Từ em bé nguy kịch sau khi xỏ lỗ tai đến những điều bố mẹ phải biết khi bấm lỗ tai cho trẻ nhỏ

Chăm sóc con 08/10/2018 13:00

Các bác sĩ chuyên khoa Tai - Mũi - Họng không khuyến khích mọi người, nhất là trẻ nhỏ xỏ lỗ tai, vì điều này dễ tạo điều kiện để vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể gây nhiễm trùng tại chỗ, thậm chí gây hại toàn thân cho trẻ.

Từ em bé nguy kịch sau khi xỏ lỗ tai đến những điều bố mẹ phải biết khi bấm lỗ tai cho trẻ nhỏ - Ảnh 1
Nếu có ý định xỏ lỗ tai cho trẻ, bố mẹ nên tìm địa chỉ tin cậy, uy tín, đảm bảo vô trùng để tránh vi khuẩn xâm nhập gây hại cho trẻ. Ảnh minh họa

Nguy kịch tính mạng sau khi xỏ lỗ tai

Mới đây, thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Trung tâm Tiền Giang cho biết, đơn vị này vừa cấp cứu cho một trường hợp gặp biến chứng nặng sau khi xỏ lỗ tai. Theo đó, bệnh nhi T.T.T (15 ngày tuổi, trú tại huyện Gò Công, tỉnh Tiền Giang) được đưa tới viện trong tình trạng sốt cao, người mệt lả, bỏ bú. Hai bên mang tai bị tấy đỏ, phần lỗ tai mới bấm bị chảy mủ.

Theo lời kể của mẹ bé T, sau khi sinh bé, gia đình có nhờ người đến nhà để xỏ lỗ tai cho con vì nghĩ rằng, xỏ càng sớm, bé sẽ không bị đau (!?). Tuy nhiên, vài ngày sau đó, thấy tai con bị sưng, kèm mủ, gia đình mới vội đưa con đi viện kiểm tra.

Tại bệnh viện, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi T bị viêm mô tế bào vùng quanh 2 bên lỗ tai, có nguy cơ bị nhiễm trùng huyết nặng. Ngay sau đó, các bác sĩ đã cấp cứu rửa vết thương, cắt sợi chỉ xỏ lỗ tai, lấy mủ ra, đồng thời tiêm thuốc kháng sinh cho bé T. Sau khi được điều trị, bé T giảm sốt, hai bên tai bớt sưng, bé bú được, sức khỏe có nhiều chuyển biến tích cực.

Thực tế, trường hợp trẻ gặp biến chứng sau khi xỏ lỗ tai không phải là hiếm. Chị Vũ Thị Hoa (26 tuổi, ở Mỹ Đức, Hà Nội) đến giờ không thể đeo khuyên tai như các bạn nữ khác cũng chỉ vì “sự cố” của 22 năm về trước. Theo lời kể của chị Hoa, khi ấy, ở quê chị rộ lên dịch vụ xỏ lỗ tai, được thực hiện bởi những thợ “dạo”. Dụng cụ “hành nghề” lúc ấy chỉ vỏn vẹn có một “khẩu súng” bấm lỗ, lũ trẻ như cô chỉ cần nghe “tạch” phát là trên tai đã có một lỗ nhỏ để có thể đeo “tòng teng”.

Thế nhưng, sau 2 ngày bấm lỗ tai, chị Hoa thấy tai đau nhức, phần bấm lỗ bị rỉ nước vàng, dưới cổ nổi hạch. Những ngày sau đó, chị Hoa được mẹ rửa vết thương bằng nước muối loãng. Tuy nhiên, khoảng một tuần sau, thấy tai con gái có mủ, tấy đỏ, mẹ mới đưa chị đến trạm y tế để xử lý thì vết thương đã bị loét sâu, có dấu hiệu áp xe. Cuối cùng, gia đình phải đưa chị đi bệnh viện tuyến Trung ương để điều trị.

Sau đợt điều trị tại viện, rất may, phần vết thương ở tai của chị Hoa đã giảm sưng, hết mủ và dần se lại. Những tưởng mọi việc đã xong, nào ngờ, khi về nhà, vì “tiếc” công bấm lỗ và sợ con gái bị “mít” lỗ tai, mẹ chị Hoa đã dùng chiếc kim khâu tải để “thông” phần lỗ tai đã bấm trước đó. Hệ quả là tai chị bị nhiễm trùng trở lại gây biến chứng và vĩnh viễn không thể thực hiện bấm lỗ trên tai thêm lần nào nữa.

Theo các bác sĩ, bấm lỗ tai cho nữ giới, nhất là các bé gái dưới 10 tuổi là quan niệm từ lâu đời của nhân dân ta. Tuy nhiên, việc làm này tiềm ẩn nhiều hệ lụy khôn lường. Trao đổi với PV Báo Gia đình&Xã hội, BS Nguyễn Toàn Thắng (Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương) cho biết: Tại Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương, các bác sĩ đã từng tiếp nhận nhiều trường hợp gặp biến chứng sau khi xỏ lỗ tai. Theo đó, người bệnh thường bị nhiễm trùng, gây viêm sụn vành tai và áp xe sụn vành tai. Đây là biến chứng có thể gặp ở cả người lớn và trẻ nhỏ. Tuy nhiên, trẻ nhỏ có nguy cơ gặp nhiều hơn do sức đề kháng còn yếu.

