Biết cách tắm cho trẻ sơ sinh là một trong những kỹ năng cơ bản nhất mà bất kỳ cha mẹ nào cũng phải biết khi có con nhỏ.
- Cách tắm cho trẻ sơ sinh cơ bản bậc cha mẹ cần biết
- Chưa đầy 3 phút, bé 1 tuổi đã gặp nạn trong phòng tắm và những lưu ý bố mẹ không thể bỏ qua khi tắm cho trẻ
Phụ huynh cần phải tránh những sai lầm sau đây để không ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển của bé về sau này.
1. Tắm hàng ngày cho trẻ
Vì trẻ sơ sinh tương đối sạch và ít mồ hôi nên cha mẹ không nhất thiết phải tắm cho trẻ mỗi ngày.
- Đối với bé trên 10 ngày tuổi: có thể để 2-3 ngày tắm một lần.
- Đối với trẻ em từ 6 tháng tuổi trở xuống: chỉ cần tắm 3 lần một tuần.
- Khi trẻ lớn hơn, đã biết đi, biết bò thì cha mẹ nên tắm hàng ngày cho bé.
Đối với những ngày thời tiết se lạnh, có thể dùng khăn ấm lau rửa cơ thể bé. Chú ý vệ sinh những khe, nếp gấp của da và bộ phận sinh dục. Với trẻ sơ sinh, bé có thể bị nhiễm lạnh và khô da nếu tắm quá nhiều. Có thể tắm cho trẻ vào mùa hè nhiều hơn mùa đông vì trong điều kiện thời tiết nóng, bé sẽ đổ mồ hôi nhiều, rất dễ mắc các bệnh về da nếu không được vệ sinh cơ thể cẩn thận.
Ngoài ra, cha mẹ cần lựa chọn sữa tắm có tính kiềm cho trẻ vì sử dụng sữa tắm sẽ khiến độ pH trên da thay đổi, làm vi khuẩn dễ xâm nhập hơn vào trong cơ thể bé.
2. Làm ướt rốn bé
Vì rốn là bộ phận nhạy cảm nhất của bé sơ sinh nên cha mẹ cần phải biết cách tắm cho trẻ sơ sinh chưa rụng rốn. Thông thường, cuống rốn của trẻ sẽ khô trong vòng 3-7 ngày. Tuy nhiên, những trẻ có cuống rốn dày có thể mất tới 21 ngày. Trong thời gian bé chưa rụng rốn, cần phải giữ không được để nước dính vào cuống rốn của trẻ, tránh nhiễm trùng. Phải vệ sinh rốn cho bé bằng tăm bông, nước ấm và dung dịch riêng biệt. Lưu ý các thao tác phải làm thật nhẹ nhàng, không kỳ cọ mạnh bởi rất dễ gây ra những tổn thương nghiêm trọng.
Để tránh không đụng vào phần cuống rốn của trẻ, phụ huynh có thể áp dụng cách như sau:
- Đặt một chiếc khăn mỏng lên trên để bảo vệ phần bụng bé.
- Chia việc tắm và gội ra làm các giai đoạn.
- Có thể tắm nửa trên cho trẻ trước rồi mới tắm nửa dưới.
- Nếu không may rốn của bé bị dính nước thì phải lau kỹ bằng bông hoặc vải sạch.
3. Tắm quá lâu
Đây là sai lầm mà nhiều người mắc phải vì muốn con được sạch sẽ. Việc tắm cho bé quá lâu sẽ làm da bị khô hơn, bong tróc và ảnh hưởng đến sự tiết bã nhờn của trẻ. Hợp lý nhất là chỉ nên tắm cho bé trong 10 phút. Đối với trẻ dưới 1 tháng tuổi thì nên tắm trong thời gian 5 phút.
4. Gội đầu cho trẻ trước tiên
Đây là một thói quen không tốt thường hay thấy ở nhiều bậc cha mẹ. Nên gội đầu cho bé sau khi đã vệ sinh mặt để não bộ kịp thời tiếp nhận và thích ứng với những thay đổi của cơ thể. Ngoài ra, một điều cần lưu ý là sau khi gội đầu phải lau khô ngay, không để nước chảy vào tai trẻ.
