Tiếng khóc chính là phương tiện giao tiếp của trẻ sơ sinh trong những tháng đầu đời. Khi đói, bé sẽ liên tục khóc to. Lúc buồn ngủ, bé lại khóc ngắt quãng. Những chị em lần đầu làm mẹ cần tinh ý nhận biết thông điệp bé muốn gửi đến qua tiếng khóc hàng ngày.
- 3 mẹ bỉm sữa gây sốt với cách rèn con sơ sinh không khóc đêm, ngủ một mạch đến sáng
- Mỗi khi trẻ khóc lóc, mè nheo, tức giận, đây là những câu nói chúng muốn nghe nhất
Tiếng khóc của trẻ sơ sinh chính là sự thể hiện những nhu cầu cơ bản chưa được thỏa mãn như: đói, buồn ngủ, muốn bố mẹ bế đi chơi hay báo hiệu tình trạng sức khỏe của bé. Bố mẹ hoàn toàn có thể nhận biết được bệnh tình của con thông qua tiếng khóc hàng ngày.
Nhận biết bệnh qua tiếng khóc của trẻ sơ sinh
Trẻ liên tục khóc to, gắt gỏng
Đây là dấu hiệu cho biết trẻ đang đói bụng. Từ khi sinh ra đến khoảng 3 tuần tuổi, bé thường khóc khi đói. Lúc này, trẻ sẽ khóc to không ngừng, vừa khóc vừa há miệng cho đến khi mẹ hiểu và đáp ứng nhu cầu này của bé. Gào khóc nhiều khi đói khiến trẻ nuốt nhiều không khí dẫn tới bị đầy hơi, khó chịu. Do đó, mẹ hãy cho bé ăn kịp thời.
Ngoài việc gào khóc to, trẻ còn có một số biểu hiện khi đói như: miệng chóp chép, mút tay, liên tục dụi mặt vào ngực mẹ…
Khóc to dữ dội sau khi ăn
Trẻ vừa được mẹ cho ăn thì khóc ầm lên chính là dấu hiệu cho thấy trẻ bị đau bụng. Cảm giác khó chịu sẽ đeo bám dai dẳng cho đến khi bé ợ hơi. Mẹ nên bế bé đứng thẳng, quay mặt vào ngực mình, cằm đặt lên vai mẹ rồi nhẹ nhàng vuốt lưng bé.
Ngoài ra, mẹ có thể để bé lên đầu gối, một tay đỡ ngực và nâng cằm, tay kia vỗ nhẹ lưng. Mẹ đừng quên lót thêm chiếc khăn dưới cằm trẻ phòng trường hợp con nôn trớ.
Trẻ khóc ê a ngắt quãng, khóc rồi lại nín
Khi được bố mẹ bế vào lòng trẻ sẽ nín khóc nhưng rồi lại mắt nhắm mắt mở khóc to, liên tục dụi mắt và ngáp. Thông điệp lúc này con muốn gửi đến mẹ là: “Con đang buồn ngủ!”. Mẹ cần biết, giấc ngủ vô cùng quan trọng đối với trẻ. Ngủ thiếu giấc sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện của con. Vì vậy, khi bé khóc vì buồn ngủ, mẹ nên tạo không gian yên tĩnh, vỗ nhẹ lưng để con dễ đi vào giấc ngủ.
Trẻ khóc to nhưng không có nước mắt
Đây là kiểu khóc “ăn vạ” thường thấy ở trẻ khi không có mẹ chơi cùng hoặc không được bế đi chơi. Mẹ hãy nhẹ nhàng vỗ về và chơi với con để bé không còn biểu hiện hờn dỗi.
Trẻ cáu kỉnh khóc lóc, tiếng khóc xen lẫn tiếng cười
Lúc này bé đang bị kích thích quá mức từ các yếu tố bên ngoài như ánh sáng, tiếng ồn xung quanh hoặc được nhiều người chuyền tay bế. Khi vượt quá sức chịu đựng, trẻ sẽ cảm thấy khó chịu. Trẻ còn có biểu hiện quay đầu khỏi nơi gây ra nguồn kích thích. Mẹ nên can thiệp và đưa bé đến nơi yên tĩnh hơn, giúp con trấn tĩnh trở lại.
Tiếng khóc của trẻ khác lạ so với mọi lần
Nếu tiếng khóc của con khác thường so với mọi ngày, không thể ngưng khóc trong nhiều giờ thì đây là dấu hiệu cảnh báo bé đã bị ốm. Mẹ nên đưa con đến gặp bác sĩ để kiểm tra.
Bé sốt, không muốn ăn, ngủ li bì hoặc khó ngủ, đi tiểu ít hơn và không hoạt động như thường ngày… là những dấu hiệu khác đi kèm với tiếng khóc bất thường của trẻ.
Trẻ khóc dạ đề (hội chứng Colic)
Nếu một em bé khỏe mạnh bỗng dưng khóc quá nhiều không rõ lý do vào đầu buổi tối, có khả năng trẻ đã mắc hội chứng Colic – khóc dạ đề (hội chứng quấy khóc kéo dài). Hội chứng này không phải là bệnh và không ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ và sẽ giảm dần khi lớn.