Nằm sấp giúp tăng cường cơ cổ, lưng, vai và cơ cánh tay cho trẻ sơ sinh. Nó cải thiện kỹ năng phối hợp tay và mắt, giúp cơ bắp của trẻ phát triển.
- Tối cho con nằm ngủ ngay ngắn trên giường, sáng dậy không thấy con đâu, hóa ra bé "trốn" vào vị trí hiểm như này
- Trẻ sơ sinh nằm điều hòa cha mẹ cần ghi nhớ 7 quy tắc
Khái niệm tummy time (thời gian nằm sấp) của trẻ sơ sinh dường như còn hơi xa lạ đối với những người lần đầu làm mẹ. Bởi mọi người vẫn lo ngại rằng em bé mới sinh nhỏ bé, yếu ớt, nỡ lòng nào mà cho trẻ nằm sấp, rồi làm sao trẻ thở được, trẻ bị tức bụng thì sao?
Tuy nhiên, theo tiến sĩ tâm lý học H. S. Roane, làm việc tại khoa Nhi thuộc trường đại học Y Khoa New York Upstate, Mỹ, nằm sấp giúp tăng cường cơ cổ, lưng, vai và cơ cánh tay cho trẻ. Nó cải thiện kỹ năng phối hợp tay và mắt. Nó giúp cơ bắp của trẻ phát triển. Đặc biệt, nằm sấp còn giúp trẻ sơ sinh tránh bị bẹp đầu.
Chuyên gia vật lý trị liệu Alice Fitzgerald cũng giải thích về lợi ích của việc cho trẻ sơ sinh nằm sấp, đồng thời, cô còn hướng dẫn cha mẹ cách thực hiện việc này.
Những lợi ích khi cho trẻ sơ sinh nằm sấp
Nằm sấp là bài tập thể dục khuyến khích trẻ thực hành kỹ năng vận động, giúp trẻ học được cách giữ cân bằng của cơ thể, sự phối hợp với các chi và kiểm soát đầu. Đây là những kỹ năng tiền thân của vận động bò. Ngoài ra, nó còn giúp đầu của trẻ trở nên tròn hơn và ngăn ngừa chứng đầu phẳng ở trẻ sơ sinh.
Bên cạnh những lợi ích về thể chất, nằm sấp còn mang lại lợi ích về tinh thần: trẻ sẽ cảm thấy thích thú và vui vẻ khi học được cách điều khiển cơ thể của mình. Điều này giúp trẻ tự tin để thử những điều mới khi các kỹ năng vừa học đã được cải thiện.
Nằm sấp còn cung cấp cho trẻ sơ sinh một cái nhìn khác về thế giới - mà người ta hay đùa rằng đó là thế giới không phải chỉ có mỗi trần nhà.
Khi nào thì bắt đầu cho trẻ sơ sinh nằm sấp?
Cha mẹ có thể bắt đầu cho trẻ tập nằm sấp khi trẻ được vài tuần tuổi, vào lúc trẻ tỉnh táo và vui vẻ nhất. Hoặc cha mẹ có thể cho trẻ thực hành ngay sau khi cuống rốn đã rụng và rốn đã lành.
Hãy chắc chắn rằng trẻ không đói hoặc mệt khi nằm sấp. Đồng thời cũng không nên cho trẻ thực hiện động tác này khi vừa ăn no, vì nó sẽ khiến trẻ không thoải mái. Tốt nhất, hãy đợi khoảng một giờ sau khi ăn để tránh bị nôn hoặc trào ngược axit ở trẻ sơ sinh.
Cho trẻ nằm sấp như thế nào?
Lúc mới bắt đầu, cha mẹ hãy đặt trẻ nằm sấp trên đùi hoặc ngực của bạn ngày 2 - 3 lần trong khoảng vài giây để trẻ làm quen với cách nằm này. Một số bé sẽ kháng cự bằng cách khóc, nhưng không sao, rồi trẻ sẽ quen. Sau khi trẻ làm quen xong, cha mẹ có thể đặt trẻ nằm sấp trên giường hoặc trên nệm phẳng, cứng.
Mẹ có thể dùng một chiếc gối hoặc khăn hay chăn nhỏ cuộn tròn lại đặt phía dưới ngực bé để khuyến khích bé ngẩng cao đầu khi mới tập nằm sấp. Khi bé đã quen, tăng dần thời gian nằm sấp lên 2 - 3 phút/lần, 3 - 4 lần/ngày.
Sau 4 tháng, trẻ có thể duy trì thời gian nằm sấp từ 5 - 10 phút mỗi lần. Khi đó trẻ đã có thể chống khuỷu tay và ngẩng cao đầu. Thậm chí, trẻ còn có thể nhấc tay lên khỏi sàn, cong lưng và đá chân. Khi học duỗi và đẩy người, trẻ có thể vô tình nghiêng người sang một bên, và ngã lăn ra, nhưng cha mẹ đừng lo. Đó là điều bình thường.
Khi được 5 - 6 tháng, trẻ sẽ bắt đầu xoay bụng và sử dụng cánh tay để vươn ra phía trước hoặc sang hai bên. Vào thời điểm này, cha mẹ nên cho trẻ được nằm sấp tối thiểu 20 phút mỗi ngày, chia thành nhiều lần.
Biến thời gian nằm sấp thành giờ giải trí
Để cho thời gian nằm sấp của trẻ trở nên thú vị, cha mẹ có thể cùng nằm xuống sàn ở phía đối diện để nói chuyện, giao tiếp bằng mắt với trẻ và hát những bài hát hoặc đặt đồ chơi trước mặt trẻ để trẻ ngắm nhìn.
Cha mẹ có thể hỗ trợ trẻ học chống thẳng tay bằng cách cuộn một cái khăn hoặc gối em bé ở dưới ngực và nách, và để hai tay của trẻ ở trước mặt. Khi trẻ đã có thể tự chống tay thì nên bỏ khăn (gối) ra vì trẻ không còn cần đến nó nữa.
Có một số trẻ ban đầu kháng cự lại việc nằm sấp vì trẻ chưa có khả năng kiểm soát tốt cơ thể và khó có thể ngẩng đầu lên. Tuy nhiên, cha mẹ đừng lo lắng, càng thực hành nhiều, trẻ sẽ càng thích nó.