Phần lớn trẻ đang điều trị cúm bị biến chứng viêm phổi, phải thở oxy. Ngoài ra, một số bị viêm tai giữa, thậm chí viêm màng não, viêm cơ tim.
- 4 giải pháp phòng chống virus cúm gia cầm lây sang người
- Thời tiết chuyển mùa, thay đổi bất thường, virus cúm gia cầm dễ phát triển: Cảnh báo nguy cơ lây sang người
Theo thông tin từ VTV, tại Bệnh viện Nhi Trung ương, trung bình mỗi ngày ghi nhận khoảng 100 trẻ mắc. Trong đó có những trường hợp biểu hiện nặng, có biến chứng được chỉ định nhập viện.
Một bé trai 14 tháng tuổi được chuyển vào Bệnh viện Nhi Trung ương trong tình trạng viêm phổi sau 2 tuần điều trị cúm A tại bệnh viện tỉnh nhưng vẫn sốt cao. Xét nghiệm còn cho kết quả bội nhiễm cả vi khuẩn phế cầu. Trẻ nhỏ chưa đi học phần lớn lây từ người thân.
Còn một bé 8 tháng tuổi, vốn bị thuyên tắc động mạch phổi bẩm sinh nên khi nhiễm cúm, bệnh càng tăng nặng, nhập viện trong tình trạng suy hô hấp, phải thở máy. Đây là tình trạng phổ biến với những trẻ có bệnh nền.
Phần lớn trẻ đang điều trị cúm tại đây bị biến chứng viêm phổi, phải thở oxy. Ngoài ra, một số bị viêm tai giữa, thậm chí viêm màng não, viêm cơ tim.
"Cúm có thể gây ra tổn thương viêm phổi nặng, hoặc bội nhiễm các loại vi khuẩn khác làm nặng thêm tình trạng của cúm. Ngoài ra còn có bệnh nhân viêm màng não", Bác sĩ Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết.
Dẫn tin từ Đại Đoàn Kết, PGS. TS Nguyễn Việt Hùng - Phó Chủ tịch Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn Hà Nội thông tin: Cúm mùa là bệnh nhiễm trùng hô hấp cấp tính do virus cúm gây nên. Bệnh xảy ra hàng năm, thường vào mùa đông xuân. Có 4 chủng virus cúm mùa gồm: A, B, C và D, trong đó cúm A và B là hai chủng virus chính ở người có thể gây ra các đợt dịch. Tuy nhiên, số ca mắc cúm A gia tăng trong mùa hè là dấu hiệu bất thường của dịch cúm tại Việt Nam trong năm 2022.
Cúm mùa lây nhiễm trực tiếp từ người bệnh sang người lành thông qua các giọt bắn nhỏ khi nói chuyện, ho, hắt hơi. Triệu chứng ban đầu của bệnh tương tự các bệnh cúm mùa nói chung. Điểm khác là trẻ thường sốt cao 39-40 độ C, đỏ mắt, họng bị sung huyết. Trẻ mệt mỏi, ăn kém, quấy khóc, khi bệnh nặng có cảm giác khó thở, viêm phổi, viêm tiểu phế quản...
Theo các chuyên gia y tế, bất kỳ chủng cúm nào cũng nguy hiểm vì đều có khả năng gây biến chứng viêm phổi. Vì thế, khi có dấu hiệu cúm, sốt, ho… người dân không nên chủ quan. Nếu có các triệu chứng nặng nên vào viện để được hỗ trợ, đặc biệt là để được phân lập, xác định chủng virus cúm đang mắc để có hướng điều trị kịp thời.
Ngoài ra, để phòng bệnh cúm, người dân nên thực hiện tốt vệ sinh cá nhân như thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, vệ sinh mũi họng bằng nước muối sinh lý, thường xuyên đeo khẩu trang khi tới nơi đông người, tiếp xúc với người bệnh…
Về hướng điều trị, PGS.TS.BS Nguyễn Tiến Dũng - nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, nhiều phụ huynh lầm tưởng dùng kháng sinh giúp bệnh nhanh khỏi. Thực tế, kháng sinh không có tác dụng diệt virus - nguyên nhân gây cúm. Bệnh cúm tự khỏi trong vài ngày, người bệnh có thể dùng thuốc giảm ho, giảm đau họng hoặc thuốc hạ sốt.
“Lạm dụng kháng sinh trị cúm vừa tốn kém, vừa có thể gây ra tác dụng phụ như tiêu chảy, mệt mỏi, thậm chí kháng kháng sinh”, bác sĩ Dũng nói.