Nên để nhiệt độ máy lạnh trong phòng thấp hơn môi trường bên ngoài khoảng 8-10 độ C, cho trẻ uống đủ nước để khỏi khô họng.
- Bệnh tay chân miệng ở trẻ em: Biểu hiện, dấu hiệu, hình ảnh nhận biết
- Dấu hiệu trẻ bệnh: Không cứu nhanh mất con
Bác sĩ Đinh Thạc, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP HCM), cho biết thời tiết nắng nóng, nhiệt độ môi trường tăng cao, cơ thể trẻ tiết ra nhiều mồ hôi để giải nhiệt nên dễ bị mất nước kèm theo mất điện giải. Hệ miễn dịch của trẻ chưa hoàn thiện, sức đề kháng còn yếu nên dễ mắc bệnh.
Bác sĩ Thạc khuyến cáo phụ huynh một số điều giúp trẻ thích nghi tốt hơn trong thời tiết nắng nóng.
Sử dụng quạt, điều hòa hợp lý
Nếu cho trẻ sử dụng máy lạnh trong thời gian kéo dài quá mức, thường trên 4 tiếng và nhiệt độ phòng quá lạnh sẽ khiến đường hô hấp bị khô, dễ bị bệnh viêm đường hô hấp cấp tính như viêm họng, viêm amidan, viêm thanh quản, viêm mũi xuất tiết... Trẻ bị sốt, ho, chảy nước mũi, nghẹt mũi, ăn uống kém làm sức khỏe càng bị sụt giảm.
Nên để nhiệt độ trong phòng thấp hơn nhiệt độ môi trường bên ngoài khoảng 8-10 độ C hoặc duy trì nhiệt độ trong phòng khoảng 28 độ C.
Cho trẻ uống đủ nước để khỏi bị khô họng, nhất là khi ngồi lâu trong phòng điều hòa để tránh ngạt mũi, viêm họng, đau đầu, chóng mặt.
Khi định ra ngoài phòng lạnh nên từ từ mở rộng cửa, đợi 2-3 phút sau mới ra khỏi phòng để cơ thể có thời gian thích nghi với sự chuyển đổi không khí bên ngoài.
Vệ sinh cá nhân, chăm trẻ đúng cách
Tạo thói quen vệ sinh cá nhân tốt như rửa tay sạch sẽ, đúng cách trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh và sau khi chơi đùa. Điều này giúp trẻ loại bỏ những tác nhân gây bệnh nguy hiểm từ đôi bàn tay. Rửa tay được xem như "liều vắcxin miễn phí" cho mọi người.
Mang khẩu trang cho trẻ lớn mỗi khi ra đường.
Hàng ngày nên nhỏ mắt, nhỏ mũi cho trẻ vài lần bằng dung dịch nước muối loãng Natri Clorid 0,9% để làm sạch mũi, mắt mỗi khi trẻ ra đường có nguy cơ hít phải bụi bẩn, tiếp xúc chất gây ô nhiễm.
Không để trẻ chơi đùa ngoài trời nắng quá lâu, nhất là tránh cho trẻ tiếp xúc trực tiếp ánh nắng mặt trời trong khoảng thời gian từ 10h sáng đến 4h chiều. Khoảng thời gian này có nhiều tia bức xạ nguy hại, khi cần đi ra nắng hay đi học nhắc trẻ phải đội mũ, nón rộng vành.
Cho trẻ uống đủ lượng nước cần thiết khi ở nhà và cả khi ở trường. Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), lượng nước thiết yếu cho trẻ trong ngày vào khoảng 50-60 ml tính trên mỗi kg thể trọng trong 24 giờ.
Tạo môi trường sống trong lành và an toàn, giữ môi trường thông thoáng, trong lành nhằm hạn chế sự lây nhiễm các bệnh lý truyền nhiễm nguy hiểm. Vệ sinh môi trường, loại bỏ những nơi nước đọng, ngăn chặn sự phát triển của muỗi vằn là trung gian truyền bệnh sốt xuất huyết, ngủ mùng, diệt loăng quăng...
Dinh dưỡng phù hợp với thời tiết nắng nóng
Tăng cường lượng dịch uống để bồi hoàn lượng nước cần thiết, nhất là những loại nước uống giàu khoáng chất và nhiều vitamin như nước ép trái cây, nước cam tươi, nước dừa tươi, nước sôi để nguội, nước rau má, nước mía...
Thực hiện tốt nuôi con bằng sữa mẹ cũng là biện pháp chủ động nâng cao sức đề kháng cho trẻ, nhất là trẻ nhỏ và trẻ nhũ nhi. Sữa mẹ ngoài những dưỡng chất quan trọng còn có lượng kháng thể dồi dào giúp trẻ khỏe mạnh.
Tăng cường các loại chè và canh bổ dưỡng, vừa giúp trẻ giải nhiệt mùa nắng nóng, cung cấp đủ lượng nước cho cơ thể, vừa giúp trẻ ăn, uống dễ dàng thuận lợi hơn.