chuẩn bị đồ cho con nhập viện mà cứ loay hoay không biết lấy gì làm gì, nhìn con mà chỉ chực khóc trào. Sáng hôm đó, con được nhập viện Xanh Pôn – khoa hồi sức tích cực, được lấy máu xét nghiệm và truyền thuốc. Đến trưa, con bắt đầu có hiện tượng tím môi và các đầu chi, sốt liên tục, cứ uống hạ sốt được lúc lại sốt. Cứ như thế đến chiều, bế trên tay mà con cứ vật vã đau đớn, mắt lờ đờ muốn ngủ lắm nhưng khó chịu không ngủ nổi", chị Điệp run run kể lại.
Đến 5h chiều hôm đó, bé Đức được uống thuốc hạ sốt mà không hạ được. Một lúc sau, bé được chuyển sang phòng cấp cứu vì sốt quá. "Tim mình như muốn nhảy ra khỏi lồng ngực, khi nhìn con đang thở oxi mát, đo nhịp tim, huyết áp... Sốt không hạ được, chị điều dưỡng bảo mình đi lấy chậu nước ấm và 5 khăn xô chườm bẹn, nách, trán để hạ sốt vì trước đó 1h con đã uống thuốc hạ sốt mà không hạ. Cứ như vậy, mình và bà nội thay đến cả chục chậu nước chườm liên tục, cứ khăn này bỏ ra thì khăn mới đắp vào mà con chỉ hạ được có 2 độ".
Một lúc sau, bác sỹ vào thăm khám, giải thích cho gia đình rằng: "Bé có hiện tượng tím tái không phải do truyền kháng sinh, cũng không phải do sốt cao mà do con bị nhiễm khuẩn máu nên nó phát ra ngoài da. Vi khuẩn đã xâm nhập vào máu rồi, giờ nó đi đến đâu nó sẽ phá hủy đến đó nên tình trạng hiện nay rất nguy kịch. Con bắt đầu có hiện tượng suy tim suy hô hấp...". Nghe đến đây, chị Điệp gần như ngã quỵ. Đặc biệt là trước đó chị được nghe 1 ca tử vong vì chết não, cũng là do nhiễm khuẩn máu giống như bé Đức.
Cấp cứu, chuyển viện, bóp bóng, lọc máu...
"Mình ôm con khóc mà không tin vào sự thật. Sau một hồi lâu cấp cứu, con có vẻ ổn hơn chút, chân tay bớt tím tái nhưng vẫn sốt. Bác sỹ đề nghị chuyển sang Bệnh viện Nhi Trung ương nhằm đảm bảo quá trình điều trị chuyên sâu hơn, dù bác sỹ có nói rằng không dám chắc trên đường đi con có an toàn hay không", chị Điệp chia sẻ.
Rất may mắn với gia đình chị khi chặng đường di chuyển đã diễn ra trọn vẹn, bé Đức đến được Bệnh viện Nhi Trung ương an toàn. Các bác sỹ tiếp nhận, cấp cứu và ngay một lúc sau đã chỉ định chuyển bé lên tầng 4 Khoa Hồi sức tích cực để chạy máy và truyền thuốc. "Từ tầng 1 lên tầng 4 chỉ mất 3 phút thôi nhưng bác sỹ nói tình trạng con rất xấu nên không chắc chắn có lên tới được tầng 4 hay không. Một lần nữa mình như chết đi sống lại khi nhìn thấy con phải dùng bóp bóng để thở. Và rồi một phép màu nữa đến, con lên tới tầng 4 một cách trọn vẹn. Nhưng bác sỹ có gọi 2 vợ chồng mình vào để giải thích rằng con rất nguy kịch, chẩn đoán sốc nhiễm khuẩn, nhiễm trùng huyết, viêm cơ nhiễm khuẩn. Giờ con sẽ được chạy máy và truyền thuốc loại tốt nhất để xem con có tiếp nhận hay không".
