Để đảm bảo nguồn sữa mẹ tốt nhất cho con, đặc biệt là trong 6 tháng đầu thì cách bảo quản sữa mẹ khi vắt ra dưới đây chính là thông tin cần kíp dành cho bạn.
- Kiến thức mẹ chăm con: Ăn gì để sữa mẹ đặc và thơm?
- Cách vắt sữa mẹ bằng tay an toàn, không làm mất giá trị dinh dưỡng của sữa
Ai cũng biết sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng quý giá trong những năm tháng đầu đời của con yêu. Dù các loại sữa công thức bên ngoài có đắt tiền như thế nào thì cũng không thể tốt bằng sữa mẹ.
Không những vậy, nuôi con bằng sữa mẹ cũng rất tốt cho mẹ vì giúp giải phóng Hormone Oxytocin khiến tử cung co bóp và nhanh lấy lại kích thước, hình dạng bình thường như trước khi mang thai, giúp mẹ giảm cân nhanh hơn và còn có thể làm giảm nguy cơ ung thư vú và ung thư buồng trứng.
Tuy nhiên, có nhiều bà mẹ sau khi sinh bị tắc tuyến sữa, không đủ sữa cho con bú phải xin sữa của các bà mẹ khác hoặc phải đi làm, con sinh non, bầu ngực căng tức… cần vắt sữa ra để con dùng dần. Lúc này, sữa mẹ có điều kiện tiếp xúc với môi trường bên ngoài nên rất dễ bị hư hay dễ nhiễm khuẩn, vì vậy, nhất thiết các mẹ phải biết cách bảo quản sữa mẹ khi vắt ra sao cho thật khoa học, an toàn.
Chuẩn bị trước khi vắt sữa đảm bảo vệ sinh, đúng cách
Có 2 cách vắt sữa mà các bà mẹ thường áp dụng là vắt bằng tay và vắt bằng máy hút sữa. Dù vắt bằng cách nào thì các mẹ cũng phải lưu ý đảm bảo giữ vệ sinh và chất lượng nguồn sữa vắt ra cho con.
Nên chuẩn bị dụng cụ như lọ, ly, bình đựng thủy tinh, nhựa cứng có nắp đậy kín hoặc túi bảo quản sữa chuyên dụng… dành riêng cho việc trữ sữa. Tốt nhất nên chọn lọ, ly, bình thủy tinh vì đây là cách bảo quản sữa mẹ khi đi xa hoặc trữ trong tủ lạnh tốt hơn dụng cụ đựng bằng nhựa cứng hay túi dùng một lần.
Có thể rửa sạch dụng cụ đựng sữa với xà phòng rồi rót nước sôi vào ngâm 10-15 phút hoặc luộc sôi dụng cụ, bình đựng sữa trước khi vắt sữa vào. Vệ sinh máy hút sữa sạch sẽ.
Bên cạnh đó, mẹ cũng phải rửa tay với xà phòng thật sạch, lau sạch đầu vú trước khi vắt sữa.
Tùy từng người ít hay nhiều sữa mà có tần suất vắt sữa khác nhau trong ngày. Nếu con còn nhỏ, dưới 6 tháng tuổi thì mẹ chỉ cần vắt khoảng 100-150ml/lần, còn nếu con lớn hơn hoặc mẹ phải đi làm cả ngày thì nên vắt nhiều hơn để đủ sữa cho con dùng.
Cách bảo quản sữa mẹ khi vắt ra khoa học, an toàn
Sau khi đã vắt sữa xong, thời gian và cách bảo quản sữa mẹ khi hút ra ngoài ra sao sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng và an toàn của nguồn sữa. Tùy thời tiết, nhiệt độ lúc vắt sữa mà việc xác định thời gian bảo quản cũng phải linh hoạt theo.
Thông thường khi vừa vắt ra khỏi bầu ngực, sữa mẹ có nhiệt độ khoảng 37 độ C hoặc cao hơn một chút, tùy vào thân nhiệt của người mẹ. Mức nhiệt này thích hợp với khẩu vị và dạ dày của em bé nên nếu áp dụng cách bảo quản sữa mẹ bằng nước nóng thì chỉ nên ủ sữa ở nhiệt độ 37 - 40 độ C và giữ trong khoảng 1 giờ. Vượt quá thời gian đó, sữa không còn đảm bảo an toàn nên hãy đổ bỏ đi.
Trong trường hợp con có thể dùng sữa liền thì mẹ trữ sữa ở nhiệt độ phòng (khoảng 26-28 độ C) trong khoảng 4-5 giờ. Lưu ý, nếu nhiệt độ cao, nắng nóng hơn thì chỉ giữ trong khoảng 1 giờ.
Nếu con chưa dùng sữa ngay thì mẹ hãy cho sữa vào trong tủ lạnh bảo quản liền sau khi vắt. Khi trữ trong ngăn mát tủ lạnh, sữa mẹ có thể giữ được trong khoảng 24 giờ.
Nếu áp dụng cách bảo quản sữa mẹ trong ngăn đá tủ lạnh, có thể bảo quản sữa mẹ trong khoảng 5-7 ngày. Tránh mở cửa tủ nhiều lần và trữ sữa mẹ ở cánh cửa ngăn đá vì nhiệt độ ở đó không chính xác và ổn định.
