Người mẹ sinh con thành công dưới đống đổ nát hay hình ảnh bé gái 7 tuổi dùng tay che chắn đầu em khỏi gạch đá... đã khiến hàng triệu người xúc động khi theo dõi về động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ.
- Nhiều trẻ nhập viện vì mắc bệnh đường hô hấp trong những ngày trời nồm ẩm
- Những thứ được chuyên gia khuyên nên sử dụng nước nóng để giặt
Thổ Nhĩ Kỳ và Syria đã phải hứng chịu liên tiếp 2 trận động đất lớn làm rung chuyển cả một vùng biên giới. Cả thế giới đứng ngồi không yên nghe ngóng tin tức và cầu bình an cho người dân 2 quốc gia vốn đã chịu thiệt thòi quá nhiều vì chiến tranh, loạn lạc.
2 ngày trôi qua, số người chết đã lên đến hàng nghìn, chưa kể những người vẫn mắc kẹt dưới đống đổ nát. Trên truyền thông và mạng xã hội, người ta liên tục chia sẻ những hình ảnh nơi hiện trường mất mát đầy tang thương. Giữa đống gạch bê tông vỡ vụn là những tiếng la hét cầu cứu trong hoảng loạn xen lẫn tiếng máy ủi, xe cứu thương hú còi ầm ĩ.
Lực lượng cứu hộ vẫn đang nỗ lực chiến đấu để cứu những người sống sót sau trận động đất trong bối cảnh cảnh báo rằng thời gian không còn nhiều cho hàng nghìn người bị mắc kẹt dưới những ngôi nhà bị san phẳng.
Giữa chồng chất đau thương, những hình ảnh, câu chuyện xúc động được lan truyền khiến ai xem cũng đều lặng đi.
Một người đàn ông Thổ Nhĩ Kỳ nắm chặt tay con gái dù cô bé đã thiệt mạng và vẫn kẹt trong đống đổ nát. Người đàn ông này tên Mesut Hancer, đến từ vùng Kahramanmaraş. Con gái của ông Hancer tên Irmak, 15 tuổi. Thi thể cô bé nằm trên giường, bị đè bởi những tấm bê tông. Bất chấp trời giá lạnh, ông Hancer vẫn ngồi cạnh chỗ con nằm, nắm lấy bàn tay con lộ ra.
Mesut Hancer nắm tay con gái đã thiệt mạng.
Tại tỉnh Hatay, Thổ Nhĩ Kỳ, những người sống sót cho biết họ có thể nghe thấy tiếng người cầu cứu từ bên dưới những tòa nhà bị sập.
Nurgul Atay và những người khác đã cố gắng tiếp cận mẹ mình, nhưng họ không thể di chuyển những tấm bê tông nặng. Cô nghe thấy giọng nói đứt quãng của người mẹ: “Mẹ 70 tuổi rồi, không thể chịu đựng được lâu nữa”.
Một cư dân khác tên Deniz nói trong hoảng loạn: “Mọi người hét lên “Cứu chúng tôi với!” nhưng chúng tôi không biết phải cứu họ như thế nào”.
Một số người bị mắc kẹt đã để lại những tin nhắn đau lòng và những lời cầu xin tuyệt vọng để được giúp đỡ trên Facebook, Twitter và Instagram.
Giữa vô vàn tin tức đau thương, người ta vẫn rơi giọt nước mắt hạnh phúc khi một cảnh tượng có thể miêu tả bằng 2 từ "kỳ diệu". Một trong những hình ảnh đang gây xúc động mạnh trong thảm họa động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria đó là câu chuyện một thai phụ bị mắc kẹt dưới đống đổ nát của một tòa nhà bị san phẳng đã sinh con thành công trước khi tử vong.
Bé gái mới sinh được cứu sống trong trận động đất ở Syria. Ảnh: Dailymail
Trang Dailymail đưa tin, mẹ của bé gái đã chuyển dạ cùng thời điểm trận động đất xảy ra. Bà qua đời sau khi sinh con. Một số nhân chứng cho biết, tất cả người thân của bé gái đều qua đời trong trận động đất.
