Dấu hiệu rõ rệt khi trẻ bị thiếu sắt là da dẻ nhợt nhạt, lòng bàn tay nhạt màu. Trẻ bị thiếu sắt sẽ suy giảm hệ miễn dịch, giảm trí thông minh, cơ thể luôn trong trạng thái mệt mỏi, khó chịu, cáu gắt.
- Những loại thực phẩm trẻ đang uống sữa thì không nên ăn cùng kẻo nguy hại sức khoẻ
- Cảnh giác với những món ăn rất ngon nhưng gây dậy thì sớm ở trẻ nhỏ
Đối tượng trẻ em bị thiếu sắt
Chia sẻ với Phụ nữ sức khỏe, Bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm - Thần Kinh Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) thông tin: "Các bác sĩ Nhi khoa cho biết hiện nay tỉ lệ trẻ em Việt Nam thiếu sắt vẫn chiếm tỷ lệ rất cao".
Theo đó, đối tượng trẻ em có nguy cơ thiếu sắt bao gồm:
- Trẻ sinh non (sinh thiếu từ 3 tuần trở lên), trẻ sinh nhẹ cân.
- Trẻ bú sữa công thức hoàn toàn.
- Trẻ được 180 ngày tuổi mà chưa ăn dặm.
- Trẻ uống sữa quá nhiều mà không bổ sung sắt.
- Trẻ bị bệnh mạn tính.
- Bé gái bị mất chất sắt khi hành kinh.
- Những trẻ có cân nặng bình thường vẫn có nguy cơ thiếu sắt.
Dấu hiệu nghi ngờ trẻ thiếu sắt
Xét nghiệm máu là cách chẩn đoán chính xác tình trạng thiếu sắt ở trẻ. Các bác sĩ Nhi khoa khuyên cha mẹ nên cho trẻ từ 9 – 12 tuổi xét nghiệm máu để kiểm tra có bị thiếu sắt hay không.
Ngoài ra, cha mẹ có thể phát hiện trẻ bị thiếu sắt không qua một số dấu hiệu cơ bản như:
Da dẻ nhợt nhạt, lòng bàn tay nhạt màu: Khi thấy da con nhợt nhạt, lòng bàn tay nhạt màu hơn so với cha mẹ hoặc trẻ khác thì có thể nghi ngờ trẻ bị thiếu sắt.
Trẻ luôn trong trạng thái mệt mỏi, yếu ớt: Cơ thể bị thiếu sắt khiến trẻ trở nên mệt mỏi, hay quấy khóc, dễ cáu kỉnh.
Viêm lưỡi, trẻ dễ bị bệnh: Trẻ bị thiếu sắt sẽ bị suy giảm sức đề kháng, dễ mắc các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp, chậm phát triển trí lực, não bộ.
Trẻ còn có biểu hiện thèm ăn các thức ăn không bình thường như: Đất bẩn, chỉ thích ăn tinh bột.
Bổ sung và phòng tránh trẻ thiếu sắt
Để bổ sung lượng sắt bị thiếu hụt cho cơ thể trẻ, cần cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời. Nếu trẻ có dấu hiệu thiếu sắt, mẹ cần uống sắt sau đó cho bé bú để cơ thể hấp thu sắt qua đường sữa mẹ.
Đối với trẻ bắt đầu ăn dặm, mẹ nên tăng cường bổ sung các thực phẩm giàu chất sắt. Khi trẻ có thể tiêu thụ các thức ăn rắn, mẹ nên chọn thực phẩm nhiều chất sắt (các loại ngũ cốc cho trẻ nhỏ). Trẻ lớn có thể bổ sung thêm các thực phẩm giàu sắt như rau lá xanh, các loại đậu, thịt đỏ, cá, gà. Trẻ từ 1 – 5 tuổi, lượng sữa bò tiêu thụ nên hạn chế ở mức 710ml/ngày.
Để tăng cường khả năng hấp thu sắt, mẹ nên bổ sung vitamin C cho trẻ. Vitamin C có nhiều trong các loại rau củ, trái cây như: Cà chua, bông cải xanh, khoai tây, rau muống, cam, kiwi, cherry.
Ngoài ra, mẹ có thể cho trẻ uống viên sắt bổ sung theo từng đợt (2 tuần/lần). Khi bắt đầu uống, phân trẻ có thể có màu xám. Nếu trong gia đình có thành viên bị tan máu bẩm sinh (thalassemia), mẹ cần đặc biệt chú ý khi bù sắt.
Khi nghi ngờ trẻ có dấu hiệu thiếu sắt, mẹ nên cho trẻ đi khám bác sĩ Nhi khoa để có kết quả chính xác.