Công cuộc nuôi con bằng sữa mẹ không dễ dàng, thuận lợi với mọi mẹ sữa và không ít khó khăn, rắc rối lại xuất phát từ chính quan niệm sai lầm của các mẹ.
- Mẹ sinh đôi chia sẻ bí quyết cho sữa mẹ vàng như nghệ, đặc quánh như váng sữa và vắt được 3 lít sữa/ngày
- Những thực phẩm lợi sữa mẹ nên ăn thường xuyên sau sinh
Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tối ưu cho trẻ nhỏ
Thời đại công nghệ với rất nhiều sản phẩm, kĩ thuật hiện đại hỗ trợ các cha mẹ để công cuộc nuôi con nhàn hạ hơn nhưng dù biết bao thay đổi, sữa mẹ vẫn luôn được duy trì vì nhiều lợi ích có thể mang lại cho cả mẹ và bé. Ai cũng biết rằng sữa mẹ là thức ăn tốt nhất và cần thiết cho trẻ khi mới ra đời. Nuôi con bằng sữa mẹ là một biện pháp tự nhiên, kinh tế và hiệu quả để bảo vệ sức khỏe bà mẹ và trẻ em.
Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo các bà mẹ nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, không cho ăn, uống bất cứ thức ăn, đồ uống nào khác kể cả nước sôi, trừ các trường hợp phải uống bổ sung các vitamin, khoáng chất hoặc thuốc theo chỉ định của thầy thuốc.
Bệnh viện Nhi Trung ương đã chỉ rõ những lợi ích to lớn của việc nuôi con bằng sữa mẹ, đó là:
Lợi ích đối với trẻ nhỏ:
- Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng hoàn hảo, đáp ứng đầy đủ nhu cầu của trẻ trong 6 tháng đầu.
- Sữa mẹ thúc đẩy sự phát triển toàn diện của trẻ, giúp trẻ phát triển trí não tối ưu.
- Sữa mẹ giúp phòng ngừa các bệnh nhiễm khuẩn, nhất là tiêu chảy và nhiễm khuẩn hô hấp.
- Sữa mẹ có tác dụng chống dị ứng cho trẻ.
- Sữa mẹ dễ tiêu hóa và hấp thu.
- Sữa mẹ sạch sẽ, luôn sẵn sàng và ở nhiệt độ phù hợp.
Lợi ích đối với các mẹ:
- Cho trẻ bú sớm ngay sau khi sinh giúp xổ nhau thai, kích thích co hồi tử cung và giảm nguy cơ chảy máu sau đẻ cho mẹ.
- Cho trẻ bú ngay và thường xuyên sẽ kích thích tăng cường sản xuất sữa và phòng cương tức vú cho mẹ.
- Nuôi con bằng sữa mẹ giúp tiết kiệm chi phí.
- Cho con bú còn giúp tăng cường tình cảm mẹ con.
- Nuôi con bằng sữa mẹ giúp giảm nguy cơ ung thư vú, ung thư buồng trứng cho mẹ
- Cho con bú giúp mẹ chậm có kinh và có thai lại.
Những sai lầm điển hình khi nuôi con bằng sữa mẹ
Nuôi con bằng sữa mẹ là mong mỏi của mọi bà mẹ nhưng công cuộc này không dễ dàng với tất cả mọi người. Có mẹ sữa về quá chậm sau khi sinh, có mẹ sữa quá ít và không thể không kể đến những rắc rối trong quá trình cho con bú như nứt núm vú, tắc sữa, áp xe ngực....
Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết không ít rắc rối trong quá trình cho con bú đó lại xuất phát từ chính sai lầm của các mẹ. Bác sĩ Lê Ngọc Anh Thy - chuyên gia tư vấn sữa mẹ quốc tế IBCLC (International Board Certified Lactation Consultant) với hơn 10 năm kinh nghiệm chuyên khoa Nhi, tư vấn dinh dưỡng và tư vấn nuôi con bằng sữa mẹ, cho biết có vô số những sai lầm phổ biến mà các mẹ hay mắc phải trong quá trình nuôi con bằng sữa mẹ.
BS Anh Thy đã chỉ ra một số sai lầm điển hình của các mẹ, trước tiên là quan niệm nếu mẹ sinh mổ thì sữa sẽ về chậm và phải bổ sung sữa công thức cho con trước.
Ngoài ra, một trong những quan niệm phổ biến không chỉ của các bà mà cả các mẹ hiện đại đó là phải bồi bổ móng giò, uống thuốc lợi sữa thì mới có nhiều sữa cho con bú. Hậu quả nhãn tiền là sữa nhiều hay không chưa biết nhưng mẹ to tròn mũm mĩm rồi đau đầu tìm cách giảm cân sau khi sinh.
Rồi có thể kể đến trường hợp các mẹ "tự kỉ" cho rằng ngực mình bé thế làm sao có nhiều sữa cho con bú. Bên cạnh đó, một số mẹ còn có tâm lý "để dành" sữa, cho rằng ngực mình mềm xèo không căng thì ít sữa nên đợi 4-6 giờ mới cho con bú hoặc hút sữa để ngực căng tròn với hy vọng "để dành" sẽ giúp con có nhiều sữa hơn.
Không những vậy, bác sĩ Anh Thy còn kể đến trường hợp các mẹ thấy con mình chậm tăng cân thì cho rằng tại sữa mình loãng, nóng, sữa các mẹ khác mát, đặc nên nuôi con mới bụ bẫm...
Tất cả những quan niệm trên, theo bác sĩ Lê Ngọc Anh Thy là đều để lại những hậu quả tiêu cực đối với hành trình nuôi con bằng sữa mẹ: "Đa số các quan niệm sai lầm trên đều khiến lượng sữa mẹ đáp ứng nhu cầu của con không đủ hoặc các mẹ cứ nghĩ rằng mình không đủ sữa mà thực ra là đủ nên lo lắng không đáng, tốn sức để suy nghĩ làm sao để kích sữa thêm, rồi stress, căng thẳng đến mức càng mất sữa...".