Để chăm sóc trẻ sơ sinh bị viêm mũi, nghẹt mũi, mẹ có thể rửa mũi bằng nước muối sinh lý cho con. Tuy nhiên, nếu mẹ không biết cách thực hiện có thể dẫn đến tình trạng trẻ bị viêm tai giữa.
- Cách xử lý nhanh tại nhà khi trẻ sơ sinh bị ọc sữa lên mũi
- Các bác sĩ cảnh báo về cách chữa sổ mũi bằng tỏi ngâm nước muối sinh lý đang được các mẹ lan truyền
Thời điểm nên rửa mũi cho trẻ sơ sinh bằng nước muối sinh lý
Dùng nước muối sinh lý rửa mũi cho trẻ sơ sinh là thao tác bơm một lượng nước muối vào mũi của con để dịch nhầy bị tống ra khỏi mũi giúp trẻ cảm thấy thoải mái hơn.
Khi trẻ bị viêm mũi, nghẹt mũi ảnh hưởng đến đường thở, mẹ sẽ rửa mũi cho bé bằng nước muối sinh lý trước khi dùng thuốc. Trẻ sẽ nhanh khỏi bệnh, bớt quấy khóc. Tuy nhiên, phương pháp này không nên tiến hành thường xuyên vì sẽ làm mất đi lớp nhầy tự nhiên tạo độ ẩm và ngăn ngừa bụi bẩn trong khoang mũi. Thay vào đó, mẹ chỉ cần nhỏ vài giọt nước muối sinh lý vào mũi khi con bị ho, sổ mũi.
Chia sẻ với Phụ nữ sức khỏe, Bác sĩ Trương Hữu Khanh – Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM cho biết khi trẻ bị ho, sổ mũi, mẹ có thể nhỏ nước muối sinh lý cho con. Thời điểm nhỏ mũi là sau khi tắm xong hoặc sau khi tiếp xúc nơi đông người. Khi trẻ nghẹt mũi thì có thể dùng nước muối sinh lý nhỏ mũi cho trẻ trước khi bú mẹ. Trong lúc ngủ nên kê cao đầu để bé thoải mái.
Các bước rửa mũi bằng nước muối sinh lý cho trẻ
Đối với những trẻ sơ sinh chưa biết ngồi, mẹ có thể rửa nước muối cho trẻ theo các bước sau đây:
Bước 1: Đặt trẻ nằm nghiêng trên bàn hoặc giường, phía dưới cổ và đầu lót khăn xô dày để thấm nước. Mẹ lưu ý chỉnh đầu trẻ hơi thấp, mông cao, dùng một tay đặt nhẹ lên đầu trẻ để giữ cơ thể con tránh cử động mạnh trong quá trình rửa mũi.
Bước 2: Mẹ đưa chai nước muối đầu tròn vào lỗ mũi phía trên, bóp nhanh, lực vừa phải để nước muối đi vào đường bên này và chảy ra ở lỗ mũi bên kia. Dịch nhờn và gỉ mũi sẽ từ từ trôi ra lỗ dưới.
Bước 3: Dùng khăn mềm lau sạch mũi, miệng, vừa rửa vừa trò chuyện, trấn an để bé không hoảng sợ. Tiếp tục nghiêng người bé sang hướng ngược lại và rửa mũi bên kia theo cách làm tương tự. Đến khi mẹ quan sát thấy nước rửa chảy ra màu trong, không còn dịch mũi thì dừng lại.
Khi trẻ đã biết ngồi, mẹ có thể cho trẻ ngồi cúi đầu vào ghế tựa dành cho bé để tránh bị sặc hoặc dịch mũi chảy ngược lên trên gây viêm tai giữa. Thao tác rửa mũi tương tự khi trẻ nằm nghiêng.
Những lưu ý khi rửa mũi cho trẻ bằng nước muối sinh lý
Mẹ không nên sử dụng muối ăn pha loãng để rửa mũi cho con. Cách tốt nhất nên sử dụng sản phẩm nước muối sinh lý rửa mũi cho trẻ sơ sinh ngoài hiệu thuốc (nước muối 0,9%).
Để rửa mũi cho bé được thuận tiện, mẹ có thể mua bình rửa mũi cho trẻ sơ sinh chuyên dụng. Tuyệt đối không dùng xi lanh bơm nước muối vào mũi con làm trầy xước niêm mạc mũi.
Trước khi bơm nước muối vào mũi trẻ sơ sinh, mẹ nên ngâm trong nước ấm khoảng 40 độ và chỉ nên rửa khi trẻ đang thức, vào trước bữa ăn.
Nếu dịch nhầy trong mũi trẻ quá đặc, mẹ có thể nhỏ từ 2 – 3 giọt nước muối mỗi bên mũi sau đó day nhẹ để dịch nhầy và gỉ mũi bong ra trước khi rửa mũi cho con.