Cách điều trị nổi mề đay, mẩn ngứa do dị ứng thời tiết ở trẻ em và người lớn

Chăm sóc con 13/09/2020 06:00

Thời tiết thay đổi đột ngột, hay thời điểm giao mùa từ nóng sang lạnh làm nhiều người bị nổi mề đay, ngứa ngáy khó chịu, đặc biệt là đối với những người cơ địa dị ứng. Cách điều trị hiệu quả bệnh dị ứng thời tiết ở người lớn, trẻ em như thế nào?

Dị ứng thời tiết là gì?

Dị ứng nổi mề đay thời tiết là bệnh có liên quan tới hệ miễn dịch của cơ thể phản ứng với các tác động từ bên ngoài môi trường, cụ thể là thời tiết thay đổi đột ngột.

Bệnh này phổ biến nhất ở trẻ em. Sự chuyển biến đột ngột từ nóng sang lạnh hoặc từ lạnh sang nóng gây ra những bất thường cho sức khoẻ của trẻ, khi mà các hệ thống trong cơ thể trẻ chưa được hoàn thiện một cách tốt nhất nên rất dễ bị tác động bởi các yếu tố nhiệt độ, độ ẩm,… khi thời tiết giao mùa.

Ngứa ngáy dữ dội – triệu chứng điển hình của dị ứng thời tiết

Các triệu chứng dị ứng xảy ra ở từng người không giống nhau nên khi phát hiện triệu chứng của bệnh, cần nhanh chóng tìm cách ứng phó để phòng tránh nguy cơ vùng dị ứng lan rộng.

Cách điều trị nổi mề đay, mẩn ngứa do dị ứng thời tiết ở trẻ em và người lớn - Ảnh 1

Dị ứng thời tiết có thể gây ngứa ngáy khắp người

Các chuyên gia da liễu cho biết, dấu hiệu dễ nhận thấy nhất khi bị dị ứng thời tiết là da nổi phát ban với các mẩn đỏ và ngứa. Ngứa rất dữ dội, càng gãi càng ngứa. Có khi gãi đến chảy cả máu vẫn không đỡ.

Da của người bệnh thường bị sẩn, phù, xuất hiện rất nhanh ở bất kỳ vùng da nào. Các nốt sẩn có màu hồng nhạt hoặc đỏ tía, sưng, phù nề, hình dạng có khi vòng tròn, có khi vệt dài hoặc hình ô van.

Ngứa xuất hiện ở bất kỳ vùng nào trên cơ thể, có khi một vùng, có khi nhiều vùng da, có khi chỉ rải rác một vài chỗ.

Trường hợp nguy hiểm khi bị dị ứng thời tiết là nổi mề đay cấp tính. Nếu mề đay nổi ở vùng mặt sẽ làm cho mắt, môi, tai sưng vếu. Ngoài ra, người bệnh có thể sẽ bị khó thở, tụt huyết áp nhanh và đột ngột, dị ứng trên khắp cơ thể.

Do đó, khi có dấu hiệu nổi mề đay cấp tính, người bệnh cần được nhanh chóng cấp cứu lập tức, tốt nhất là nên nhanh chóng đưa người bệnh đến cơ sở y tế nơi gần nhất trước khi quá muộn.

Những nguyên nhân phổ biến liên quan đến thời tiết gây dị ứng

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến nổi mề đay mẩn ngứa là do rối loạn hệ miễn nhiễm của cơ thể người bệnh như do thay đổi thời tiết đột ngột, chuyển mùa, mưa ẩm, gió lạnh, nắng nóng…

Cách điều trị nổi mề đay, mẩn ngứa do dị ứng thời tiết ở trẻ em và người lớn - Ảnh 2

Thời tiết thay đổi đột ngột gây dị ứng với triệu chứng mẩn ngứa, nổi mề đay

Không khí lạnh: Triệu chứng của hiện tượng dị ứng thời tiết do lạnh bắt đầu ngay sau khi da tiếp xúc đột ngột với nhiệt độ hay không khí hoặc nước lạnh. Tình trạng này có thể mang đến những triệu chứng ngứa ngáy, nổi mề đay, khó thở…

Ngày có mưa hoặc ẩm ướt: Độ ẩm có thể làm cho nấm mốc phát triển, cả ở trong nhà và ngoài trời. Mạt bụi cũng phát triển mạnh trong không khí ẩm. Từ đó làm tăng nguy cơ gây dị ứng.