Bên cạnh đó, theo BS Nguyễn Toàn Thắng, một biến chứng nặng khác có thể xảy ra sau khi xỏ lỗ tai là nhiễm trùng huyết. Đây là tình trạng vi khuẩn xâm nhập qua vết thương nhỏ ở tai, đi vào trong máu gây tình trạng sốt cao và gây nhiều ổ viêm trong cơ thể trẻ nhỏ. Tình trạng này nếu không được xử lý kịp thời, sẽ rất nguy hiểm đối với sức khỏe của trẻ.

Dễ tạo điều kiện cho vi khuẩn tấn công

Theo BS Nguyễn Toàn Thắng, các bác sĩ chuyên khoa Tai - Mũi - Họng không khuyến khích mọi người, nhất là trẻ nhỏ đi xỏ lỗ tai vì điều này dễ tạo điều kiện để vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể gây nhiễm trùng tại chỗ, thậm chí toàn thân. “Với trẻ nhỏ, nhất là trẻ sơ sinh, hệ miễn dịch còn yếu, nếu có bất cứ một nhiễm trùng nhỏ nào cũng có thể “bùng phát” thành bệnh và để lại biến chứng nặng. Với những trẻ lớn hơn, hệ miễn dịch đã dần ổn định, nếu có ý định xỏ lỗ tai cho trẻ, bố mẹ cũng nên tìm địa chỉ tin cậy, uy tín, đảm bảo vô trùng để tránh vi khuẩn xâm nhập gây hại cho trẻ”, BS Nguyễn Toàn Thắng nói.

Do đó, BS Nguyễn Toàn Thắng khuyến cáo, sau khi xỏ lỗ tai cho con, nếu thấy bất kỳ dấu hiệu nào bất thường (sưng, tấy đỏ, chảy dịch…) bố mẹ phải đưa con đến các cơ sở y tế để được xử lý kịp thời, tránh tình trạng tự bôi thuốc cho con tại nhà hoặc để vết thương bị nhiễm trùng nặng mới đưa đến viện. Thực tế, một số trường hợp bệnh nhi được đưa tới viện quá muộn, vành tai đã bị áp xe nặng, gây hỏng vành tai.

BS Nguyễn Toàn Thắng cho biết thêm, với từng trường hợp gặp biến chứng cụ thể, các bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị khác nhau. Chẳng hạn, nếu sau khi xỏ lỗ tai, trẻ bị viêm, vi khuẩn khu trú ở vành tai, bác sĩ sẽ chỉ định dùng kháng sinh để điều trị. Trong trường hợp vết thương đã bị áp xe, cần phải chích rạch để dẫn lưu ổ áp xe, rửa vết thương và thay băng hàng ngày để tránh vi khuẩn xâm nhập trở lại.

Để vết thương nhanh lành và tránh nhiễm trùng, các chuyên gia khuyến cáo, sau khi xỏ lỗ tai, nên để bé đeo chỉ xỏ tai trong vài tuần. Chú ý khâu vệ sinh và ăn uống cho con, bố mẹ nên vệ sinh xung quanh vết thương hàng ngày cho con bằng dung dịch khử trùng được bác sĩ chỉ định. Bên cạnh đó, giữ cho bé không sờ tay bẩn vào vết thương trên tai, đồng thời hạn chế cho trẻ ra ngoài, tiếp xúc với bụi bẩn để tránh gây nhiễm trùng vết thương của trẻ.

Cẩn trọng với “mốt” bấm nhiều lỗ tai

Theo các bác sĩ chuyên khoa Tai - Mũi - Họng, việc xỏ lỗ tai truyền thống ở vị trí dái tai nếu được thực hiện ở những nơi uy tín, người thực hiện có tay nghề thì đa phần không gây hại. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều bạn trẻ chạy theo “mốt” bấm nhiều lỗ ở các vị trí khác nhau trên vành tai, thậm chí đâm qua cả sụn vành tai là cực kỳ nguy hiểm vì có nguy cơ bị nhiễm trùng, dẫn đến viêm, áp xe, thậm chí hỏng vành tai. Chưa kể đến việc, nhiều bạn sau khi bấm lỗ tai, không vệ sinh sạch sẽ mà đeo ngay những trang sức bằng kim loại vào những vết thương trên tai. Đây cũng là một ẩn họa cho vi khuẩn xâm nhập, gây hại cho tai.

8 điểm tưởng xấu xí ở trẻ sơ sinh nhưng lại báo hiệu bé khỏe, có tố chất thiên tài

Theo nhân tướng học, trẻ sơ sinh có một vài nét hơi “xấu xí” lại những dấu hiệu tốt lành biểu thị đứa trẻ có cơ thể khỏe mạnh vì ngay từ trong bào thai trẻ phải thích nghi với môi trường nước ối, chống lại vi khuẩn...

TIN MỚI NHẤT