Chia sẻ với Phụ nữ sức khỏe, bác sĩ Bùi Thế Lữ cho biết mẹ có thể đo nhiệt độ cho trẻ sơ sinh ở một số vùng cơ thể khác nhau bằng nhiều loại nhiệt kế. Đo nhiệt độ cơ thể sẽ giúp mẹ kiểm soát được thân nhiệt bình thường của bé và phát hiện dấu hiệu bất thường khi trẻ sốt cao.
- Sốt phát ban ở trẻ: Dấu hiệu chính xác để phát hiện bệnh
- Có nên tự ý dùng thuốc hạ sốt điều trị bệnh cho trẻ?
Chào bác sĩ! Bác sĩ vui lòng cho biết cách đo nhiệt độ chuẩn xác cho trẻ sơ sinh? Nhiệt độ bình thường ở trẻ sơ sinh là bao nhiêu độ? Nếu phát hiện trẻ sơ sinh bị sốt thì cần làm gì? Xin cảm ơn bác sĩ.
Trả lời:
Cách đo nhiệt độ cho trẻ sơ sinh
Để đo nhiệt độ cho trẻ sơ sinh người ta thường sử dụng nhiệt kế. Hiện nay, có rất nhiều loại nhiệt kế đo nhiệt độ cơ thể:
- Nhiệt kế thủy ngân cho độ chính xác cao nhưng cồng kềnh, dễ rơi vỡ.
- Nhiệt kế cầm tay là dụng cụ hay được các bệnh viện sử dụng.
Ngoài ra, nhiệt kế điện tử cũng được sử dụng phổ biến hơn vì độ tiện dụng. Loại nhiệt kế này có thể đo thân nhiệt trẻ sơ sinh ở vùng nách, tai hoặc trán. Tuy nhiên, vì độ bắt nhiệt nhanh nên vẫn có sự sai số nhất định.
Để đo nhiệt độ đúng cách cho trẻ sơ sinh, mẹ sử dụng nhiệt kế thường đo thân nhiệt vùng nách, trán và cộng thêm 0,5 độ là ra nhiệt độ cơ thể trẻ sơ sinh. Trước khi đo, cần vảy nhiệt kế để nhiệt độ trở về 36 độ (nhiệt độ bình thường).
Nếu sử dụng nhiệt kế điện tử, mẹ đặt lên trán trẻ sơ sinh trong vòng 10 - 15 giây để dụng cụ này bắt được nhiệt độ thân nhiệt.
Ở trẻ sơ sinh, do cơ chế điều hòa của não chưa hoàn chỉnh nên nhiệt độ cơ thể thấp hơn so với người lớn. Thân nhiệt trẻ trên 38 độ C là sốt, 39 độ C là sốt cao. Khi sốt cao, cơ thể trẻ sơ sinh rất dễ mất nước (tăng tiết mồ hôi, thoát nước qua da…).
Mẹ cần bổ sung lượng nước cho trẻ sơ sinh thông qua nguồn sữa mẹ. Trong 6 tháng đầu đời, trẻ sơ sinh hoàn toàn bú mẹ hoặc sữa công thức. Chỉ cần bé bú tốt và sử dụng thuốc hạ sốt đúng liều lượng theo đơn của bác sĩ sẽ nhanh chóng hạ sốt.
Trường hợp nặng hơn, trẻ sơ sinh bị sốt cao trên 39 độ kèm theo các triệu chứng: Ho, sổ mũi, nôn ói, đi ngoài phân lỏng; Bé bỏ bú, quấy khóc cả ngày thì nên cho trẻ nhập viện để tránh các hiện tượng biến chứng nguy hiểm. Bất kỳ nhiễm trùng nào trong giai đoạn này đều ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe bé.
Bác sĩ Bùi Thế Lữ
(Bệnh viện Mỹ Phước - Bình Dương)