Có những biểu hiện lạ ở trẻ nhỏ liên quan trực tiếp đến sức khỏe, khả năng vận động của các bé nhưng chưa chắc bố mẹ đã phát hiện ra, trong đó có hiện tượng bàn chân bẹt.
- 3 cách giúp sữa về ÀO ÀO, con bú NO NÊ, mẹ khỏe bé lớn nhanh
- 5 bài thuốc trị ho, hạ sốt cho bé không cần dùng thuốc Tây được lan truyền chóng mặt trong năm 2018
Nhận biết chứng bàn chân bẹt ở trẻ
Nếu để ý, cha mẹ có thể thấy bàn chân của trẻ và người lớn sẽ không chạm hoàn toàn xuống mặt đất mà cong lên ở đoạn giữa. Đây là bàn chân bình thường vì khuôn chân vòm cong sẽ giúp bàn chân tránh tiếp xúc trực tiếp xuống sàn nhà khi đứng.
Bàn chân trẻ nhỏ thời gian đầu có hình dạng của bàn chân bẹt vì lớp mỡ dưới da trải dài theo gan chân. Lớp mỡ này sẽ tự rút đi khi trẻ được 4-6 tuổi, để tạo hình vòm cho gan bàn chân. Và đến khi trẻ 9 tuổi, các cơ và chiều cao vòm sẽ phát triển tối đa. Tuy nhiên vì 1 lí do nào đó, lớp mỡ dưới gan bàn chân không tự rút đi, các xương không tương xứng với nhau, khiến phần trong của bàn chân giữa chịu sức nặng cơ thể và gây ra hiện tượng bàn chân bẹt ở trẻ - tức là mặt bàn chân chạm khít hoàn toàn xuống mặt sàn, kéo dài từ đầu ngón chân cái cho đến gót chân.
Hiện tượng này có thể khiến trẻ bị đau hoặc dị tật chân nhưng cũng có thể không gây ra đau đớn hay cản trở gì. Hội chứng chân bẹt có 3 loại như sau:
- Chân bẹt tự nhiên: Hiện tượng chân bẹt tự nhiên thường gặp ở cả 2 bàn chân của trẻ. Bàn chân trẻ vẫn cử động và di chuyển linh hoạt, chân bẹt cũng không gây ra đau đớn hay cản trở gì nên cũng không cần điều trị.
- Bàn chân bẹt cứng: Hiện tượng này không mấy phổ biến và thường do dính khối xương cổ chân với nhau, thay vì phải tách rời ra. Bàn chân sẽ cứng, triệu chứng là đau và co cứng cơ. Bàn chân bẹt cứng có thể ảnh hưởng lên cả 2 bàn chân.
- Bàn chân bẹt ngắn gân: Phần gân nối bắp chân với gót chân bị ngắn cũng gây ra hiện tượng bẹt chân và có thể ảnh hưởng đến cả 2 bàn chân của trẻ, gây ra khuyết tật hoặc đau đớn.
Đây đều là những hiện tượng bàn chân bẹt hay gặp và phần lớn không gây đau cho trẻ. Trẻ chỉ gặp khó khăn hoặc bị đau khi tham gia các hoạt động thể dục thể thao như chạy bộ hoặc đi bộ. Cảm giác đau có thể ở phần bên dưới chân, quanh mắt cá và đôi khi xung quanh chân.
Nguyên nhân gây ra chứng bàn chân bẹt
Bàn chân là 1 mạng lưới phức tạp chứa các dây thần kinh, các mô, cơ và xương. Nếu bất kỳ trong số này không thể thực hiện đúng chức năng thì có thể dẫn đến sự sai lệch, trong đó có hiện tượng chân bẹt. Để xác định nguyên nhân gây ra hiện tượng này, các bác sĩ sẽ phân tích toàn bộ cấu trúc cơ thể của trẻ và có những căn bệnh sẽ gây ra chứng bẹt chân bao gồm:
- Loạn dưỡng cơ/teo cơ: Có hơn 30 loại loạn dưỡng cơ ảnh hưởng đến cơ trong cơ thể khiến trẻ yếu ớt và không thể cử động linh hoạt. Chứng loạn dưỡng cơ có thể do di truyền, hoặc xuất hiện theo độ tuổi.
- Bệnh bại não: Căn bệnh này khiến trẻ có ít hoặc không thể kiểm soát được các cử động của cơ thể do những tổn thương của não bộ từ trong bụng mẹ và/hoặc trong thời thơ ấu của trẻ.
- Viêm khớp: Bệnh này khiến các khớp trong cơ thể trẻ bị viêm nhiễm khiến trẻ bị đau khớp, sưng và cứng khớp.
- Rối loạn hệ thần kinh: Khi hệ thần kinh của trẻ bị rối loạn, các cơ chân sẽ chậm phát triển, hạn chế vận động trong mắt cá chân và cử động các khớp.
