Chiếc nôi rung tự động Snoo do bác sĩ Harvey Karp thiết kế có khả năng ru bé ngủ trong vài phút nhưng đang gây ra nhiều tranh cãi trái chiều.
Việc ru bé ngủ luôn là công việc khó khăn, vất vả với nhiều ông bố, bà mẹ. Chính vì lí do này mà bác sĩ nổi tiếng Harvey Karp đã phát minh ra chiếc nôi rung tự động Snoo với khả năng ru bé ngủ trong vài phút. Tuy nhiên, đoạn clip quảng cáo về tác dụng thần kì của chiếc nôi mới được trình chiếu gần đây đã gây rất nhiều tranh cãi trong cộng đồng các mẹ bỉm sữa.
Theo CNN, bác sĩ Harvey Karp đã phải mất 5 năm nghiên cứu mới có thể cho ra đời chiếc nôi rung tự động Snoo. Cách thức hoạt động của nôi là tái hiện lại môi trường trong tử cung để giúp bé cảm thấy an toàn, thoải mái nhất. Chiếc nôi sẽ đung đưa bé nhẹ nhàng, đồng thời cũng mang đến cảm giác ôm ấp, che chở và cho bé nghe cả “tiếng ồn trắng” tạo cảm giác như đang trong bụng mẹ.
Với khả năng thần kì trên, bé sẽ chìm vào giấc ngủ nhanh chóng. Nhờ vậy mẹ sẽ không còn mệt mỏi khi phải bế ẵm, dỗ dành bé ngủ suốt đêm. Sức khỏe của mẹ sẽ được đảm bảo. Bất cứ khi nào mẹ muốn ru bé ngủ chỉ cần đặt bé vào nôi Snoo. Nó sẽ đung đưa qua lại đến khi bé nín khóc và chìm vào giấc ngủ. Mẹ có thể cài đặt chế độ rung của nôi sẽ đung đưa suốt đêm hoặc tắt sau 8 phút. Ngoài ra mẹ cũng có thể điều chỉnh tốc độ rung, âm thanh của tiếng ồn trắng.
Hiện nay, nôi Snoo đang được bán 1200 USD (tương đương khoảng 27 triệu đồng).
Mặc dù, nôi Snoo có tác dụng thần kỳ ru bé ngủ trong vài phút nhưng nó vẫn đang bị nhiều mẹ bỉm sữa phản đối vì nó làm mất đi sự gần gũi giữa mẹ và bé. Đồng thời nhiều mẹ cũng lo lắng, việc rung lắc của nôi có thể ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của bé.
Các chuyên của CDCp (Center for Disease Control and Prevention) đã chỉ ra rằng con số tử vong do hội chứng “trẻ bị rung lắc” lên đến 2.000 ca mỗi năm tại Mỹ. Hội chứng tổn thương não lạm dụng hay trẻ bị rung lắc là một hội chứng thường gặp và có khả năng gây tử vong ở trẻ nhỏ.
Đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, đầu của bé vẫn chiếm khoảng ¼ trọng lượng cơ thể trong khi não bộ lại chưa phát triển đầy đủ nên khi bị rung, lắc mạnh sẽ khiến khối não di chuyển theo quán tính và có thể bị va đập vào hộp sọ làm não bị sung phù, gây ra các tổn thương mạch máu trong não. Các tổn thương này có thể để lại nhiều tổn thương thần kinh lâu dài, cũng như các biến chứng nghiêm trọng, thậm chí gây tử vong.
Chính vì vậy nôi rung tự động Snoo khiến nhiều bậc phụ huynh lo ngại về sự an toàn của nó với sức khỏe của bé sơ sinh. Hơn nữa, dù chiếc nôi có khả năng ru bé ngủ nhanh chóng, giảm bớt gánh nặng cho mẹ nhưng nó cũng tước đi quyền được gần gũi giữa mẹ và bé. Thời gian ru bé ngủ chính là thời gian mẹ được ôm ấp, vỗ về bé trong vòng tay ấm áp. Mẹ và bé sẽ kết nối với nhau chặt chẽ hơn qua việc tiếp xúc da kề da, với những ôm ấp, vuốt ve. Vì vậy việc sử dụng nôi ru bé ngủ tự động là hoàn toàn không cần thiết.
Theo BS. Phạm Diệp Thuỳ Dương - ĐH Y Dược TP.HCM cho biết trên báo Pháp luật TP.HCM,
Hội chứng lắc có thể xảy ra khi người lớn rung lắc trẻ nhỏ đôi khi chỉ do giận dữ vì bé khóc quá lâu không dỗ được (ví dụ khi bé có cơn khóc co thắt hay khi vòi vĩnh một món đồ chơi). Nhưng thường nhất là chỉ để đùa giỡn với bé (tung bé lên rồi chụp, lúc lắc bé mạnh... cho bé vui) hay chỉ là đơn giản là đưa võng, đưa nôi thật mạnh…
Đây là một chấn thương não nghiêm trọng do rung lắc mạnh xảy ra ở trẻ dưới năm tuổi, thường nhất là trẻ dưới một tuổi. Do cơ cổ yếu, đầu to và nặng so với mình, khi bị lắc mạnh, não bộ mỏng manh của trẻ nhỏ sẽ di chuyển tới lui bên trong hộp sọ theo quán tính và dội vào hộp sọ cứng, làm rách mô não, mạch máu và thần kinh, gây ra các tổn thương bầm dập, sưng nề và xuất huyết não. Chỉ cần lắc một trẻ mới sinh vài giây đã có thể gây tổn thương não không hồi phục.
Trong trường hợp nặng, trẻ có thể có các triệu chứng như kích thích, li bì, ăn bú kém, nôn, co giật, liệt, hôn mê, thậm chí tử vong. Nếu sống sót, trẻ có thể bị mù, điếc, chậm phát triển hay động kinh.
Trường hợp nhẹ hơn, trẻ có thể có vẻ bình thường sau khi bị lắc nhưng lại có vấn đề về sức khỏe, học tập hoặc hành vi sau này.
Do đó, khi nghi ngờ bé bị lắc, bạn cần đưa bé đi khám ngay. Các xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh (X-quang, CT, MRI) hay khám mắt có thể giúp phát hiện được tổn thương.
Hội chứng trẻ bị lắc có thể phòng ngừa được, nếu bạn hiểu được các tình huống nguy cơ và tránh để nó xảy ra. Khi bạn không thể giữ bình tĩnh với bé, nhớ tìm người giúp đỡ. Nếu không có ai để giúp bạn, hãy đặt bé vào một chỗ an toàn và tránh ra một chỗ khác vài phút.
Đừng đùa giỡn, rung lắc bé quá mạnh tay. Và điều quan trọng là nhớ nói về vấn đề này với tất cả mọi người trong gia đình, kể cả người giúp việc, người trông trẻ.