TS.BS Bùi Phương Thảo (Phó trưởng khoa Nội tiết - Chuyển hóa di truyền, Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết, nếu như 10 năm trước khoa Nội tiết tiếp nhận 10 trẻ/năm đến khám và điều trị vì dậy thì sớm thì những năm gần đây con số này đã tăng 350 trẻ/năm.
- Bé gái 8 tuổi tự nhiên kêu đau răng, bà kiểm tra thấy phía trong hàm răng có "vật thể lạ"
- Cách xử lý khi trẻ nuốt nhầm phải gói hút ẩm, cha mẹ nào cũng nên biết
Dậy thì sớm là gì - có phải bệnh không?
Dậy thì sớm là khi cơ thể trẻ bắt đầu thay đổi thành người trưởng thành (dậy thì) quá sớm. Khi dậy thì bắt đầu trước 8 tuổi ở bé gái và trước 9 tuổi ở bé trai thì được coi là dậy thì sớm.
Tuổi dậy thì bao gồm sự phát triển nhanh chóng của xương và cơ bắp, thay đổi hình dạng và kích thước cơ thể và phát triển khả năng sinh sản của cơ thể và đặc biệt là xuất hiện chu kỳ kinh nguyệt ở bé gái.
Dậy thì sớm có thể là biểu hiện của những bệnh lý nguy hiểm như u nang buồng trứng, u não, các bệnh tuyến giáp...
Nguyên nhân dậy thì sớm ở trẻ
Dậy thì trung ương: Hiện tượng dậy thì trung ương phát sinh do nồng độ GnRH trong cơ thể của bé gái tăng quá cao và làm cho sự bài tiết của hormone sinh dục vượt quá mức bình thường. Một số nguyên nhân của việc dậy thì trung ương:
-Hệ thống thần kinh trung ương xuất hiện khối u: có thể là khối u của tủy sống hoặc trong não.
-Não bộ đã có những bất thường từ khi sinh ra, chẳng hạn như Hamartoma, não úng thủy.
-Trẻ có bệnh sử nhiễm phóng xạ ở tủy sống hoặc não.
-Não hoặc tủy sống bị tổn thương, chủ yếu xuất phát do những tác động cơ học.
-Xuất phát từ một căn bệnh di truyền để lại những hậu quả liên quan đến màu da, xương và một số vấn đề về sự hoạt động của nội tiết tố. Điển hình như hội chứng McCune-Albright.
-Suy giáp: Do tuyến giáp không thể đáp ứng đủ hàm lượng hormone cho cơ thể.
-Tăng tuyến sản thượng thận: một bệnh lý gây rối loạn trong việc sản xuất hormone khiến tuyến thượng thận bị ảnh hưởng.
Dậy thì sớm ngoại vi: Trường hợp này thường ít gặp hơn và chủ yếu phát sinh do sự thay đổi - tăng cao nồng độ của hormone sinh dục. Bên cạnh đó, một số bệnh lý cũng có thể khiến gia tăng sản sinh estrogen, điển hình như tuyến yên tiết ra nhiều estrogen hoặc tuyến thượng thận xuất hiện khối u, u nang buồng trứng,... Một số trường hợp hiếm gặp xuất phát do những nguyên nhân khác như:
-Do môi trường: Một vài nghiên cứu cho thấy sự tác động của dẫn chất Phtalat ở những bé gái bị nhiễm sẽ khiến trẻ dễ bị dậy thì sớm. Trong đó, những dẫn chất này thường tồn tại trong một số vật dụng như đồ chơi trẻ em, chai, bình sữa,...
-Trẻ em uống quá nhiều sữa bò hoặc một vài thực phẩm được chế biến từ sữa bò, hay kể cả ăn nhiều thịt gà, thịt heo có hàm lượng hormone tăng trưởng quá lớn. Do lợi ích kinh tế mà có khá nhiều trang trại lạm dụng hormone tăng trưởng để thúc đẩy sự phát triển của các loại động vật lấy thịt.
Tình hình dậy thì sớm ở trẻ em hiện nay
Nếu 10 năm trước, tình trạng dậy thì sớm ở trẻ em rất ít khoảng 10 trẻ/năm, thì nay con số này đã tăng gấp 35 lần, tương đương 350 trẻ/năm.
Không chỉ số ca tăng lên, độ tuổi trẻ em mắc tình trạng dậy thì sớm cũng đang giảm dần. Độ tuổi nhỏ nhất được chẩn đoán và điều trị dậy thì sớm là vài tháng tuổi.
Trẻ dậy thì sớm sẽ đối mặt với những hậu quả về tâm lý, luôn cảm thấy ngại ngùng, tự ti khi giao tiếp, ảnh hưởng đến học hành. Khi lớn, trẻ có xu hướng quan hệ tình dục sớm trước tuổi trưởng thành, điều này dẫn đến các hậu quả đáng sợ như mang thai ngoài ý muốn, nạo phá thai nhiều lần.
Dấu hiệu nhận biết dậy thì sớm ở trẻ
Các dấu hiệu dậy thì sớm ở bé trai thường là:
-Dương vật và tinh hoàn phát triển.
-Tóc, lông nách và lông ở vùng kín bắt đầu xuất hiện.
-Tăng trưởng chiều cao.
-Vỡ giọng.
-Mụn trứng cá xuất hiện.
-Cơ thể có mùi.
Các dấu hiệu dậy thì sớm ở bé gái thường là:
-Ngực phát triển quá sớm.
-Cao vượt trội so với bạn bè đồng trang lứa.
-Mọc lông nách và lông ở vùng kín.
-Thay đổi hình dáng cơ quan sinh dục ngoài.
-Bắt đầu có kinh nguyệt.
Giải pháp phòng ngừa dậy thì sớm ở trẻ
Chế độ dinh dưỡng hợp lý: Bố mẹ nên xây dựng một chế độ ăn phong phú, đầy đủ chất dinh dưỡng, giàu rau củ quả, hạn chế các thực phẩm chế biến sẵn như đồ hộp, xúc xích... hay những thức ăn nhiều dầu mỡ, chất béo và có hàm lượng đường cao. Lưu ý chọn các thực phẩm an toàn, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, tránh mua thực phẩm trôi nổi không uy tín, thực phẩm chứa hormone tăng trưởng sẽ ảnh hưởng tới sinh lý của trẻ.
Tăng cường vận động: Nên khuyến khích trẻ tập luyện thể dục ít nhất là 30 phút mỗi ngày. Các môn thể thao như bơi lội, cầu lông, nhảy dây, đá bóng, đá cầu...không chỉ giúp trẻ rèn luyện sức khỏe mà còn ích lợi cho việc trau dồi kỹ năng sống của trẻ.
Hạn chế cho tiếp xúc với estrogen và testosteron: Bố mẹ cần lưu ý khi cho trẻ sử dụng sản phẩm kem, thuốc có thành phần liên quan đến hormon sinh dục.
Nếu phát hiện trẻ dậy thì sớm, bố mẹ nên đưa con đến bệnh viện để được thăm khám và điều trị kịp thời. Bác sĩ sẽ khai thác bệnh sử, theo dõi cấp độ tăng trưởng, đánh giá mức độ dậy thì của trẻ qua tuổi xương chụp cổ tay trái, siêu âm tử cung, buồng trứng, khối thượng thận… và đưa ra kết quả chính xác nhất.