Trẻ bị quai bị có thể do virus và siêu vi trùng gây nên. Triệu chứng cơ bản khi trẻ bị bệnh là sưng đau tuyến mang tai, sốt, đau góc hàm. Trường hợp nghiêm trọng có thể dẫn đến viêm tinh hoàn ở bé trai và viêm buồng trứng ở bé gái.
- Giúp mẹ bình tâm, thổi bay lo lắng "con mắc quai bị chữa thế nào?"
- Những bài thuốc dân gian nổi tiếng trị bệnh viêm họng hạt cho trẻ em
Triệu chứng trẻ mắc bệnh quai bị
Quai bị (Mumps) là bệnh viêm tuyến mang tai do siêu vi và vi trùng gây nên. Đây là căn bệnh truyền nhiễm cấp tính lây lan chủ yếu qua đường hô hấp do nước bọt bị nhiễm trùng khi bệnh nhân nói chuyện, ho hoặc hắt hơi. Trẻ em trong độ tuổi từ 5 – 14 tuổi là đối tượng dễ mắc bệnh nhất.
Theo các bác sĩ, trẻ em mắc bệnh quai bị do siêu vi không phải đến bệnh viện điều trị. Bệnh phát từ 5 – 7 ngày sẽ khỏi. Trường hợp trẻ bị bệnh quai bị do vi trùng sẽ có dấu hiệu sốt cao, ói mửa, nhức đầu, bộ phận sinh dục sưng to.
Chia sẻ với Phụ nữ sức khỏe, Bác sĩ Trương Hữu Khanh – Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM cho biết biết bệnh quai bị ở trẻ nhỏ hay trẻ dậy thì mà không bị viêm tinh hoàn sẽ không ảnh hưởng gì đến việc sinh sản về sau.
Trường hợp nghiêm trọng, bệnh quai bị có thể dẫn đến các biến chứng như: Viêm màng não, viêm tinh hoàn, viêm buồng trứng. Bé trai bị viêm tinh hoàn sẽ có biểu hiện sốt cao, liên tục đau đầu và đau ở vùng bìu. Biến chứng viêm buồng trứng ở bé gái sẽ gây nên tình trạng đau bụng. Lúc này, trẻ cần được thăm khám kịp thời để ngăn ngừa những tác động xấu.
Chăm sóc trẻ mắc bệnh quai bị như thế nào?
Bác sĩ Trương Hữu Khanh lưu ý các bậc cha mẹ khi chăm sóc trẻ mắc bệnh quai bị tuyệt đối không đắp vôi, không bôi lung tung lên vùng sưng quai bị, không cần uống kháng sinh. Cha mẹ nên đứa trẻ đến gặp bác sĩ để xác định nguyên nhân và chữa trị kịp thời khi có nhiều biểu hiện bất thường.
Trong chế độ ăn uống hàng ngày, cần tăng cường cho trẻ uống nhiều nước, ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu hóa (cháo loãng, canh trứng...) để cơ thể dễ dàng hấp thu chất dinh dưỡng.
Bác sĩ Khanh khuyến cáo các bậc cha mẹ nên hạn chế trẻ chạy nhảy và không nên ăn các thức ăn chua, cay hoặc thức ăn có chất kích thích. Những loại thực phẩm này đều khiến tuyến nước bọt tiết ra nhiều hơn làm vùng quai bị sưng to dẫn đến biến chứng nguy hiểm.
Phòng ngừa bệnh quai bị cho trẻ
Để phòng bệnh quai bị, cha mẹ nên cho trẻ đi tiêm vắc xin đầy đủ. Tiêm phòng sẽ giúp cơ thể sản sinh kháng thể chống lại virus gây bệnh quai bị. Theo các bác sĩ, kháng thể sẽ đạt mức độ cao nhất sau khi tiêm phòng 6 – 7 lần. Cha mẹ có thể bắt đầu tiêm phòng quai bị cho trẻ từ 9 hoặc 12 tháng tuổi.
Nếu trẻ đã tiếp xúc với người bị bệnh quai bị nhưng chưa bị mắc quai bị và chưa được tiêm phòng thì nên tiêm cấp tốc trong vòng 12 tháng. Các bác sĩ cho biết cách tốt nhất là kết hợp việc tiêm phòng và cách ly trẻ với bệnh nhân mắc bệnh quai bị. Vì trên thực tế, việc tiêm phòng chỉ ngừa bệnh quai bị khoảng 80%.