Ngoài ra, sữa mẹ còn có thể bảo quản trong tủ đông khoảng 2-3 tháng. Tuy nhiên, cách bảo quản này sẽ giữ giá trị về dinh dưỡng nhưng lại làm giảm lượng kháng thể có trong sữa mẹ.
Nên dọn sạch và tách riêng khu vực trữ sữa, tránh nhiễm khuẩn chéo vào sữa nếu tủ lạnh đựng nhiều loại đồ ăn khác, nhất là các thực phẩm tươi sống chứa nhiều nguy cơ nhiễm khuẩn cao.
Khi muốn rã đông sữa, nên chuyển sữa từ ngăn đá, tủ đông vào ngăn mát cho rã dần trong khoảng 1 ngày trước khi lấy sữa ra bên ngoài ủ ấm cho con dùng. Tốt nhất là cho con dùng sớm nhất có thể, hạn chế cách bảo quản sữa mẹ khi vắt ra quá lâu trong tủ lạnh.
Nên đảm bảo nhiệt độ tủ lạnh luôn ổn định. Nếu nhà mất điện, cần nhanh chóng chuyển hết phần sữa mẹ trữ đông vào thùng giữ lạnh cho đến khi có điện lại để chuyển vào tủ lạnh bảo quản tiếp.
3. Những lưu ý, sai lầm cần tránh khi bảo quản sữa mẹ đã vắt ra
Tùy thuộc vào chế độ ăn của mỗi người mẹ mà màu sắc của sữa có thể không giống nhau. Và mùi vị của sữa mẹ cho con bú trực tiếp có thể không giống mùi vị sữa rã đông nên nếu con tỏ ra không thích khi dùng sữa rã đông, mẹ có thể điều chỉnh, rút ngắn thời gian bảo quản sữa trong tủ lạnh.
Để cung cấp nguồn sữa ổn định và dinh dưỡng cho con, mẹ đừng quên nạp vào cơ thể khẩu phần ăn đầy đủ dưỡng chất, tích cực ăn cá, hải sản tươi sạch 2-3 lần/tuần, bổ sung rau xanh, trái cây cung cấp nhiều vitamin, khoáng chất cần thiết cũng như uống đủ nước mỗi ngày.
Chú ý bảo quản sữa mẹ trong tủ lạnh đúng cách, đảm bảo thờii gian để tránh trường hợp cho con dùng sữa đã bị hư hỏng, nhiễm khuẩn gây ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa và sức khỏe của con.
Không nên vắt đầy sữa vào bình hay túi đựng sữa, nên để lại một khoảng trống nhỏ vì sữa đông lạnh chiếm nhiều thể tích hơn có thể làm nứt, rách dụng cụ đựng sữa, không giữ được chất lượng sữa mẹ như ban đầu.
Trước khi cho con dùng sữa mẹ bảo quản trong tủ lạnh đều cần phải làm ấm sữa. Có thể làm ấm bằng cách đặt bình chứa sữa vào bát nước nóng hoặc đổ nước nóng quanh bình chứa sữa ở nhiệt độ 37 – 39 độ C, bằng nhiệt độ cơ thể người.
Không nên đun sôi hay để sữa vào lò vi sóng vì nhiệt độ cao sẽ làm sữa mất chất, không còn dinh dưỡng, an toàn cho con dùng.
Cho con dùng sữa ngay sau khi rã đông và làm ấm. Mỗi bình hay túi chứa sữa chỉ nên chứa vừa đủ cho một lần dùng của con để đảm bảo vệ sinh, hạn chế trường hợp lãng phí. Bởi khi đã hâm nóng rồi thì sữa thừa sẽ phải bỏ đi, không thể tái đông lạnh hay dùng lần nữa.
Khi sữa mẹ được trữ lạnh, chất béo trong sữa sẽ tạo thành một lớp màng mỏng trên bề mặt. Đây là dấu hiệu bình thường, không phải sữa bị hư nên lúc làm ấm sữa, mẹ chỉ cần lắc nhẹ để hòa tan lớp chất béo với nhau là được.
Chú ý việc ghi ngày, tháng vắt sữa rõ ràng, cụ thể lên dụng cụ đựng sữa. Nên sử dụng loại bút không lem màu để ghi ngày, tháng giúp dễ kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ thời hạn sử dụng, tránh sữa để lâu không tốt cho con.
Tránh trộn lẫn sữa đã vắt ra với sữa vừa mới vắt, bởi phần sữa được cất trữ trước cần lấy ra sử dụng trước, hạn chế nhầm lẫn và lãng phí.
Chăm con khéo luôn đòi hỏi sự tỉ mỉ và kỹ lưỡng của mẹ. Cách bảo quản sữa mẹ khi vắt ra không khó nhưng có những lưu ý mà mẹ không thể bỏ qua. Chỉ cần đảm bảo tốt thời gian và quy trình, con yêu sẽ luôn có nguồn sữa mẹ quý giá để lớn khôn và khỏe mạnh trong suốt những năm tháng đầu đời.