Khi ngủ đủ giấc, sự phát triển thể chất và thần kinh nhanh chóng ở trẻ sẽ được hỗ trợ hiệu quả. Do đó, nắm được thời gian ngủ cho bé theo từng độ tuổi sẽ giúp bố mẹ cho con đi ngủ đúng giờ giấc hơn.
- Sau khi tắm - Thời điểm không nên cho con bú vì sẽ ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của trẻ
- Đây là lý do bác sĩ khuyến nghị mọi đứa trẻ nên được kiểm tra thính lực ngay khi chào đời
Chẳng ai thích một đứa trẻ hay quạu cọ, gắt gỏng - cho dù đó là một bé sơ sinh hay thanh niên 18 tuổi. Và mặc dù có rất nhiều yếu tố dẫn tới tâm trạng u ám kia của trẻ, ngủ không đủ giấc thường là đối tượng khả nghi lớn nhất. Ở mỗi độ tuổi, cha mẹ đều phải đối mặt với thử thách cho trẻ đi ngủ đúng giờ vào buổi tối, ngủ giấc ngắn vừa đủ hoặc không quá nhiều để trẻ có thể ngủ xuyên đêm và đảm bảo trẻ hoàn thành bài tập về nhà, hoạt động ngoại khóa trước khi quá muộn để lên giường.
Cho con đi ngủ vào một giờ cố định mỗi tối không chỉ khiến bạn thấy nhẹ nhõm đi nhiều mà đây còn là cơ hội để bạn dành chút thời gian cho bản thân hoặc chính mình cũng đi ngủ sớm. Nhưng tổng số giờ ngủ một ngày của trẻ là bao nhiêu còn tác động tới cả tâm trạng của trẻ và bạn nữa - giấc ngủ là một trong những yếu tố quan trọng nhất góp phần vào sự phát triển lành mạnh của mọi đứa trẻ.
"Trẻ sơ sinh, trẻ em và teen cần ngủ nhiều hơn hẳn so với người trưởng thành, nhờ đó, sự phát triển thể chất và thần kinh nhanh chóng ở trẻ sẽ được hỗ trợ hiệu quả. Phần lớn phụ huynh biết rằng, những đứa con đang tuổi ăn tuổi lớn của mình cần những giấc ngủ ngon. Nhưng nhiều người không biết bao nhiêu giờ ngủ là đủ cho trẻ và hậu quả của việc thiếu đi 30-60 phút ngủ mỗi ngày", National Sleep Foundation (một tổ chức phi lợi nhuận của Hoa Kỳ nhằm thúc đẩy mọi người hiểu biết hơn về giấc ngủ) cho biết.
Ngoài ra, một nghiên cứu do Đại học Công nghệ Queensland ở Australia tiến hành cho thấy, những đứa trẻ có khả năng tự ru mình ngủ trở lại trước khi lên 5 tuổi có xu hướng thích nghi với trường học dễ dàng hơn so với trẻ gặp rắc rối với giấc ngủ. Và 1/3 trẻ gặp rắc rối với giấc ngủ thường phải đối mặt với những vấn đề về hành vi và cảm xúc khi ở lớp, trong đó có nguy cơ cao hơn mắc chứng rối loạn suy giảm tập trung.
Cùng tham khảo hướng dẫn của National Sleep Foundation về số thời gian ngủ cho bé cần thiết tương ứng với từng độ tuổi:
1. Trẻ mới chào đời (0-3 tháng tuổi)
Số giờ ngủ cần thiết: 14-17 giờ, bao gồm cả các giấc ngủ ngắn.
Trong giai đoạn này, có vẻ khá kỳ quặc nếu lo lắng những thiên thần bé nhỏ đang sống để ngủ, ăn và tè, ị... ngủ bao nhiêu thời gian trong ngày. Nhưng quan trọng là cha mẹ nên cố gắng luyện ngủ cho con. Cho dù bạn áp dụng cách để trẻ khóc cho tới khi nín (cry it out); thực hiện những nghi thức ngọt ngào trước giờ ngủ hay để trẻ khóc có kiểm soát thì việc giúp bé phát triển khả năng tự ru ngủ mình từ khi còn nhỏ sẽ đảm bảo khả năng trẻ dễ đi vào giấc ngủ hơn sau này. Và như vậy, cả mẹ lẫn con sẽ không bị lãng phí khoảng thời gian ngủ nghỉ vô cùng quý giá.
