Trong tình hình dịch bệnh, các phụ huynh thường có tâm lý e ngại cho con đến viện để khám và điều trị bệnh. Chính điều này, đã dẫn đến không ít trường hợp nhập viện cấp cứu muôn, tình trạng trở nặng, khó can thiệp.
- Khi trẻ bị sốt, cần hạ sốt cho trẻ thế nào để hiệu quả và an toàn?
- Nếu trẻ sốt phát ban kèm ho, mắt đỏ, sổ mũi... cần phải đi khám bệnh sởi ngay
Theo thông tin của Zingnews, ngày 25/7, Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội) cho biết, vừa tiếp nhận bệnh nhi T.N.G.H. (27 tháng tuổi, ở Hưng Yên) đến cấp cứu trong tình trạng sốt co giật nặng. Hiện, các bác sĩ vẫn đang ra sức giành giật lại sự sống cho bé.
Được biết, trước đó, bệnh nhi có dấu hiệu bị sốt cao liên tục nhiều ngày liên tiếp nhưng gia đình vẫn kiên trì cho uống thuốc hạ sốt, điều trị tại nhà. Đến ngày thứ 4, khi tình hình không thuyên giảm, trẻ mới được đưa đến phòng khám tại địa phương. Lúc này, bé H. đã bắt đầu có những cơn sốt co giật mạnh vì vậy đã được chuyển cấp cứu lên Bệnh viện Nhi Trung ương.
Bác sĩ Trần Đăng Xoay - Khoa Điều trị tích cực, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, khi đến nhập viện trẻ đã diễn biến nặng, sốt li bì, sốc nhiễm trùng, viêm màng não nhiễm khuẩn, suy đa cơ quan, tổn thương thần kinh và tim nặng. Sau 2 ngày điều trị tại viện mặc dù các bác sĩ nỗ lực cứu chữa nhưng trẻ được tiên lượng nguy cơ xấu.
Vào ngày 18/7, bệnh viện cũng tiếp nhận một bé trai N.M.T. (22 tháng tuổi, ở Bắc Kạn) trong tình trạng sốt cao, li bì, tiêu chảy. Gia đình cho biết bé sốt cao liên tục 39-39,5 độ C từ 8 ngày trước. Dù đã dùng thuộc hạ sốt nhưng trẻ đáp ứng kém với thuốc. Đến ngày thứ 4, bé bắt đầu xuất hiện ban đỏ trên da rải rác toàn thân.
Lúc này, gia đình mới đưa trẻ đi khám ở một số cơ sở y tế tuyến tỉnh. Tại đây, các bác sĩ nghĩ rằng bé bị sốt virus và kê thuốc điều trị nhưng tình trạng vẫn không đỡ. Vì vậy, gia đình phải chuyển bé đến khám tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Sau khi khám và xét nghiệm, bệnh nhi được chẩn đoán mắc bệnh Kawasaki. Một chứng bệnh vô cùng nguy hiểm và khó chẩn đoán do biểu hiện lâm sàng thường không đặc trưng, dễ bị nhầm với nhiều bệnh khác.
Theo thông tin của VnExpress, các bác sĩ cho biết, các trường hợp trên không phải là trường hợp hiếm đến viện cấp cứu tình trạng nặng trong đợt dịch này. Các cha mẹ thường có tâm lý chủ quan khi thấy con bị sốt mà không đưa đến các cơ sở y tế, bỏ qua thời gian vàng để can thiệp kịp thời cho trẻ.
Phó giáo sư Trần Minh Điển - Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, dịch Covid-19 tuy nguy hiểm và phức tạp nhưng bệnh viện đều có các biện pháp bảo vệ, phòng và chống dịch, tránh nguy cơ lây nhiễm ở mức cao nhất. Chuyên gia khuyến cáo thêm rằng:
"Người bệnh và gia đình không nên quá ngần ngại đến bệnh viện khám, chữa bệnh mà vô tình gây nên hệ lụy xấu đến sức khỏe và tính mạng của trẻ. Khi đến bệnh viện, mọi người cần tuân thủ đảm bảo 5K, hạn chế tối đa số người đi cùng và làm theo hướng dẫn của nhân viên y tế".
Ngoài ra, các bác sĩ cũng khuyến cáo, khi trẻ sốt kèm theo các dấu hiệu như bỏ ăn, quấy khóc không rõ nguyên nhân, cần đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn. Nếu thấy tình trạng bệnh của trẻ không giảm, có diễn biến nặng hơn kèm theo dấu hiệu như sốt li bì, co giật, khó thở, tím tái, cha mẹ cần đưa ngay trẻ đến các cơ sở y tế chuyên sâu, để được các bác sĩ chẩn đoán sớm, can thiệp kịp thời và đưa ra hướng điều trị chính xác.