3 ngày sau khi chuyển viện, tuy truyền thuốc con có tiếp nhận nhưng con không có tiến triển gì, vẫn rất nguy kịch Bác sỹ đã cho lọc máu, theo sự cam kết của 2 vợ chồng. "Mỗi ngày vào lại có 1 thông tin không tốt, nào là dạ dày con có dịch bẩn nên không ăn sữa xông được mà vẫn phải truyền dịch. Rồi thận con chưa hoạt động lại nên con chưa tiểu được, nhịp tim, dây mạch chưa ổn định... Cũng may con chỉ lọc máu mất 2 ngày là được ra phòng tự nguyện".
Trong 1 tháng ròng rã sau đấy, bé phải truyền liên tục mỗi ngày 3-6 ống kháng sinh liều cao và 2 mũi tiêm dưới da. Chân bé vẫn không hết sưng và đau ở khớp háng trái, có ổ dịch và từ đó dẫn tới nhiễm khuẩn máu.
Phẫu thuật nạo vét dịch, bó bột cố định khớp háng
"Cuối cùng bác sỹ đưa ra chỉ định phải phẫu thuật để nạo vét hết dịch viêm bên trong ra. Kết quả phim chụp cũng cho thấy khớp của con có hiện tượng lệch do viêm cốt tủy, viêm xương nên phẫu thuật xong, nếu thấy ổn, bác sỹ sẽ bó bột luôn để cố định khớp háng. Sau hơn 2 tiếng, ca phẫu thuật kết thúc. Con vẫn còn thuốc mê, bị bó từ bụng xuống hết chân trái, người cứng đơ vì bó bột, kèm 2 ống thoát dịch lủng lẳng bên hông, mình xót xa không biết đêm nay con ngủ nằm kiểu gì...", chị Điệp kể lại.
Hơn 1 tuần sau, bé được ra viện và hẹn 20 ngày đến tháo bột và chụp, siêu âm lại. Nhưng đến ngày tái khám, bác sỹ thông báo háng con vẫn lệch, còn dịch, phù nề phần mềm và lại phải bó bột thêm 1 tháng nữa.
Hiện tại, đã hơn 10 ngày từ lần tái khám, bé Đức trộm vía vẫn khỏe mạnh, nhưng chân vẫn còn bó bột. Hy vọng lần đi tháo bột, kiểm tra lại tới đây, tình trạng bé sẽ ổn định và thoát qua được căn bệnh lạ, nguy hiểm.
Nói về nguyên nhân mắc bệnh lạ của con trai, chị Điệp cũng chia sẻ thêm rằng: "Nguyên nhân bị bệnh của con cho đến nay cũng không rõ. Bác sỹ chỉ nói là do vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể dẫn đến viêm rồi nhiễm khuẩn huyết, chứ không rõ nguyên nhân từ đâu hay vào bằng đường nào. Dù cho nhà mình luôn giữ vệ sinh cho con rất sạch sẽ, ông nội thường lau nhà sạch bong không còn hạt bụi nào. Con được bế bồng nhiều, ăn uống giữ vệ sinh an toàn, kỹ càng... vậy mà vẫn không hiểu sao lại bị nhiễm khuẩn".
Qua câu chuyện của gia đình mình, chị Điệp nhắn gửi đến các bố mẹ khác, rằng đừng bao giờ lơ là một chút nào với những biểu hiện mắc bệnh của con. Bởi biết đâu con mắc bệnh lạ, nếu không chữa trị kịp thời, bố mẹ có thể sẽ phải ân hận cả đời: "Chỉ đến lúc vào viện mới thấy có rất nhiều bệnh lạ ở trẻ em, nguy hiểm mà trước giờ mình không biết. Có bé chỉ ngày ho 1 tiếng thôi cũng viêm phổi, phế quản. Bé thì chỉ đi ngoài thôi, đến viện tiêm thuốc bị sốc phản vệ cũng phải lọc máu, chạy Ecmo, bé thì chỉ sốt virus thôi nhưng vào viện 1 tuần thì bị vi khuẩn lạ xâm nhập làm bệnh trở nặng... Vậy nên mong các bố mẹ đừng lơ là, chủ quan một chút nào với những vấn đề liên quan đến sức khỏe của con".