Thực phẩm ăn dặm nào nên luộc, thực phẩm nào nên chiên, xào… để bảo toàn chất dinh dưỡng? Một vài gợi ý dưới đây sẽ giúp các bậc phụ huynh tự tin trong việc chế biến món ăn dặm cho con.
- Chỉ 30 phút, mẹ Bình Thuận nấu cho con bữa ăn dặm với cơm ngon mê ly
- Sao Việt lần đầu làm mẹ: Từng rối loạn tâm lý, chật vật với biến cố ăn dặm của con
Nhiều dưỡng chất quan trọng trong quá trình nấu nướng có thể bị hao hụt đáng kể. Trẻ bước vào độ tuổi ăn dặm là thời điểm cơ thể cần tăng cường bổ sung các vitamin, khoáng chất và nhiều nguyên tố vi lượng cần thiết.
Chia sẻ với Phụ nữ sức khỏe, Bác sĩ Nguyễn Hoàng Anh – Khoa dinh dưỡng Bệnh viện Hoàng gia Wocester (Vương Quốc Anh) cho biết nhiều bậc cha mẹ thường mắc những lỗi cơ bản trong việc chế biến thức ăn dặm cho trẻ. Việc không để ý hoặc không biết vô tình khiến cơ thể bé thiếu hụt đi những vi chất quan trọng.
Theo đó, các vi chất dinh dưỡng quan trọng cần thiết cho cơ thể bé bao gồm: vitamin A, C, D, E, vitamin nhóm B, canxi, sắt, kẽm và magie.
Để hạn chế sự hao hụt các vitamin và khoáng chất trong quá trình nấu món ăn dặm cho con, cha mẹ cần lưu ý một số lời khuyên của bác sĩ Nguyễn Hoàng Anh dưới đây.
Cách chế biến thức ăn bảo toàn chất dinh dưỡng
Luộc hoặc nấu canh các loại cá
Để bảo toàn lượng chất béo omega 3 DHA/EPA có trong cá thu, cá hồi, cá chép hoặc lươn, cha mẹ nên luộc, nấu với một ít nước hoặc nấu canh. Phương pháp này sẽ bảo toàn tối đa lượng omega 3 trong các loài cá.
Tuy nhiên, khi luộc thực phẩm, vitamin C, vitamin nhóm B (đặc biệt là vitamin B3 và B1) sẽ bị hao hụt từ 50 - 60%.
Nên xào thực phẩm với dầu ô liu
Thông thường, các loại củ xào sẽ ít mất chất dinh dưỡng hơn so với loại rau cho lá. Để hạn chế hao hụt dưỡng chất, mẹ nên dùng dầu ô liu (loại dùng cho chế biến thực phẩm). Chị em cũng có thể dùng dầu đậu nành, dầu hạt hướng dương khi xào nấu.
Tránh chiên ngập dầu
Đây là cách nấu nướng làm hao hụt đáng kể chất dinh dưỡng trong thức ăn. Tuy nhiên, thỉnh thoảng mẹ nên chiên giòn thức ăn để kích thích vị giác cho các bé từ 10 – 18 tháng tuổi. Theo nghiên cứu, trẻ ở độ tuổi này rất thích ăn các món chiên giòn.
Mẹ nên dùng dầu đậu nành hoặc dầu hạt hướng dương khi chiên ngập dầu món ăn cho bé. Dầu ô liu hoàn toàn không thích hợp với cách nấu này. Mẹ nên lưu ý dầu đã chiên một lần nên bỏ ngay, không nên tái sử dụng sẽ gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
Hấp cách thủy đối với rau củ quả
Hấp cách thủy là phương pháp tốt nhất để bảo toàn chất dinh dưỡng trong thực phẩm. Cách chế biến này cực kỳ thích hợp đối với các loại rau củ quả.
Việc hao hụt chất dinh dưỡng trong thực phẩm khi chế biến món ăn rất dễ xảy ra. Vì vậy, cha mẹ cần lưu ý áp dụng các cách nấu nướng khác nhau với từng loại thực phẩm khác nhau.
Ngoài những hướng dẫn nêu trên, cha mẹ có thể áp dụng một số lời khuyên khi nấu thức ăn dặm cho con như sau:
- Thịt heo, thịt bò không nên chế biến bằng cách nướng hoặc quay. Lượng vitamin nhóm B sẽ hao hụt đến 40%. Chỉ nên xào hoặc luộc đối với hai loại thịt giàu đạm này.
- Một số loại thịt khác như: Thịt gà, tôm, cua không bị hao hụt đáng kể khi nướng hoặc quay ở nhiệt độ cao. Mẹ có thể nướng, sau đó xé thịt nạc cho trẻ ăn.
- Mẹ có thể cho bé thưởng thức món khoai tây chiên, tôm, cá chiên giòn khoảng 2 – 3 bữa/tuần để kích thích vị giác.