Trẻ em bị sốt: Bao nhiêu độ là nguy hiểm?

Chăm sóc con 04/05/2018 15:38

Chia sẻ với Phụ nữ sức khỏe, bác sĩ Bùi Thế Lữ cho biết thân nhiệt trẻ sơ sinh thấp hơn thân nhiệt người lớn 0,5 độ C. Nếu trẻ sốt trên 39 độ C hoặc sốt liên tục trong nhiều giờ cần đưa trẻ đi khám để tránh các biến chứng nguy hiểm xảy ra.

Thân nhiệt bình thường ở trẻ em

Thân nhiệt trung bình ở người lớn và trẻ em là 37 độ. Nhiệt độ cơ thể có thể dao động từ 36,1 – 37,2 độ C. Thân nhiệt của trẻ buổi chiều và buổi tối sẽ cao hơn buổi sáng. Nhiệt độ cơ thể trẻ từ 37,5 – 38 độ C là trong trạng thái tăng thân nhiệt. 

Trẻ em bị sốt: Bao nhiêu độ là nguy hiểm? - Ảnh 1
Trẻ sơ sinh có thân nhiệt thấp hơn người lớn 0,5 độ C - Ảnh minh họa: Internet

Sốt là hiện tượng thân nhiệt cơ thể cao hơn bình thường từ 1 – 2 độ C. Có nhiều nguyên nhân, phần lớn là sốt siêu vi (do vi trùng, siêu vi trùng, ký sinh trùng…).

Ở giai đoạn sơ sinh và những năm đầu đời, trẻ sốt có thể là dấu hiệu tốt. Đây là cách cơ thể chống lại sự nhiễm trùng, làm tăng khả năng miễn dịch. Đại thực bào sẽ tìm đến và diệt vi khuẩn, siêu vi lạ.

Trẻ bị sốt bao nhiêu độ là nguy hiểm?

Để kiểm tra thân nhiệt trẻ, mẹ có thể sử dụng nhiệt kế để đo nhiệt độ cơ thể. Nhiệt độ cơ thể xấp xỉ nhiệt độ vùng hậu môn. Nếu mẹ đo vùng nách, miệng của trẻ nên cộng thêm 0,5 độ.

Thân nhiệt trẻ 38 độ C là sốt, 39 độ C là sốt cao. Thông thường, lượng nước cơ thể người lớn và trẻ em sẽ mất qua đại tiện, tiểu tiện, đổ mồ hôi tự nhiên. Khi bị bệnh, cơ thể sẽ mất nước qua các triệu chứng sốt, nôn ói.

Trẻ em bị sốt: Bao nhiêu độ là nguy hiểm? - Ảnh 2
Trẻ bị sốt không kèm theo các dấu hiệu khác, chỉ cần cho trẻ uống thuốc hạ sốt sẽ nhanh khỏi - Ảnh minh họa: Internet

Khi trẻ bị sốt, sự mất nước sẽ diễn ra qua quá trình đổ mồ hôi tự nhiên, bài tiết qua da. Trẻ bị sốt nếu không kèm theo những triệu chứng khác, mẹ chỉ cần tăng lượng nước cho trẻ và dùng thuốc hạ sốt đúng liều lượng, trẻ sẽ nhanh chóng hạ sốt.

Bé sơ sinh bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu nên chỉ cần bé bú tốt, ngủ đủ, thân nhiệt sẽ giảm. Không cho trẻ uống nước lọc hoặc các loại nước trái cây khác.

Thuốc hạ sốt để uống có tác dụng nhanh hơn thuốc hạ sốt nhét vào hậu môn. Thuốc hạ sốt phù hợp cho trẻ là paracetamonl 10 - 15mg cho 1 kg cân nặng. Mỗi ngày cho trẻ dùng 4 lần nhưng không quá 60mg/kg/ngày, mỗi lần uống cách nhau từ 4 – 6 tiếng.

Trường hợp sốt cao trên 48 giờ hoặc sốt trên 39 độ kèm thêm các dấu hiệu nôn ói, tiêu chảy, rốn ướt, chảy dịch, lừ đừ… nên đưa trẻ đến bệnh viện. Bất kỳ nhiễm trùng nào trong giai đoạn này đều có thể gây nguy hiểm cho tính mạng của trẻ.

Bác sĩ Bùi Thế Lữ

Bệnh viện Đa khoa Mỹ Phước (Bình Dương)

Các cách điều trị tại nhà khi bé bị sốt

Bé bị sốt không nhất thiết phải đưa đến bệnh viện mà có thể điều trị bằng các phương pháp vật lý tại nhà.

TIN MỚI NHẤT