2. Trẻ sơ sinh (4-11 tháng tuổi)
Số giờ ngủ trẻ cần: 12-15 giờ, bao gồm cả những giấc ngủ ngắn.
Một khi đạt mốc 3 tháng tuổi, trẻ sẽ biểu hiện sự tỉnh táo nhiều hơn trong ngày, ngủ những giấc ngắn điển hình và sẽ ngủ xuyên đêm. Do đó, trẻ vẫn cần ngủ nhiều trong ngày và có thể ngủ tới 18 giờ.
3. Trẻ độ tuổi chập chững biết đi (1-2 tuổi)
Số giờ ngủ trẻ cần: 11-14 giờ, bao gồm cả những giấc ngủ ngắn.
Giờ thì con bạn đã có thể ngủ trong phòng riêng cả đêm. Nhưng giờ đi ngủ có thể trở thành một cuộc chiến. Vấn đề là phải thiết lập một lịch trình liên tục, đều đặn và đảm bảo không từ bỏ nếu lịch trình đó chưa thể thực hiện một cách quy củ ngay từ đầu hay có đôi chút chuệch choạc. Chỉ khi đó, bạn mới tránh được tình trạng mệt mỏi quá đỗi và thiếu ngủ cho cả bạn lẫn con.
3. Trẻ mầm non (3-5 tuổi)
Số giờ ngủ trẻ cần: 10-13 giờ, bao gồm cả những giấc ngủ ngắn.
Một khi con bạn đi nhà trẻ, trường mầm non hay lớp tiền tiểu học hàng ngày, việc đảm bảo trẻ tuân thủ giờ ngủ định sẵn trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Nhiều trẻ trong độ tuổi này vẫn có những giấc ngủ ngắn ban ngày. Do đó, hãy đảm bảo tổng số giờ ngủ ngày và đêm của trẻ ít nhất đạt mức 10 giờ và giấc ngủ ngắn ban ngày phải vừa đủ để không làm ảnh hưởng tới giấc ngủ ban đêm cũng như những hoạt động ban ngày khác. Như thế, con bạn mới có thể phát triển lành mạnh. Trường hợp bạn không thể khiến con ngủ xuyên đêm mà không tỉnh giấc giữa chừng, hãy tham khảo ý kiến của các chuyên gia để luyện ngủ cho con.
5. Trẻ ở độ tuổi đi học (6-13 tuổi)
Số giờ ngủ trẻ cần: 9-11 giờ/đêm
Với thời khoá biểu cố định ở trường, đảm bảo trẻ đi ngủ đúng giờ mỗi tối là điều tốt nhất mà bạn có thể làm cho con tầm tuổi này. Sau khi đi học về, trẻ sẽ tham gia một số hoạt động sau giờ học và phải hoàn thành bài tập về nhà nữa. Vì vậy, cha mẹ cần giúp trẻ ngủ 9-11 tiếng mỗi đêm trước khi đánh thức con dậy để bắt đầu lịch trình sáng hôm sau.
6. Tuổi teen (14-18 tuổi)
Số giờ ngủ trẻ cần: 8-10 giờ/đêm
Mặc dù trẻ ở tuổi thiếu niên độc lập hơn nhiều trong vấn đề giờ đi ngủ cũng như lịch trình trước giờ đi ngủ buổi tối, hãy đảm bảo rằng con bạn được ngủ từ 8 đến 10 tiếng mỗi đêm. Những đứa trẻ bận rộn với hàng đống bài tập về nhà và cơ man các hoạt động ngoại khóa càng cần khoảng thời gian ngủ nghỉ hợp lý để có đủ sức khỏe và sự tỉnh táo hoàn thành việc học và chơi thể thao.