Không khí nóng bức: Thời tiết nóng bức làm cơ thể tiết ra nhiều mồ hôi, bề mặt da luôn ở trong tình trạng ẩm ướt là một trong các nguyên nhân gây viêm nhiễm, sẩn ngứa.

Thời tiết khô hanh, nhiều gió: Gió thổi phấn hoa, bụi mốc, bụi mạt, lông động vật bay vào không khí và khi tiếp xúc với da gây ngứa ngáy, mẩn đỏ.

Điều trị dị ứng thời tiết thế nào?

Ngứa do thay đổi thời tiết chỉ điều trị khỏi từng đợt, chứ không thể chữa khỏi vĩnh viễn. Đối với một số bệnh nhân, khi thời tiết ấm lên, cơn ngứa cũng chấm dứt.

 

Tuy nhiên, nếu có dấu hiệu bị ngứa do thời tiết nên đi khám chuyên khoa để được chỉ định dùng thuốc. Bởi lẽ, nếu gãi nhiều sẽ gây xước xát da khiến nhiễm trùng, viêm da.

Cách điều trị nổi mề đay, mẩn ngứa do dị ứng thời tiết ở trẻ em và người lớn - Ảnh 3

Khi bị ngứa do dị ứng thời tiết không nên gãi nhiều vì sẽ gây nhiễm trùng da

Bên cạnh đó, người bị dị ứng thời tiết cũng có thể sử dụng mẹo nhỏ sau đây để ứng phó với những biểu hiện dị ứng đầu tiên.

Đó là cách dùng bột khoai tây thoa lên vùng da bị dị ứng khoảng 20 phút, nên làm đều đặn mỗi ngày 2 lần cho đến khi những biểu hiện của bệnh dị ứng tự rút lui.

Ngoài ra, người bị dị ứng cũng có thể pha chanh với 1 cốc nước ấm cùng một chút mật ong vào trong nước chanh, uống vào buổi sáng sớm khi thức dậy, uống đều đặn trong một vài tháng, cách làm này giúp cải thiện hệ thống miễn dịch trong cơ thể.

Nước hoa quả cũng được xem như một phương pháp chữa trị hiệu quả đối với chứng bệnh dị ứng. Bởi, thường xuyên uống nước ép hoa quả sẽ giúp tăng cường hệ miễn dịch, từ đó giúp cải thiện tình trạng dị ứng thời tiết.

Cách điều trị nổi mề đay, mẩn ngứa do dị ứng thời tiết ở trẻ em và người lớn - Ảnh 4

Thường xuyên uống nước hoa quả sẽ giúp phòng ngừa dị ứng thời tiết hiệu quả

Người bị dị ứng thời tiết cũng có thể dùng 1 - 2 chén trà xanh mỗi ngày thêm với chút mật ong. Cách này có tác dụng chữa trị khi bạn mắc dị ứng.

Và điều quan trọng là người có cơ địa dị ứng nên tránh các dị nguyên, không hút thuốc lá, thuốc lào, không dùng đồ uống có cồn, không tiếp xúc với khói bụi, phấn hoa…, bởi, đây là những yếu tố nguy cơ cho bệnh dị ứng khởi phát.

Học cách sống chung với dị ứng thời tiết

Dị ứng thời tiết xảy ra nhiều vào thời điểm giao mùa hoặc khi có sự thay đổi đột ngột nhiệt độ môi trường.

Không có phương cách nào để né tránh hiện tượng tự nhiên nhưng người bị dị ứng thời tiết có thể chung sống, làm việc dưới tác động của thời tiết và chủ động làm giảm các triệu chứng dị ứng xảy ra theo các cách dưới đây.

Cách điều trị nổi mề đay, mẩn ngứa do dị ứng thời tiết ở trẻ em và người lớn - Ảnh 5

Giữ ấm đầu mặt, chân tay trong mùa lạnh để phòng ngừa dị ứng thời tiết

Chú ý đến sự thay đổi của thời tiết: Nên tránh việc thay đổi nhiệt độ đột ngột hoặc liên tục. Vào mùa đông nên chủ động giữ ấm cơ thể, đặc biệt ở các vị trí đầu mặt, tai, bàn tay, bàn chân. Tránh tiếp xúc với không khí lạnh cũng như nước lạnh càng nhiều càng tốt.

