Khi trẻ còi xương đã chán ngấy việc phải thường xuyên ăn trứng luộc hoặc trứng chiên thì mẹ hãy học cách nấu món cháo lòng đỏ trứng gà để bé ăn ngon miệng, giúp xương chắc khỏe.
- 7 món cháo chữa bệnh cận thị, người có thị lực kém nên thử một lần
- Cách nấu 4 món cháo cực bổ dưỡng cho bé ăn sáng ngon miệng
Đối với trẻ còi xương, mẹ cần bổ sung lượng canxi và vitamin D cho trẻ thông qua nhiều cách khác nhau, quan trọng nhất là chế độ dinh dưỡng phù hợp. Ở độ tuổi các bé, trứng gà là món yêu thích và dễ ăn. Lòng đỏ trứng gà chứa nhiều vitamin và khoáng chất rất cần thiết cho sự phát triển của trẻ. Mẹ có thể cho bé ăn trứng luộc, trứng chiên, đặc biệt là món cháo lòng đỏ trứng gà để chữa chứng còi xương.
Cách nấu cháo lòng đỏ trứng gà cho bé còi xương
Nguyên liệu:
- Lòng đỏ trứng gà: 2 cái
- Gạo ngon: 50gram
- Bột gia vị: vừa đủ
Cách nấu:
- Trứng gà luộc chín, bóc vỏ, bỏ lòng trắng, lấy lòng đỏ đem sấy khô rồi tán bột.
- Gạo rang vàng tán bột.
- Trộn đều hỗn hợp bột lòng đỏ trứng gà và gạo rang rồi cho vào nồi đổ nước vừa đủ đun sôi kỹ.
- Nêm nếm gia vị trong quá trình nấu cháo.
- Đợi cháo sôi kỹ thì tắt bếp.
Lưu ý: Mẹ dùng cháo lòng đỏ trứng gà cho trẻ ăn lúc đói 1 lần/ngày trong khoảng 20 – 30 ngày.
Trẻ ăn bao nhiêu trứng là hợp lý?
Trứng gà rất tốt đối với trẻ nhỏ nhưng mẹ cũng không nên cho bé ăn quá nhiều. Hàm lượng chất béo cao trong trứng dễ làm bé bị đầy bụng, khó tiêu, rối loạn tiêu hóa.
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, tùy theo độ tuổi mà lượng trứng gà trẻ nên ăn sẽ khác nhau. Cụ thể:
- Trẻ từ 6 – 7 tháng tuổi: Mỗi bữa chỉ nên ăn ½ lòng đỏ trứng gà; mỗi tuần ăn từ 2 – 3 lần.
- Trẻ từ 8 – 12 tháng tuổi: Mỗi bữa ăn 1 lòng đỏ trứng gà; mỗi tuần ăn từ 3 – 4 bữa.
- Trẻ từ 1 – 2 tuổi: Nên ăn từ 3 – 4 quả/tuần và ăn cả lòng trắng trứng.
- Trẻ từ 2 tuổi trở lên nếu thích ăn trứng gà, mẹ có thể cho ăn 1 quả/ngày.
Nguyên nhân bé mắc chứng còi xương
Còi xương là hiện tượng loạn dưỡng xương do cơ thể bị thiếu hụt vitamin D, ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa canxi và phốt pho. Bệnh còi xương thường gặp ở trẻ em dưới 3 tuổi.
Có nhiều nguyên nhân khiến trẻ bị còi xương: thiếu ánh sáng mặt trời, trẻ thiếu cân, sinh non, trẻ không được bú sữa mẹ… Bên cạnh đó, rất nhiều trẻ nặng cân hoặc thừa cân cũng có nguy cơ bị còi xương vì cơ thể bị thiếu vitamin D do ít được tiếp xúc với ánh nắng, chế độ dinh dưỡng không khoa học.
Trẻ bị còi xương lâu ngày sẽ gây ra những biến đổi bất thường ở xương như thóp rộng và lâu kín, lồng ngực biến dạng, xuất hiện bướu trán, dô ức gà, chân vòng kiềng…
Do đó, ngoài việc cho bé tắm nắng, mẹ cần tăng cường bổ sung vitamin D cho trẻ thông qua thực phẩm để khắc phục chứng còi xương.