Trong đoạn video, bé gái được các nhân viên cứu hộ bế ra khỏi tòa nhà đổ sập. Một người đàn ông lấy tấm chăn phủ đầy bụi ném theo, hy vọng nó có thể giữ ấm cho đứa bé.
Ở nơi khác, một cậu bé tên là Ahmed đã được cứu sau khi lực lượng cứu hộ phát hiện ba ngón chân của cậu bé thò ra từ dưới một tấm bê tông ở Qatma, Syria.
Ở miền nam Thổ Nhĩ Kỳ, Hulya Yilmaz và con gái Ayse Vera đã được giải cứu sau 29 giờ dưới đống đổ nát của một tòa nhà bị sập.
Trong đoạn video từ Afrin, Syria ghi lại khoảnh khắc đáng kinh ngạc khi lực lượng cứu hộ đào một bé gái ra khỏi đống đổ nát. Cha cô bé liên tục trấn an con gái: “Đừng sợ, có bố ở đây”.
Hình ảnh một bé gái 7 tuổi, dùng tay che đầu cho em trai khi cả hai mắc kẹt dưới đống đổ nát sau trận động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria đã chạm đến trái tim triệu người.
Người chia sẻ bức ảnh lên mạng xã hội Twitter là nhà hoạt động xã hội, Đại diện Liên Hợp Quốc ở Trung Đông, ông Mohamad Safa. Ông cho biết hai đứa trẻ đã mắc kẹt dưới đống đổ nát trong 17 tiếng đồng hồ và hiện đã được đưa ra ngoài an toàn.
Ông Mohamad Safa viết: "Cô bé 7 tuổi đặt tay lên đầu em trai mình để bảo vệ em khi cả hai mắc kẹt dưới đống đổ nát suốt 17 giờ. Các em đã ra ngoài an toàn. Tôi không thấy có ai chia sẻ bức ảnh. Thế mà, nếu chẳng may cô bé tử vong, mọi người lại liên tục chia sẻ! Hãy lan tỏa những điều tích cực như thế này chứ”.
Cách thành phố Adana của Thổ Nhĩ Kỳ khoảng 200 km về phía bắc, vị giáo sư Şule Can và gia đình cô đang chờ đợi cứu viện. Cô cùng chồng và hai cô con gái đang cố thủ trong văn phòng tại Đại học Khoa học và Công nghệ Adana.
Cả gia đình đang ngủ thì trận động đất đầu tiên xảy ra, không lâu sau khi mọi thứ tưởng đã tạm yên bình, một cơn dư chấn khác lại tiếp tục làm rung chuyển tòa nhà. Cơn dư chấn qua đi, họ chạy nhanh nhất có thể ra bên ngoài để thoát thân.
“Chúng tôi chỉ biết cắm đầu chạy, chạy và chạy. Cho đến khi lên xe và bắt đầu lái thì mới tạm yên tâm”. Cả gia đình nhận ra mình may mắn thế nào khi tòa nhà của họ vẫn trụ vững, nhưng những căn bên cạnh thì đã không còn nguyên dạng.
Trời lạnh cóng, mọi người mất nơi ăn chốn ở, không ai biết phải đi đâu tiếp theo. Cảnh tượng hiện lên như ngày hậu tận thế.
“Những gì mọi người có thể làm thực sự chỉ là đoàn kết, ở bên nhau. Nhưng đồng thời, cảm giác thật tệ khi chẳng ai biết phải làm gì”, Şule Can nghẹn ngào.
Theo CNN, tính đến sáng sớm 8/2, số người chết trong trận động đất kinh hoàng ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria hôm 6/2 đã tăng lên ít nhất 7.726.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan chiều ngày 7/2, đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp ở các khu vực bị ảnh hưởng của động đất trong thời gian 3 tháng
Thổ Nhĩ Kỳ ước tính có 13,5 triệu công dân bị ảnh hưởng trực tiếp bởi trận động đất xảy ra ở nước này. Tổng thống Erdogan nói rằng trận động đất được coi là một trong những thảm họa thiên nhiên tồi tệ nhất trong lịch sử.