Pha sữa không đúng cách sẽ khiến trẻ không nhận được chất dinh dưỡng mà còn gặp vấn đề về tiêu hóa, thậm chí nguy hại tới tính mạng.
Đã có không ít các trường hợp trẻ nhỏ gặp nguy kịch vì lỗi pha sữa của cha mẹ, điển hình là trường hợp xảy ra ở Trung Quốc hồi tháng 11 năm ngoái gây nhiều hoang mang cho những người nuôi con nhỏ.
Theo đó, khi thấy con chậm tăng cân, ông bố trẻ Wang (Trung Quốc) đã pha nhiều thêm vài thìa sữa bột so với liều lượng quy định. Những tưởng càng nhiều bột thì con càng nhận được nhiều chất dinh dưỡng nhưng không phải vậy. Sau một thời gian dài, con trai anh chẳng những không tăng cân mà còn thường xuyên bị nôn trớ, kén ăn, gương mặt kém hoạt bát.
Sau khi kiểm tra sức khỏe cả gia đình anh như "chết đứng" nhận thông báo từ bác sĩ rằng bé đã bị viêm ruột vì uống sữa quá đặc, nếu còn kéo dài có thể đe dọa tính mạng.
Hay một câu chuyện khác cũng gây xôn xao mạng xã hội vào cuối tháng 12 năm ngoái là trường hợp người mẹ trẻ vô tư dùng nước khoáng để pha sữa cho con khiến bé bị sỏi thận, để lâu có thể đi tiểu ra máu.
2 trong số rất nhiều trường hợp trẻ nhỏ nguy kịch vì sự thiếu hiểu biết của cha mẹ trong việc pha sữa cho con đã gây ra những cái chết thương tâm, khiến sức khỏe của các con bị ảnh hưởng suốt đời. Vì thế, khi pha sữa cho con, các bậc phụ huynh cần tuyệt đối tránh những sai lầm tai hại dưới đây:
1. Hiểu sai về dùng nước ấm khi pha sữa
Ai cũng biết rằng khi pha sữa cho trẻ nên sử dụng nước ấm và cho con dùng khi còn ấm. Tuy nhiên, nước ấm ở đây nên được hiểu là nước nóng đã được làm mát dần.
Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nước pha sữa cần phải nóng đến ít nhất là 70 độ C để thanh trùng, diệt vi khuẩn trong cả nước và cả sữa công thức. Trước khi cho bé uống mẹ nên làm mát bằng cách để bình sữa dưới vòi nước đang chảy, hoặc đặt ly sữa vào bát nước lạnh cho đến khi sữa hạ nhiệt độ đến mức vừa phải để bé uống được. Tuyệt đối không được hiểu sai rằng pha nước nóng và nước lạnh thu được nước ấm để pha sữa cho con.
2. Thứ tự cho nước và bột vào bình sai
Khi cho bột vào trước rồi mới cho nước sẽ khiến sữa bột dễ đóng cặn, không tan đều và không có lợi cho tiêu hóa của trẻ. Vì thế, thứ tự ưu tiên sẽ là cho nước trước, sau đó cho bột vào và lắc nhẹ nhàng.
3. Dùng nước cháo, nước cơm để pha sữa
Rất nhiều người còn có quan niệm sai lầm rằng nước cháo, nước cơm bản chất đã có nhiều chất dinh dưỡng cho trẻ nên khi pha thêm với sữa công thức sẽ làm tăng chất dinh dưỡng. Tuy nhiên, sự thật là các men tinh bột có trong nước cháo, nước cơm chưa phù hợp với hệ tiêu hóa còn non yếu của trẻ sẽ gây nên vấn đề về rối loạn tiêu hóa, trẻ đi ngoài nhiều lần...
4. Dùng nước khoáng để pha sữa
Nước khoáng và nước suối dù không chứa tạp chất hay vi khuẩn nhưng lại có hàm lượng khoáng chất phức tạp, khi kết hợp với sữa công thức có thể ảnh hưởng đến sức khỏe em bé.
Tương tự như thế, nước trái cây cũng không thích hợp để pha sữa cho trẻ dùng vì một số loại quả có chứa hàm lượng acid khá cao sẽ làm protein biến mất và giảm thấp giá trị dinh dưỡng.
5. Hâm nóng sữa cũ để bé dùng lại
Không phải tự nhiên mà nhiều người truyền tai nhau quan niệm rằng chỉ nên pha đủ cữ sữa cho bé bú, không nên pha quá thừa và để lại uống vào các bữa sau. Trên thực tế, khi sữa nguội được hâm nóng lại cho bé uống sẽ làm các cấu trúc protein và vitamin thay đổi, mất đi giá trị dinh dưỡng vốn có của nó.
Vì thế, sữa đã pha mà không dùng hết sau 1 giờ nên bỏ đi và pha sữa mới cho bé dùng.
Chuyên gia tư vấn Kim Mai/ Gia đình & Xã hội lưu ý, khi pha sữa bột cho trẻ tránh pha quá loãng hay quá đặc. Bởi nếu pha quá loãng trong thời gian dài thì trẻ không hấp thu đủ nhiệt lượng, trẻ dễ bị suy dinh dưỡng. Nếu pha quá đặc, sẽ gây nguy hại cho hệ tiêu hóa của trẻ bởi trong sữa quá đặc có rất nhiều muối vô cơ, công năng thận của trẻ chưa hoàn toàn thành thục. Hấp thu quá nhiều muối vô cơ sẽ tăng thêm gánh nặng cho thận.