Kiểm soát môi trường sống: Loại bỏ nấm mốc, phấn hoa, bụi, khói… tại nơi ở và nơi làm việc. Tránh tiếp xúc với vật nuôi. Tránh ăn đồ ăn dễ gây dị ứng như tôm, cua, hải sản…

Chuẩn bị đối phó với dị ứng: Người có cơ địa dị ứng nên chuẩn bị sẵn thuốc dị ứng, nhất là ở thời điểm giao mùa. Tuy nhiên, việc sử dụng loại thuốc nào cần tham vấn ý kiến bác sĩ da liễu.

Chẩn đoán và điều trị đúng: Khi bị dị ứng không nên đoán mò nguyên nhân, hãy tìm đến bác sĩ để được kiểm tra chính xác nguyên nhân gây nên các triệu chứng dị ứng.

Khi được chẩn đoán xác định, người bệnh có thể được hướng dẫn về những liệu pháp miễn dịch có thể phòng chống, giúp kiểm soát tình trạng dị ứng dưới ảnh hưởng của thời tiết hay theo mùa.

Viêm mũi dị ứng

Viêm mũi dị ứng là hiện tượng mũi bị viêm, sưng tấy do dị ứng với các tác nhân trong và ngoài cơ thể như bụi, khói, lông, tơ, thời tiết, nhiệt độ, độ ẩm, áp suất không khí...

Các dấu hiệu điển hình là bệnh nhân ngứa mũi, họng và mắt, hắt hơi thường xảy ra vào buổi sáng, giảm nhiều vào buổi trưa và buổi tối, chảy nước mũi trong, sau đó thì có màu vàng hoặc trắng đục do bị bội nhiễm, nghẹt mũi thường xảy ra sau một tràng hắt hơi và kèm theo một số triệu chứng phụ như nhức đầu, ho, đau họng và có thể sốt nhẹ.

Nếu bị viêm mũi dị ứng theo mùa bạn nên ở trong nhà, đóng các cửa sổ; Sử dụng máy lạnh thông khí, tránh sử dụng quạt vì nó có thể mang các dị nguyên bên ngoài vào; Tắm hoặc thay quần áo sau khi đi ra ngoài, tránh phơi quần áo ngoài trời.

Dị ứng mắt

Nhiều người cho rằng, da, mũi mới dễ bị dị ứng, chứ mắt do luôn có nước mắt “bảo vệ” nên khó nhiễm bệnh. Nhưng trong thực tế, mắt thuộc nhóm cơ quan có nguy cơ cao bị dị ứng do mắt thường xuyên tiếp xúc với môi trường. Do phần bên ngoài của mắt lại luôn ẩm ướt nên khả năng bám dính và kích ứng của các kích thích và dị nguyên sẽ tăng lên.

Nhờ có nước mắt, các dị nguyên có thể nhanh chóng bị rửa trôi, nhưng chỉ cần một thời gian rất ngắn, chúng cũng đã có thể gây ra các biểu hiện dị ứng tại mắt. Người ta chia dị ứng mắt thành nhiều dạng: viêm kết mạc dị ứng, viêm giác mạc, viêm bên trong nhãn cầu...

Khi bị dị ứng mắt, cách hay nhất là phải loại trừ nhanh chóng các dị nguyên ra khỏi mắt. Bệnh nhân không nên dùng tay dụi mắt vì sẽ kích thích tế bào mast cells làm bệnh tăng nặng thêm.

Bệnh nhân có thể rửa mắt bằng nước lạnh, nước muối sinh lý, nước mắt nhân tạo (nếu dùng nước mắt nhân tạo mà còn bị đau mắt thêm, hay đỏ mắt hơn, hay bị kích thích thì nên ngưng dùng).

Chườm lạnh cũng là phương pháp hữu hiệu để giảm phù mi, giảm ngứa và kích thích do làm co mạch và ổn định màng tế bào có chức năng miễn dịch. Để phòng dị ứng, bệnh nhân phải tránh tiếp xúc với những dị nguyên, chất kích thích nào có thể gây dị ứng cho mắt.

BS. Vũ Thu Dung

Ngủ không đủ giấc, gây hại: Muốn con khỏe mạnh, hãy quan tâm những điều này

Nếu bạn muốn con bạn khỏe mạnh về mặt tinh thần, hãy xem tiếp những điều dưới đây. Các nhà nghiên cứu cảnh báo ngủ không đủ giấc sẽ làm thay đổi sức khỏe tinh thần của trẻ.

TIN MỚI NHẤT