Theo TS. BS Trương Hồng Sơn, khoảng thời gian này thì lượng lượng hoocmon sẽ đạt đỉnh giúp trẻ tăng chiều cao tốt.
- Nếu con thường xuyên có 4 hành vi này, phụ huynh hãy mở tiệc ăn mừng vì trẻ yêu mẹ vô cùng
- Thêm những căn bệnh trẻ em thường mắc phải bố mẹ nuôi con nhỏ không nên lơ là
Theo kết quả nghiên cứu về chiều cao cơ thể người trên toàn cầu, Việt Nam đang nằm trong top 10 nước có người dân thấp nhất thế giới, và là nước có chiều cao trung bình của người dân thấp nhất khu vực châu Á. Cũng theo thông tin từ Viện dinh dưỡng quốc gia, trong vòng 30 năm qua, chiều cao của người Việt tăng lên rất chậm, 10 năm chỉ cao thêm được 1 cm. Đồng thời, tình trạng trẻ em thấp còi ở Việt Nam vẫn đang ở ngưỡng cao khi cứ 6 trẻ dưới 5 tuổi thì có 1 trẻ bị suy dinh dưỡng.
Chính những phản ánh trên đã và đang đặt ra một “dấu chấm hỏi lớn” về việc làm sao để cải thiện, tăng trưởng chiều cao, hạn chế tình trạng thấp còi cho người Việt, đặc biệt là trẻ em.
Trải qua nhiều nghiên cứu, các chuyên gia dinh dưỡng trong nước và quốc tế đều cho rằng, dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển chiều cao cũng như cải thiện sức khỏe cho trẻ mỗi ngày. Ở mỗi lứa tuổi, trẻ lại có những nhu cầu dinh dưỡng khác nhau để bảo đảm cho sự phát triển cơ thể mà còn đáp ứng các hoạt động thể chất và khả năng học tập của mỗi bạn.
Để cung cấp cho cha mẹ những kiến thức cơ bản về dinh dưỡng và xây dựng một chế độ dinh dưỡng hợp lý, kích thích sự phát triển chiều cao, hạn chế thấp còi cho trẻ, TS. BS Trường Hồng Sơn - Chuyên gia dinh dưỡng hàng đầu Việt Nam, Viện Trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam đã có những chia sẻ chi tiết tại buổi hội thảo dinh dưỡng “Để con cao lớn mỗi ngày” do Trường Mầm non Quốc tế Sakura Montessori phối hợp với Trường PTLC Quốc tế Gateway tổ chức.
5 yếu tố ảnh hưởng đến chiều cao của trẻ
Theo Ts. BS Trương Hồng Sơn, có 5 yếu tố ảnh hưởng đến chiều cao của trẻ: Giới tính; dinh dưỡng; hoạt động thể lực, giấc ngủ; môi trường bệnh tật và di truyền.
- Giới tính
Tăng trưởng chiều cao ở trẻ em phát triển nhanh nhất là giai đoạn mang thai, cả thai kỳ trẻ sẽ tăng lên 49cm, trung bình mỗi tháng tăng 5cm. Và từ giai đoạn mang thai đến 2 tuổi là 1000 ngày vàng quan trọng tăng trưởng chiều cao. Qua độ tuổi này, chiều cao của trẻ chỉ tăng từ 5-7% đến độ tuổi dậy thì.
Ở nữ từ 10-11 tuổi chiều cao sẽ tăng đến 14 tuổi dừng lại. Còn ở nam, chiều cao sẽ tăng ở giữa và cuối tuổi dậy thì đến 16 tuổi dừng lại.
- Di truyền
Dưới 5 tuổi gen không có ảnh hưởng nhiều đến chiều cao của trẻ, vì vậy chỉ cần nuôi dưỡng tốt, tốc độ phát triển chiều cao ở mọi đứa trẻ trên thế giới đều như nhau. Tuy nhiên, sau 5 tuổi, gen ảnh hưởng đến chiều cao và có vai trò quan trọng chiếm 2/3 trong phát triển chiều cao của trẻ.
- Yếu tố dinh dưỡng
Theo BS Sơn, gen là yếu tố không thay đổi được trong sự tăng trưởng chiều cao ở trẻ, chính vì vậy yếu tố dinh dưỡng đóng vai trò là quan trọng nhất. Dưới 5 tuổi gen không ảnh hưởng đến chiều cao vì vậy nếu đảm bảo dinh dưỡng đầy đủ và tốt nhất giai đoạn sẽ giúp cho chiều cao của trẻ được cải thiện.
Trong đó, dinh dưỡng phải đảm bảo đầy đủ: khoáng chất, vi khoáng: Canxi, sắt, kẽm; 3 vitamin A, D, K2; Hormon; Đạm, Collagen.
“Vi khoáng: Canxi, Sắt, Kẽm có nhiều trong sữa bởi tất cả các sữa đều bổ sung những chất này vào. Sữa không phải một siêu thực phẩm, chỉ là thức ăn nhưng nó tiên tiến hơn. Nếu không dùng sữa cha mẹ phải dùng nhiều loại thực phẩm khác để đảm bảo đủ những vi khoáng đó.
Ngoài ra, 3 vitamin cần thiết như vitamin A - một vitamin liên quan đến tầm nhìn mắt và giúp tăng khả năng miễn dịch, làm giảm các nguy cơ nhiễm trùng, nhiễm trùng liên quan đến chiều cao.
Vitamin D giúp tăng cường miễn dịch, hấp thu canxi tốt. Vì vậy, nhiều mẹ bổ sung cho con canxi nhưng không hấp thụ vì thiếu vitamin D hoặc cho con uống vitamin D lại không cho ra ngoài nên không hoạt hóa được, không đủ để phát triển.
