Sốt phát ban ở trẻ thường lành tính và sẽ tự khỏi sau 7 ngày nếu điều trị đúng cách.
- Những dấu hiệu nhận biết bệnh tự kỷ sớm ở trẻ em cha mẹ đừng vội bỏ qua
- Chuyên gia gợi ý mẹ thông thái cách chọn đồ chơi cho trẻ
Sốt phát ban là bệnh phổ biến thường gặp ở trẻ em, nhất là trẻ dưới 2 tuổi. Do sức đề kháng của bé trong giai đoạn này còn non kém, hệ miễn dịch chưa phát triển hoàn thiện nên bé dễ bị các loại virus, vi khuẩn tấn công.
Đa phần các virus gây sốt phát ban ở trẻ em đều là virus lành tính. Nếu bé được chăm sóc đúng cách sẽ khỏi bệnh sau 5 – 7 ngày.
DẤU HIỆU SỐT PHÁT BAN Ở TRẺ
Nếu bé tiếp xúc với người đang bị sốt phát ban, virus có thể lây sang bé. Sau 1-2 tuần nhiễm virus, các dấu hiệu và triệu chứng bệnh sẽ xuất hiện.
Các dấu hiệu sốt phát ban ở trẻ thường bao gồm:
- Sốt cao đột ngột: Sốt phát ban thường bắt đầu với việc bé bị sốt cao đột ngột (thường trên 39,4 độ C). Một số bé cũng có thể bị đau họng, sổ mũi hoặc ho trước hoặc trong khi sốt. Trong một số trường hợp bé có thể bị nổi hạch ở cổ. Sốt thường kéo dài từ 3-5 ngày.
- Phát ban: Khi cơn sốt giảm xuống, các nốt phát ban thường xuất hiện. Các nốt ban bao gồm nhiều đốm nhỏ hoặc mảng nhỏ. Các nốt này thường không sưng và có thể có một vòng tròn trắng bao quanh. Phát ban thường bắt đầu ở ngực, lưng, bụng và sau đó lan đến cổ và cánh tay. Phát ban có thể xuất hiện ở chân và mặt tùy bé. Phát ban không gây ngứa hoặc khó chịu và có thể kéo dài từ vài giờ đến vài ngày.
Dấu hiệu khác:
- Mệt mỏi, khó chịu, quấy khóc.
- Tiêu chảy nhẹ.
- Biếng ăn hoặc bỏ ăn.
- Bọng mắt sưng.
NGUYÊN NHÂN LÀ GÌ?
Nguyên nhân phổ biến nhất của sốt phát ban là do virus herpes typ 6 (HHV - 6) và herpes typ 7 (HHV - 7).
Giống như các bệnh do virus khác, sốt phát ban lây truyền từ người này qua người khác thông qua tiếp xúc với người bị bệnh. Sốt phát ban có thể lây lan ngay cả khi nó không có dấu hiệu phát ban ra bên ngoài. Nếu bé chỉ bị sốt thì bé vẫn có thể lây nhiễm virus sang cho người khác.
Không giống như bệnh đậu mùa và các bệnh do virus khác, sốt phát ban hiếm khi bùng phát thành dịch. Bệnh có thể xảy ra vào bất cứ thời gian nào trong năm.
CÁCH ĐIỀU TRỊ SỐT PHÁT BAN Ở TRẺ
Hầu hết các bé bị sốt phát ban sẽ có thể tự khỏi sau 7 ngày phát bệnh. Việc điều trị cho bé chủ yếu tập trung vào việc hạ sốt. Thuốc kháng sinh không thể điều trị sốt phát ban vì bệnh do virus gây ra.
Để giúp bé nhanh chóng hồi phục sức khỏe, bé mẹ có thể điều trị sốt phát ban tại nhà như sau:
- Hạ sốt: Nếu bé bị sốt cao bố mẹ có thể cho bé uống các loại thuốc hạ sốt như Paracetamol (với trẻ trên 3 tháng tuổi) và Ibuprofen (với trẻ trên 6 tháng tuổi). Hãy hỏi bác sĩ trước khi cho bé uống bất cứ loại thuốc nào. Không cho bé uống thuốc kháng sinh khi bị sốt phát ban. Thuốc khác sinh có thể khiến bé bị mắc hội chứng Reye dẫn đến suy gan và tử vong.
- Uống nhiều nước: Để ngăn ngừa mất nước, hãy khuyến khích bé uống nhiều nước. Mẹ cũng có thể cho bé uống thêm dung dịch bù nước và bù điện giải. Sữa mẹ và sữa bột cũng có thể giúp ngăn ngừa mất nước.
- Giữ vệ sinh sạch sẽ: Hàng ngày nhỏ mũi cho bé bằng nước muối sinh lý để làm thông thoáng đường thở. Súc miệng nước muối cũng giúp làm dịu đau họng.Tắm rửa cho bé sạch sẽ để phòng tránh nhiễm trùng da. Tuy nhiên chú ý không để bé bị lạnh khi tắm.
- Ăn uống đầy đủ: Chế độ ăn uống đủ chất, đa dạng, giàu vitamin sẽ giúp bé tăng cường sức đề kháng để hồi phục sức khỏe. Mẹ nên cho bé ăn các loại đồ ăn lỏng, dễ tiêu hóa như cháo, súp, sữa. Cho bé ăn nhiều hoa quả và rau xanh. Khi bé bị ốm nên chia bữa ăn thành nhiều bữa nhỏ để đảm bảo dinh dưỡng cho bé.
DẤU HIỆU NGUY HIỂM SỐT PHÁT BAN Ở TRẺ
Sốt phát ban đa phần lành tính và sẽ tự khỏi sau 7 ngày. Tuy nhiên nếu bé có các biểu hiện sau, bố mẹ cần cho bé đi bệnh viện ngay lập tức:
- Sốt cao trên 39,5 độ hoặc co giật.
- Sốt hơn 7 ngày.
- Phát ban không hết sau 3 ngày.
- Bé có tiền sử suy giảm hệ thống miễn dịch.
- Bé dưới 3 tháng tuổi.
- Bé có dấu hiệu mất nước.
Theo bác sĩ Việt Anh cho biết trên báo Sức khỏe và Đời sống, để trẻ không mắc bệnh SPB cần tiêm phòng cho trẻ theo lịch tiêm phòng của ngành y tế.
Khi trẻ mắc bệnh SPB, cần cách ly với trẻ lành và chăm sóc cẩn thận, có thể điều trị tại nhà bằng cách lau mát cho trẻ khi trẻ sốt, nếu không đỡ có thể cho uống thuốc hạ sốt paracetamol với liều lượng 10mg/1kg cân nặng của trẻ, 6 giờ sau, nếu vẫn sốt, cho uống tiếp với liều lượng như vậy.
Cần cho trẻ uống nhiều nước, tốt nhất là uống dung dịch oresol (ORS) và uống thêm nước hoa quả tươi (cam, dưa hấu, xoài…). Nên cho trẻ ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu.
Tuy vậy, khi thấy trẻ sốt cao không giảm hoặc thấy các dấu hiệu bất thường (mệt mỏi, khó thở, phân có máu, chảy mủ tai, co giật…), cần phải cho trẻ đến bệnh viện càng sớm càng tốt. Hằng ngày cần tắm, rửa bằng nước ấm, trong phòng kín gió để tránh trẻ bị cảm lạnh.