Việc kiên trì cho bé bú mẹ sẽ có tác dụng làm giảm 54% nguy cơ mắc căn bệnh da liễu này ở trẻ nhỏ.
- Trẻ sơ sinh có 6 dấu hiệu này sẽ rất thông minh, lớn lên dễ thành thiên tài
- 5 cách tích cực giúp ngăn chặn các cơn cáu giận bất thình lình của trẻ
Nguy cơ mắc chàm da có thể giảm 54% khi trẻ được bú mẹ
Những lợi ích to lớn của việc nuôi con bằng sữa mẹ đã được khoa học công nhận. Tuy nhiên, hiện nay không phải tất cả trẻ sơ sinh được thụ hưởng nguồn sữa mẹ, tỉ lệ trẻ bú mẹ đến 6 tháng lại càng thấp. Điển hình là Vương quốc Anh có tỷ lệ trẻ bú mẹ thấp nhất trên thế giới, chỉ có 1% trẻ sơ sinh được bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu.
Mới đây, nằm trong khối chương trình hỗ trợ những bà mẹ mới sinh và khuyến khích nuôi con bằng sữa mẹ, 1 nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí JAMA Pediatrics (Journal of the American Medical Association Pediatrics) khiến nhiều bà mẹ trên thế giới thêm vững tin vào lựa chọn của mình. Theo nghiên cứu này, việc kiên trì nuôi con bằng sữa mẹ sẽ có tác dụng làm giảm 54% nguy cơ mắc căn bệnh chàm - eczema ở trẻ nhỏ.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo trẻ sơ sinh nên được cho bú sữa mẹ trong sáu tháng đầu đời để giúp bảo vệ khỏi bị nhiễm trùng, phòng ngừa dị ứng và cung cấp đủ các dưỡng chất và năng lượng cần thiết.
Nghiên cứu được thực hiện với gần 14,000 trẻ đủ 16 tuổi và được bú mẹ lúc sơ sinh. Một bảng câu hỏi liên quan đến 3 vấn đề này được đưa ra để trẻ tự đánh giá, ngoài ra là phần kiểm tra da để đánh giá bệnh chàm da và hơi thở để đánh giá sức khỏe phổi cũng được tiến hành.
Kết quả thu được cho thấy việc kiên trì nuôi con bằng sữa mẹ, đặc biệt trong 6 tháng đầu đời sẽ có tác dụng làm giảm 54% nguy cơ mắc căn bệnh chàm da – eczema ở trẻ. Tiến sĩ Amy Brown, chuyên gia dinh dưỡng cho trẻ sơ sinh tại Đại học Swansea, Mỹ cho biết: “Đây là một nghiên cứu khá hữu ích, cung cấp thêm thông tin cho các bậc cha mẹ về cách mà trẻ sơ sinh được nuôi dưỡng trong những tháng đầu đời có thể ảnh hưởng đến sức khỏe lâu dài của trẻ. Điều đặc biệt thú vị là nghiên cứu này xem xét sức khoẻ của trẻ ở tuổi vị thành niên, có nghĩa là việc cho con bú bảo vệ trẻ lâu dài về sau, chứ không chỉ đơn giản là giai đoạn được bú mẹ."
Tuy nhiên, Giáo sư Neena Modi, Chủ tịch trường Cao đẳng Hoàng gia Nhi khoa và Sức khỏe trẻ em (Royal College of Paediatrics and Child Health) cho biết, nghiên cứu mới nhấn mạnh thêm tầm quan trọng của việc nuôi con bằng sữa mẹ nhưng nếu trẻ không được bú mẹ thì cha mẹ cũng không nên quá lo lắng bởi có thể bảo vệ và giữ gìn sức khỏe tốt cho trẻ bằng nhiều cách khác nhau.
Chàm da eczema - bệnh phổ biến ở trẻ nhỏ
Chàm da (eczema) là tình trạng viêm da nổi mụn nước do phản ứng với các tác nhân nội và ngoại sinh. Eczema làm cho da trẻ trở nên ngứa, khô, nứt, đau và đỏ. Tại các nước phát triển, cứ 5 trẻ thì có 1 trẻ mắc chàm da, và cứ 10 người lớn thì có 1 người mắc.
Khoảng 20% trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ bị chàm da. Bệnh này thường bắt đầu khi trẻ mới sinh, với 65% số trẻ xuất hiện các triệu chứng trong 1 năm đầu đời và 90% phát triển bệnh trước 5 tuổi.
Khi trẻ bị chàm da, cha mẹ có thể thực hiện theo 1 số cách sau để giúp bé dễ chịu hơn.
- Tắm và dưỡng ẩm cho da: Mẹ lưu ý không tắm nước quá nóng cho trẻ vì nước nóng làm khô da nhanh hơn nước ấm. Sử dụng xà phòng nhẹ hoặc chất làm sạch không chứa xà phòng. Thấm nhẹ nhàng cho khô người bé bằng khăn sạch. Khi da bé vẫn còn ẩm, hãy nhanh chóng thoa kem dưỡng ẩm hoặc làm mềm da cho bé.
- Chọn quần áo thoáng mát: Trang phục cho con nên làm bằng các loại vải có chất liệu tự nhiên như cotton. Tránh mặc đồ len và các chất liệu có thể gây xước và kích ứng da bé. Không mặc quá nhiều quần áo khiến da bé ngột ngạt, khó chịu.
- Xà phòng nhẹ: Loại xà phòng dùng cho bé nên chọn loại dịu nhẹ, không mùi. Không sử dụng chất làm mềm vải khiến da bé dễ bị kích ứng, tổn thương.
- Hạn chế để trẻ gãi, cào lên da: Khi bị chàm da, trẻ sẽ cố gãi hoặc dụi mặt xuống ga giường, quần áo. Việc này sẽ khiến da bị tổn thương nặng hơn. Vì vậy cha mẹ lưu ý tránh để trẻ tự gãi lên da, cắt móng tay cho trẻ, sử dụng chăn gối thật mềm, bao tay cho trẻ.
- Làm mát da: Khi trẻ bị ngứa ngáy, nóng rát, cha mẹ có thể chườm mát lên vùng da đó, bôi kem dưỡng ẩm để giúp trẻ dễ chịu hơn.
- Thay đổi nhiệt độ quá nhanh: Việc thay đổi nhiệt độ quá nhanh có thể khiến căn bệnh eczema nặng hơn, cha mẹ không nên để cho con bị quá nóng và sau đó làm mát quá nhanh, hoặc ngược lại.
- Tránh xa khói thuốc, các tác nhân gây dị ứng khác nếu có.
- Hỏi ý kiến bác sĩ: Ngoài việc áp dụng các biện pháp trên, cha mẹ hãy cho trẻ đi khám và xin ý kiến tư vấn của bác sĩ để có biện pháp điều trị thích hợp cho bé khi bị chàm da.