Để cùng con ăn uống ngon miệng, bảo đảm sức khỏe những ngày Tết này, bố mẹ có thể tham khảo 3 gợi ý rất dễ thực hiện dưới đây.
- Bác sĩ khoa sản giải đáp về thời gian được tắm gội của phụ nữ sau sinh
- Vui đón Tết, trẻ dễ mắc bệnh truyền nhiễm nếu không được tiêm vắc xin đầy đủ
Tết là lúc lịch sinh hoạt, ăn uống của trẻ dễ bị xáo trộn. Thói quen ăn uống ngày Tết với những món ăn đặc trưng ngày Tết như bánh chưng, giò, canh măng, bên cạnh việc được ăn "thả phanh" các loại bánh, mứt, kẹo… rất dễ khiến trẻ bị ngấy và ngán. Việc ăn uống thiếu cân bằng và khoa học trong những ngày Tết rất dễ khiến trẻ gặp phải những vấn đề về tiêu hóa và sức khỏe khác, thường gặp nhất là tình trạng trẻ lười ăn và biếng ăn.
Để vừa đảm bảo sức khỏe, vừa duy trì niềm vui ăn uống lành mạnh cho trẻ trong những ngày Tết thực sự là một thử thách cho các bố mẹ. Ngoài việc hướng dẫn và giúp con hạn chế ăn quá nhiều bánh kẹo, mứt Tết, đặc biệt không nên uống các loại nước ngọt có ga, các bố mẹ cũng nên tranh thủ thời gian nghỉ Tết để cùng con vào bếp, chuẩn bị những món ăn ngon lành cho cả nhà.
1. Đưa rau xanh, củ quả vào các món ăn của con
Các bữa ăn được "tô màu" bằng đủ loại rau củ sẽ tốt cho sức khỏe của con hơn rất nhiều mâm cỗ Tết quá nhiều đạm và các món chiên rán nhiều dầu mỡ. Vì thế, nếu có thể bố mẹ hãy luôn nhớ đưa rau xanh, củ quả vào các món ăn của con, đó có thể là các món salad, các món súp rau củ, hoặc là món bánh "Pizza ngũ sắc" theo công thức dưới đây.
Vì là ngày Tết nên bố mẹ hoàn toàn có thể phối hợp ngẫu hứng các loại nguyên liệu có sẵn ở nhà, ví dụ, món pizza ngũ sắc này gồm có các nguyên liệu: thịt gà, dứa, măng tây, cà chua bi và phô mai.
Cách làm rất đơn giản: Đế bánh pizza bố mẹ có thể đặt mua từ trước và cấp đông trong tủ lạnh. Thịt gà có thể ướp sốt và nướng lên thơm lừng, cà chua bi cũng sẽ ngon hơn nếu được sấy khô, nhưng để tươi cũng không sao cả, ăn cũng rất thú vị, măng tây và dứa có thể xào sơ với bơ cho thơm. Chỉ mất vài phút là cả nhà đã chuẩn bị và sơ chế xong "nhân" bánh rất ngon rồi.
Sau đó, phết một lớp mỏng tương cà lên mặt bánh, rồi lần lượt xếp các nguyên liệu đã sơ chế thành từng lớp lên mặt bánh, phủ một lớp phô mai lên trên cùng rồi cho bánh vào lò nướng từ 15-20 phút là cả nhà đã có một món bánh thơm lừng và vô cùng lành mạnh để "đổi vị" ngày Tết.
Giống như món "Pizza ngũ vị" này, các bố mẹ hoàn toàn có thể cùng con biến tấu thêm nhiều loại vị khác nữa tùy theo các nguyên liệu có sẵn trong nhà nhé. Đôi khi, những thử nghiệm liều lĩnh, phá cách và không giống ai như vậy sẽ khiến các bạn nhỏ hào hứng hơn với món ăn mình có.
