Càng chăm sóc kỹ, con càng dễ bệnh

Chăm sóc con 21/05/2018 06:45

Nhiều bà mẹ khổ sở vì con mình cứ bệnh lên bệnh xuống dù được chăm sóc rất kỹ; chẳng bù với thế hệ ngày xưa, tắm mưa, nghịch ngợm ngoài đồng cả ngày mà chẳng thấy bệnh gì!

Các bác sĩ (BS) nhi khoa cho biết họ nhận được nhiều câu hỏi, đại loại: "Tôi kỹ lắm, che chắn cẩn thận cho con khi đi nắng, không cho ra gió. Lúc nào cũng ở trong nhà sạch sẽ, không nghịch đất… mà sao con bệnh hoài?".

Nhìn đâu cũng thấy vi khuẩn

Vợ chồng chị N.M.H.T chỉ có một con trai 6 tuổi nên dành mọi sự quan tâm cho bé. "Tôi kỹ đến mức thời điểm nhiều dịch bệnh như mùa hè thì không dám cho con ra công viên chơi vì sợ xích đu, cầu tuột dính vi khuẩn. Ngày tắm 3 lần, đồ chơi được vệ sinh thường xuyên, vậy mà thằng bé bệnh hoài, chắc cơ địa nó yếu…" - chị T. than thở trên hàng ghế chờ khám của Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 1 (TP HCM).

Càng chăm sóc kỹ, con càng dễ bệnh - Ảnh 1
Nên cho trẻ ra ngoài chơi để được vận động, tiếp xúc trẻ khác và môi trường khác. Ảnh: TRỊNH THIỆP

Chị L.T.H.H (ngụ quận 2) đưa con đến BV Nhi Đồng 2 (TP HCM) trong tình trạng bọc khăn áo kín như bưng, dù trời nóng và bé sốt hầm hập. Chỉ khi được mẹ tháo khăn, áo, bé mới ngưng khóc. Nhiều người thấy tội thay cho bé nhưng chị H. vẫn chống chế rằng trời nắng như vậy, không che thì con mình sẽ thêm bệnh khác. Thế nhưng, chính BS cũng trách người mẹ rằng vì quấn như thế nên bé bị sốt cao thêm, quá nguy hiểm.

Theo các BS nhi khoa, chính tâm lý "nhìn đâu cũng thấy vi khuẩn" của nhiều phụ huynh nên ngại cho con ra ngoài, chơi đùa với thiên nhiên đã khiến hệ miễn dịch và thể chất nói chung của trẻ ngày càng yếu.

Hệ miễn dịch cần được "tập dượt"

ThS-BS Huỳnh Minh Thu, Trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp BV Nhi Đồng 2, cho rằng phụ huynh nên hiểu thế nào là chăm sóc con kỹ. Để mặc trẻ trong môi trường bẩn, đầy mầm bệnh "cho tự nhiên" thì chắc chắn không nên. Thế nhưng, nhìn đâu cũng sợ vi khuẩn, "úm" con quá kỹ lại làm hệ miễn dịch của trẻ phát triển không tốt.

BS chuyên khoa II Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc BV Nhi Đồng Thành phố (TP HCM), lý giải rằng hệ miễn dịch cũng như những chiến binh bảo vệ cơ thể, cần được đào tạo qua các cuộc chiến nho nhỏ: trẻ phải được chơi đùa bên ngoài, tiếp xúc với trẻ khác.

"Ví dụ, hãy chọn một công viên sạch sẽ. Nơi đó vừa đủ an toàn vừa tồn tại một lượng siêu vi, vi khuẩn nhỏ đủ để hệ miễn dịch tập dượt. Bạn chơi cũng thế. Khi trẻ tiếp xúc hệ vi khuẩn trên cơ thể của một trẻ khỏe mạnh khác, có khi về bé cũng hơi sụt sịt rồi qua. Đó chính là lúc hệ miễn dịch được "đào tạo" để trở nên mạnh mẽ hơn, sẵn sàng ứng phó với mầm bệnh thật sự" - BS Tiến phân tích.

Thế nào là chăm con kỹ?

BS Thu giải thích chăm sóc kỹ không phải là cứ bao bọc và giữ chặt con bên mình. Chẳng hạn, trường hợp con sốt mà vẫn bị mẹ bọc kín là không nên. Cho dù trẻ đang khỏe mà phải chịu bao nhiêu lớp khăn, áo thì hẳn nhiên sẽ đổ mồ hôi nhiều, mất nước và muối khoáng, khiến bé rất mệt khi đi đường.

Trẻ có thể nghịch đất ngoài vườn, không sao cả nhưng trước khi ăn phải rửa tay sạch sẽ. Trẻ có thể chạy chơi, làm bẩn cả chân tay nhưng chơi xong và trước khi ngủ phải rửa sạch tay chân. Ngoài ra, hằng ngày, phụ huynh nên nhắc con em tắm rửa, đánh răng đúng giờ.

Trẻ thường mắc bệnh vặt, đó là quá trình tự nhiên. Trong giai đoạn trẻ dưới 6 tháng tuổi, môi trường tiếp xúc chủ yếu được mẹ bồng trên tay, thức ăn phần lớn từ sữa mẹ. Lớn hơn, trẻ tập bò, trườn… và bắt đầu tiếp xúc những tác nhân bên ngoài nên sức đề kháng giảm, hệ miễn dịch tự thân vận động để thích nghi với môi trường xung quanh. Qua một thời gian, hệ miễn dịch khỏe hơn thì trẻ tự khắc bớt bệnh.

BS Tiến khuyên để trẻ không gặp phải bệnh nguy hiểm khi tiếp xúc bên ngoài, phụ huynh cần đưa con em đi chích ngừa đầy đủ, nhất là các bệnh thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng. Bệnh đã được khuyến cáo ngừa bằng vắc-xin đều là bệnh nguy hiểm, dễ lây lan, có điều trị cũng để lại hậu quả lớn.

Ngoài ra, BS Tiến lưu ý phụ huynh nên tuân thủ các quy tắc an toàn khi vào mùa bệnh lây nhiễm, như trẻ bệnh thì cho nghỉ học, ở nhà dưỡng bệnh nhưng phải cách ly với anh em… Nên dạy trẻ thực hành rửa tay đúng cách, ăn uống sạch sẽ. Phụ huynh cần chú ý dọn dẹp nhà cửa, vệ sinh đồ chơi cho trẻ. 

Nhốt bé trong nhà: Bất lợi đôi đường

ThS-BS Huỳnh Minh Thu và BS Nguyễn Minh Tiến đều khuyên phụ huynh thường xuyên cho trẻ ra ngoài chơi. Những bé có cha mẹ quá lo mà giữ rịt trong nhà thường có thể chất yếu hơn. Trẻ em cần được vận động nhiều hơn cả người lớn. Hơn nữa, không gian nhà không đủ và cũng không phải là môi trường thoải mái nhất cho trẻ. Hãy để bé ra ngoài, được chạy nhảy ngoài công viên, đi dạo phố, chơi những trò chơi con trẻ…Vận động nhiều, thể chất được nâng cao, trẻ sẽ được bảo vệ tốt hơn, khỏi bệnh tật.

Trẻ em ra nhiều mồ hôi khi vận động, vì sao?

Con trai tôi 7 tuổi, cháu ra nhiều mồ hôi khi vận động và có mùi rất chua và hôi. Xin bác sĩ tư vấn giúp cháu bị sao. Cảm ơn bác sĩ nhiều! Trịnh Thị Liên (lientrinh@gmail.com)

TIN MỚI NHẤT