- Rối loạn mô liên kết: Một vấn đề khác có thể dẫn đến chứng bẹt chân ở trẻ em đó là rối loạn mô liên kết. Với tình trạng này, trẻ có thể bị khuyết tật di truyền của các mô liên kết.
- Các vấn đề bất thường khác: Các tổn thương cơ, dây chằng, xương cổ chân cũng có thể gây chứng chân bẹt cho trẻ. Các vấn đề gây hạn chế vận động mắt cá chân hoặc bàn chân hướng quay ra ngoài cũng có thể là nguyên nhân.
- Đầu gối vẹo vào trong: Khi đầu gối bị vẹo hướng vào bên trong, phần giữa bàn chân có xu hướng xuống mỗi khi trẻ đi bộ, chân trẻ tõe ra thay vì thẳng đứng sẽ tạo ra áp lực với vòm chân, thậm chí nguy cơ gây dị tật chân.
- Béo phì: Trọng lượng cơ thể quá mức sẽ là gánh nặng lên đôi chân của trẻ. Trẻ có xu hướng đi bộ với bàn chân bẹt để giữ lấy cơ thể.
- Loại giày đeo: Hầu hết các bác sĩ sẽ khuyên cha mẹ cho trẻ sơ sinh đeo loại giày mềm mại nhưng vẫn đủ cứng cáp. Một số nghiên cứu chỉ ra trẻ em thường xuyên đi chân trần có nhiều khả năng mắc chứng chân bẹt hơn so với trẻ đeo giày dép. Tuy nhiên, cũng có luồng ý kiến cho rằng trẻ đeo giày sẽ hạn chế các hoạt động thể chất, mà nếu các cơ không được vận động linh hoạt cũng sẽ dẫn đến chứng chân bẹt.
- Vấn đề với cơ bên trong cơ thể: Mặc dù khi bé, trẻ không bị bẹt chân, nhưng ở độ tuổi vị thành niên, thanh thiếu niên trẻ vẫn có thể bị rối loạn chức năng cơ chân.
Theo thống kê, có đến 30% trẻ em châu Á mắc chứng bàn chân bẹt. Đây là một dị tật phổ biến không chỉ ảnh hưởng đến chức năng hoạt động của bàn chân mà còn gây ra các cơn đau nhức ở nhiều bộ phận trên cơ thể, đẩy nhanh tốc độ thoái hóa xương khớp.
Chẩn đoán và điều trị chứng bẹt chân ở trẻ
Để biết con bạn có mắc chứng bẹt chân hay không, cha mẹ có thể tự kiểm tra chân và mắt cá chân của trẻ.
Quan sát khi trẻ đứng thẳng và đứng bằng mũi chân, nếu 1 trong 2 trường hợp đều không thể thấy vòm chân thì có nghĩa là trẻ đang bị mắc chứng chân bẹt.
Một cách khác để kiểm tra đó là quan sát chuyển động của chân và mắt cá chân. Nếu mắt cá chân không chuyển động linh hoạt thì đó là biểu hiện của gân nối bắp chân với gót chân bị ngắn, chặt. Nếu chân, mắt cá chân hoặc cơ bắp chân bị đau khi di chuyển, đó có thể là dấu hiệu của bàn chân cứng.
Về phần điều trị, nếu bàn chân trẻ có thể cử động linh hoạt bình thường, không gây đau hay cản trở gì thì không cần điều trị. Trẻ có thể đeo giày dép, đi lại bình thường và cha mẹ không cần quá lo lắng. Nhưng nếu trẻ bị đau ở chân và gặp khó khăn khi đi lại thì cha mẹ có thể đặt vòm nhân tạo vào giày của trẻ để giúp trẻ có khuôn chân bình thường.
Đối với trẻ có gân ngắn, các bác sĩ sẽ thử phương pháp kéo dây chằng. Việc điều trị này sẽ khó khăn hơn nếu bé của bạn có bàn chân bẹt. Trong một số ít trường hợp, nếu trẻ đủ 8 tuổi, chân của trẻ đau nhiều, ngắn gân thì sẽ được phẫu thuật. Tuy nhiên cha mẹ cần nhớ rằng bẹt chân ở trẻ không phải là hiện tượng quá trầm trọng, trừ khi nó gây ra đau đớn hoặc làm cho chân bị biến dạng. Hầu hết trẻ bị bẹt chân vẫn có thể hoạt động bình thường mà không cần bất kỳ trợ giúp y tế nào. Cách tốt nhất là cha mẹ phát hiện biểu hiện lạ ở bàn chân con thì nên đưa trẻ đi khám chuyên khoa để được bác sĩ đánh giá và đưa ra lời khuyên tốt nhất.