2. Biến tấu món ăn mới từ mâm cỗ ngày Tết
Chỉ cần thay đổi một chút cách chế biến và phối hợp các nguyên liệu là bố mẹ đã có thể sáng tạo ra một món ăn hoàn toàn mới cho con khám phá. Ví dụ như món "Salad phồng tôm" này. Bạn nhỏ nào cũng thích mê phồng tôm, nhưng lại lười ăn rau củ, đặc biệt là rau củ kiểu salad, tại sao bố mẹ không thử kết hợp chúng với nhau nhỉ.
Cách làm cực kì đơn giản: Phồng tôm loại nhỏ bố mẹ rán lên (nên cùng loại nhỏ để các bạn nhỏ có thể thả tỏm cả miếng vào miệng luôn mà không cần phải cắn), thái lát mỏng một nửa củ cà rốt (nên tỉa thành hình bông hoa hoặc các hình thù đáng yêu để gây hứng thú cho các con), chuẩn bị một ít lá rau xà lách hoặc các loại rau salad, cà chua bi cắt đôi, giò thái lát mỏng thành miếng hình quân cờ vuông nhỏ.
Tùy vào các nguyên liệu có sẵn ở nhà, bố mẹ có thể thay thế cà rốt bằng dưa chuột, củ đậu, thậm chí là táo, lê và thay giò bằng thịt băm xào nấm hương, mộc nhĩ hay là trứng rán hoặc tôm hấp… Hãy làm con bất ngờ bằng sự sáng tạo và ngẫu hứng của bố mẹ!
Sau đó, xếp từng loại nguyên liệu đã chuẩn bị lên trên phồng tôm theo thứ tự lá rau salad, cà rốt, giò và cà chua bi để làm "topping" cho món ăn thêm hấp dẫn. Xong xuôi, các bạn nhỏ có thể thả tỏm vào miệng, nhai rồm rộp một món ăn vừa giòn, vừa ngon lại mát lịm trong miệng, cảm giác vô cùng thú vị.
Cách biến tấu này có thể áp dụng với các loại hoa quả, trái cây, theo vì bố mẹ gọt và cho con ăn theo cách-bình-thường, thì có thể làm món hoa quả xiên que hay tiệc buffet hoa quả với các loại sốt chấm, chắc chắn các bạn nhỏ sẽ hào hứng thưởng thức món ăn hơn rất nhiều.
3. Để con được làm "bếp trưởng"
Một bí kíp quan trọng để trẻ cảm thấy hào hứng hơn với các món ăn, đó là, trẻ được tự tay làm món ăn đó, hãy để con tham gia chuẩn bị, chế biến và nấu món ăn ở những công đoạn mà con có thể tự làm được theo độ tuổi của mình bằng cách chuẩn bị khu vực làm bếp an toàn và hướng dẫn con dùng các dụng cụ làm bếp đúng cách.
Các bước chuẩn bị cho hai món "Pizza ngũ sắc" và "Salad phồng tôm" các bạn nhỏ từ 2 tuổi đã có thể tham gia làm cùng bố mẹ, các bạn nhỏ từ 6 tuổi đã có thể tự làm cả hai món ăn này từ đầu đến cuối với sự giám sát an toàn của bố mẹ. Bố mẹ đừng ngăn cản con dùng dao, đừng hét lên vì con làm bẩn, đừng giục con khi con kiên nhẫn thực hiện một kĩ năng bếp mới…, thay vào đó, hãy tin tưởng hướng dẫn con, khích lệ con thử nghiệm và bình tĩnh chờ đợi con cho đến khi con cần sự trợ giúp, đó thực sự là một cơ hội tuyệt vời để các bạn nhỏ hiểu hơn về những món mình ăn, yêu thích việc ăn uống lành mạnh và trân trọng những bữa ăn ngon lành mà mình có.
Chỉ cần bố mẹ luôn giám sát và hỗ trợ con khi cần là mọi em bé đều có thể tự chuẩn bị một bữa ăn cho mình một cách tự tin và đầy niềm vui.
Là Tết mà, nên điều cả nhà cần nhất chính là những niềm vui!