5. Nhiệt độ nước tắm không phù hợp
Khi tắm cho trẻ sơ sinh, dùng nước quá nóng hoặc quá lạnh đều ảnh hưởng tới làn da nhạy cảm, mỏng manh của trẻ. Sai lầm của nhiều người là chỉ cảm nhận bằng tay nhiệt độ ở bề mặt chậu trong khi nước ở mặt chậu và đáy chậu có nhiệt độ khác nhau.
Vì vậy, phụ huynh cần lưu ý khi pha nước tắm thì phải đảm bảo nước đủ độ ấm, khoảng 37-38 độ C là phù hợp nhất. Để chính xác nhất thì nên dùng nhiệt kế để đo nhiệt độ nước tắm cho bé.
6. Kiêng tắm khi trẻ bị sốt
Khi bé sơ sinh bị sốt, cha mẹ cần đưa con tới bệnh viện để được thăm khám và điều trị kịp thời. Ngoài ra, việc tắm cho trẻ khi bị sốt giúp làm giảm nhiệt độ cơ thể và thường sẽ không gây ra nguy hiểm như nhiều người lầm tưởng. Tuy nhiên, việc tắm cho bé khi sốt cần phải đảm bảo một số điều như sau:
- Tắm trong phòng phải kín gió.
- Pha nhiệt độ nước thấp hơn nhiệt độ cơ thể bé khoảng 2 độ C. Nếu nước quá lạnh thì có thể gây sốc nhiệt cho trẻ.
- Nên tắm nhanh cho bé trong khoảng 5 phút rồi lau khô người trẻ, mặc quần áo thông thoáng.
7. Vệ sinh bộ phận sinh dục quá mạnh
Cha mẹ không nên chà mạnh vào bộ phận sinh dục của con. Đối với bé gái thì không được đưa sát tay để rửa vào bên trong và chỉ dùng nước thông thưởng, tuyệt đối không sử dụng xà phòng và các loại dung dịch tẩy rửa khác. Còn với bé trai thì không nên dùng sức để cọ rửa đầu dương vật.
8. Không chuẩn bị đầy đủ đồ dùng cần thiết trước khi trẻ tắm
Đồ dùng để tắm cho bé không đơn giản như đối với người lớn. Thế nên trước khi tắm cho bé, phụ huynh cần chuẩn bị đầy đủ tất cả những thứ cần thiết như: chậu dài, chậu tròn, sữa tắm, dầu gội, khăn tắm, tã giấy, quần áo, bao tay, bao chân, những dụng cụ vệ sinh...
9. Tắm cho bé ở nơi thoáng gió
Cha mẹ phải hết sức cẩn thận tránh điều này vì khi tắm ở nơi thoáng gió, trẻ có thể bị lạnh và bị cảm, ngay cả trong mùa hè nóng bức.
10. Thời gian tắm quá muộn
Rất nhiều người nghĩ rằng việc tắm cho con sau 16 giờ chiều ngay cả khi trời lạnh sẽ làm bé được sạch sẽ nhất. Tuy nhiên, trên thực tế, thời gian tốt nhất để tắm cho trẻ là từ 14 giờ đến trước 16 giờ mỗi ngày.
11. Sử dụng tăm bông của người lớn cho bé
Khi tắm xong, để thấm nước và vệ sinh tai cho trẻ thì cha mẹ có thể dùng tăm bông. Tuy nhiên tuyệt đối không được sử dụng loại của người lớn mà phải dùng loại nhỏ cho bé sơ sinh.
12. Cho bé ăn ngay sau khi tắm
Sau khi tắm, vì các mạch máu ngoại biên sẽ giãn ra nên việc cung cấp máu trong cơ thể của trẻ bị giảm. Lúc này, nếu cho bé ăn ngay, máu được chuyển đến đường tiêu hóa của trẻ ngay lập tức làm nhiệt độ trong cơ thể giảm, bé sẽ cảm thấy lạnh. Vì thế phụ huynh không nên cho trẻ ăn ngay sau khi tắm mà có thể cho con uống một chút nước ấm.
Việc tránh những sai lầm nêu trên đây sẽ giúp các bậc cha mẹ biết cách tắm cho trẻ sơ sinh một cách hợp lý, khoa học và giúp trẻ cảm thấy thoải mái, vui vẻ hơn.