Vitamin K2 cũng có vai trò quan trọng giúp hấp thu canxi và vitamin D vào xương”, bác sĩ Sơn cho hay.
Chia sẻ thêm, BS Sơn cho biết, ở nhà và ở trường, trẻ cần được đảm bảo khẩu phần ăn đầy đủ các chất như: Protein, Lipid, Glucid; các khoáng chất Canxi, sắt, kém và các vitamin A, D, K12.
“Khẩu phần bữa ăn chính và bữa ăn phụ nên hạn chế các loại nước sốt, gia vị. Ngoài ra, cha mẹ nên chọn trái cây và rau quả tươi hạn chế đông lạnh hoặc đóng hộp. Tuy nhiên, quả cung cấp năng lượng rất nhiều nên khuyến nghị 1 ngày chỉ ăn 5 loại quả và ăn các loại màu khác nhau. Nước lọc là lựa chọn tốt nhất được dùng trong bữa ăn, tiếp theo là sữa và nước trái cây. Nước ngọt không tốt vì năng lượng cao, giảm hấp thu canxi ảnh hưởng tầm vóc trẻ.
Cha mẹ nên bổ sung sữa, sữa chua và phô mai cho trẻ. Đối với sữa chua, 1 hộp 90-100g có năng lượng lớn hơn 100 calo nên khuyến nghị trước khi đi ngủ 30 phút, cha mẹ cho con ăn sữa chua sẽ tăng hấp thu tốt nhất canxi cho trẻ vào buổi tối. Còn sữa bột, không được khuyến nghị sử dụng trong một giờ trước khi đi ngủ.
Cha mẹ nên đảm bảo ít nhất một nửa lượng ngũ cốc trẻ ăn là ngũ cốc nguyên cám. Đồng thời, chế biến đảm bảo vệ sinh nấu chín, bảo quản đúng cách”, BS Sơn tư vấn.
- Hoạt động thể lực, giấc ngủ
Vận động đóng vai trò quan trọng giúp tăng chất khoáng trong xương và tăng mật độ xương. Vận động sẽ giúp trẻ học được các thói quen tốt, phát triển hệ cơ xương và giảm nguy cơ mắc các bệnh mạn tính.
Cha mẹ cần sắp xếp thời gian vận động và nghỉ ngơi cho trẻ xen kẽ nhau, không nên vận động quá nhiều, cũng không nên nghỉ ngơi quá nhiều. Đồng thời, hạn chế thời gian ngồi một chỗ dưới 2h/ngày. Trong đó, thời gian nghỉ ngơi tốt nhất nên là trước khi ngủ trưa và ngủ tối.
Cha mẹ có thể thực hiện theo "Tháp vận động" với nguyên tắc "5+2". Trong đó, 5 ngày cho con tập thể dục với thời gian khoảng 30 phút và 2 ngày thể thao nhân với thời gian từ 30 phút hoặc một tiếng. Ở nhà bố mẹ có thể giao việc cho con.
Ngoài vận động, giấc ngủ cũng có vai trò quan trọng. Theo BS Sơn, khi ngủ cơ thể sẽ tiết ra lượng hocmon GH (hormon tăng trưởng) tăng tiết gấp 4 lần khi thức. Lượng hoocmon sẽ đạt đỉnh từ 22h cho đến 1h chính vì vậy, nếu cha mẹ muốn con phát triển chiều cao phải cho con ngủ trước 22h.
“Khi ngủ trẻ nên được ngủ trong môi trường thoải mái, giường sạch sẽ có độ cứng vừa phải và môi trường đủ bóng tối, nhiệt độ mát mẻ, không có quá nhiều tiếng ồn ảnh hưởng đến giấc ngủ.
Trẻ nên được mặc quần áo thoải mái khi đi ngủ để không hạn chế sự lưu thông của máu. Trẻ không nên sử dụng điện thoại hoặc màn hình điện tử ít nhất là 30 phút trước khi ngủ với một thói quen ngủ với thời gian biểu đều đặn”, BS Sơn cho hay.
- Yếu tố bệnh tật
Một số bệnh lý gây ảnh hưởng phát triển chiều cao: Các bệnh truyền nhiễm, nhiễm giun sán, bệnh đường hô hấp mạn tính,…
Cách xây dựng hành vi dinh dưỡng tốt để giúp trẻ phát triển
- Cha mẹ nên đưa trẻ cùng đi siêu thị, lên thực đơn và chuẩn bị đồ ăn cho bữa ăn hàng ngày. Trong quá trình đó dạy trẻ về thực phẩm an toàn.
- Dạy trẻ cách chọn rau và trái cây đa dạng nhiều màu sắc. Công thức: 5 loại quả, 5 loại màu.
- Hướng dẫn trẻ lựa chọn đồ ăn vặt lành mạnh như trái cây, rau củ luộc, sữa chua thay vì bánh ngọt, kẹo, kem.
- Không vừa ăn vừa xem tivi vì khi vừa ăn vừa xem tivi, dịch vị tiết ra không đủ làm tăng nguy cơ đau dạ dày, không kiểm soát được năng lượng.
- Cha mẹ không nên dùng thức ăn là phần thưởng hoặc hình phạt dành cho trẻ.
- Không ăn lượng lớn thức ăn một lúc. Hạn chế ăn vặt sau khi ăn tối, không ăn trong vòng 30 phút trước khi đi ngủ.
- Dạy trẻ không bỏ bữa sáng.
- Cha mẹ phải trở thành tấm gương tốt cho trẻ về thói quen dinh dưỡng tốt.