Hăm da là hiện tượng phổ biến ở trẻ sơ sinh khiến các bé liên tục quấy khóc, nhất là khi bị hăm vùng da cổ. Mẹ cần sớm ‘giải cứu’ con khỏi tình trạng này, mang lại sự thoải mái thường ngày cho bé.
- Học mẹ thần đồng Đỗ Nhật Nam cách cho bé nghe nhạc từ trong bụng mẹ để con sinh ra thông minh hơn người
- Những loại trái cây lý tưởng cho trẻ 5 tháng tuổi bắt đầu hành trình ăn dặm
Làn da nhạy cảm của trẻ sơ sinh rất dễ bị kích ứng gây nên tình trạng hăm ở cổ khiến trẻ luôn cảm thấy bứt rứt khó chịu. Bài viết này sẽ hướng dẫn mẹ 5 bước trị hăm ở cổ cho trẻ sơ sinh đơn giản, an toàn.
Nguyên nhân trẻ bị hăm ở cổ
Những vết hăm trên cơ thể trẻ sơ sinh thường có màu đỏ, thỉnh thoảng nổi các mụn nước li ti. Các vùng mặt, cổ, ngực là nơi xuất hiện các vết hăm nhiều nhất do tình trạng ứ đọng mồ hôi.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng hăm ở cổ trẻ thường xuất phát từ sữa hay thức ăn, nước rơi vãi ở khu vực này. Trẻ bị hăm còn do quá trình cọ xát giữa quần áo với vùng da cổ hoặc do một số loại nấm phát sinh nếu bé không được vệ sinh kỹ càng.
Ngoài ra, khi đổ mổ hôi, làn da nhạy cảm của bé không được lau khô, nhất là những vùng có nếp gấp. Bên cạnh đó, việc lạm dụng phấn rôm cũng là một trong những nguyên nhân chính khiến da cổ bé bị hăm.
Năm bước trị hăm ở cổ cho trẻ sơ sinh
Trước khi cho trẻ sử dụng kem chống hăm hoặc sữa tắm, mẹ nên dùng nước ấm làm sạch vùng da bị hăm và thực hiện các bước vệ sinh hàng ngày tại vết hăm cổ cho con như sau:
- Bước 1: Dùng nước ấm lau rửa vùng cổ bị hăm của bé 2 lần/ngày. Tiếp đến, dùng khăn mềm thấm thật khô. Mẹ nên thực hiện nhẹ nhàng, tránh kỳ cọ mạnh khiến da bé bị kích ứng dẫn đến tình trạng hăm nghiêm trọng hơn.
- Bước 2: Bôi lớp kem mỏng chống hăm lên vùng da cổ để làn da trẻ dễ dàng thẩm thấu. Kem chống hăm sẽ tạo ra lớp bảo vệ lên vùng da của bé. Để đảm bảo an toàn, mẹ nên thử bôi thuốc trị hăm cổ cho trẻ lên vùng da cánh tay trước. Nếu thấy có dấu hiệu ửng đỏ chứng tỏ bé bị dị ứng với loại thuốc này, nên ngưng sử dụng.
- Bước 3: Sử dụng dầu gội, sữa tắm dịu nhẹ cho trẻ có độ pH 5.5.
- Bước 4: Tránh các loại nước giặt, nước xả vải có hương liệu mạnh chứa nhiều chất tẩy ảnh hưởng đến làn da nhạy cảm của trẻ.
- Bước 5: Để trẻ luôn cảm thấy thoáng mát, tránh tiết mồ hôi. Lượng mồ hôi tiết ra trên người trẻ là một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng hăm vùng da cổ. Đồng thời, khi cho bú hoặc ăn dặm, mẹ cần lau sạch cách vết thức ăn vương lại trên miệng và cổ con. Nếu áo trẻ bị ướt, mẹ nên thay áo khác để con không bị kích ứng da.
Một số lưu ý khi chăm sóc trẻ bị hăm ở cổ
- Khi cổ trẻ bị hăm, trẻ sẽ cảm thấy đau rát, khó chịu nên thường quấy khóc. Mẹ nên cho trẻ mặc những bộ quần áo thoáng mát, tránh các sợi vải cọ xát vào vùng da bị hăm.
- Dùng khăn mềm lau thật khô người bé sau khi tắm, đặc biệt là những vùng da có nếp gấp.
- Sử dụng loại bột giặt dịu nhẹ cho da em bé. Đồng thời, áo quần của trẻ sơ sinh nên chọn chất liệu làm từ cotton.
- Không được dùng các loại thuốc bôi của người lớn cho trẻ khi bị hăm.
- Ăn đa dạng các chất để sữa mẹ cung cấp đầy đủ dưỡng chất, tăng cường sức đề kháng cho con. Bên cạnh đó, mẹ nên hạn chế ăn các thực phẩm có tính axit cao như: cam, cà chua, việt quất…
- Thường xuyên quan sát vùng nếp gấp dưới cổ trẻ để phát hiện kịp thời các dấu hiệu ửng đỏ, ngăn chặn tình trạng hăm trên da trẻ.
- Mẹ nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ để chẩn đoán và điều trị kịp thời nếu vết hăm của trẻ có các dấu hiệu sau đây:
+ Bề mặt vùng da bị hăm rạn nứt, chảy nước khiến trẻ bị đau.
+ Vết hăm không có dấu hiệu thuyên giảm sau một tuần chăm sóc tại nhà.
+ Vết hăm ngày càng nặng và lan rộng.