Cho cháu ăn nhiều bánh kẹo, xem TV cả ngày, mua cho cháu nhiều đồ chơi... là những sai lầm mà hầu như ông bà nào cũng mắc phải.
- Bố mẹ cần làm gì khi phát hiện con dậy thì sớm?
- Bổ sung cho con ngay chất này nếu không muốn con giảm 10% trí thông minh
Được ông bà trông con giúp có lẽ là điều may mắn và hạnh phúc nhất của các bố mẹ. Bởi cho dù có bận rộn công việc như thế nào đi nữa, thì các ông bố bà mẹ vẫn yên tâm con mình được chăm sóc chu đáo từ miếng ăn giấc ngủ.
Tình yêu thương của ông bà dành cho cháu là điều không có gì có thể phủ nhận. Song, theo các nhà nghiên cứu, trong quá trình chăm cháu, ông bà vẫn mắc phải một số lỗi làm ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí là tương lai của đứa trẻ. Cụ thể là những sai lầm dưới đây:
1. Mua cho cháu nhiều đồ chơi
Trong khi bố mẹ dạy trẻ cách quản lý tài chính, chi tiêu tiết kiệm và chỉ được mua những thứ thật sự cần thiết, thì khi ở với ông bà, quy tắc này bị phá vỡ. Ông bà sẽ mua cho cháu tất cả những món đồ chơi mà cháu thích.
Chính vì điều này, trẻ sẽ dần dần trở nên bất mãn mỗi khi đòi bố mẹ mua đồ chơi mà không được. Và con sẽ chọn cách quay sang nịnh nọt ông bà để ông bà mua cho mình.
2. Cho cháu ăn bánh kẹo thoải mái
Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ khuyến cáo trẻ em từ 2 đến 18 tuổi nên ăn hoặc uống ít hơn 6 muỗng cà phê đường mỗi ngày. Vì vậy, nhiệm vụ của cha mẹ là đảm bảo cho con có một chế độ ăn lành mạnh mỗi ngày.
Nhưng khi trẻ ở với ông bà thì sao? Ông bà vẫn lén lút cho cháu ăn bánh kẹo thoải mái, nhất là khi không có mặt bố mẹ. Đúng là điều này khiến cho trẻ rất vui vẻ, nhưng nó lại mang đến hậu quả lớn về sức khỏe. Đó là con sẽ bị sâu răng và béo phì.
3. Không cho cháu đi ngủ đúng giờ
Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP) khuyên các cha mẹ nên cho trẻ dưới 5 tuổi ngủ từ 10 – 16 tiếng/ ngày (bao gồm cả ngủ trưa), và trẻ từ 6 -18 tuổi nên ngủ đủ 8 – 12 tiếng/ ngày để đảm bảo sức khỏe. Vì thiếu ngủ sẽ dẫn đến các bệnh nghiêm trọng như não chậm phát triển hoặc nguy cơ mắc tiểu đường cao. Mặc dù đã được con lưu ý về giờ giấc ngủ nghỉ của cháu, nhưng vì không muốn cháu buồn, nên hầu như ngày nào ông bà cũng không ép cháu ngủ trưa hoặc cho cháu thức khuya hơn giờ đi ngủ.
4. Cho cháu xem thiết bị điện tử cả ngày
Hiện nay, TV, điện thoại thông minh rất phổ biến và hầu như nhà ai cũng đều có những thiết bị điện tử này. Dù đã được các con khuyến cáo là không nên cho cháu xem TV hay điện thoại, nhưng một phần vì dỗ cháu, một phần vì chiều cháu mà các ông bà thường cho cháu xem cả ngày.
Trong khi đó, một nghiên cứu của Tiến sĩ Augusto Cesar de Moraes, công tác tại Trường Đại học Sao Paulo (Brazil), cho thấy trẻ em từ 2 – 10 tuổi nếu xem TV, điện thoại hơn 2 giờ/ngày sẽ có nguy cơ bị cao huyết áp cao hơn so với những đứa trẻ không xem.
5. Khen ngợi cháu liên tục
Một nghiên cứu của Phó Giáo sư Nhi khoa Harolyn M.E Belcher, công tác tại Trường Y khoa Johns Hopkins (Hoa Kỳ), cho thấy việc khen ngợi trẻ quá nhiều sẽ làm cho con thiếu động lực phấn đấu.
Thật ra, mục đích của ông bà khi khen cháu là chỉ muốn cháu chú ý vào việc làm tốt của mình và cứ thế tiếp tục phát huy. Nhưng sự khích lệ này có thể sẽ hủy hoại khả năng tiến lên phía trước của trẻ, bởi con sợ nếu vượt ra khỏi ranh giới, con bị thất bại sẽ không được ông bà khen, thậm chí là chê cười.
6. Can thiệp vào chuyện nuôi con của bố mẹ
Tiến sĩ Thomas G. Power, làm việc tại Khoa Phát triển Con người, Đại học Bang Washington (Mỹ) nói rằng trẻ em rất dễ rơi vào trạng thái hoang mang khi các quy định trong gia đình không được mọi người tuân thủ một cách nghiêm ngặt. Nghĩa là khi bố mẹ nói con phải làm như thế này, nhưng ông bà lại phá vỡ quy tắc đó bằng cách cho phép cháu làm ngược lại.
Từ đó, trẻ bị bối rối vì không biết nên nghe theo bố mẹ hay ông bà. Và thường thì cái nào có lợi hơn thì trẻ chọn làm theo cái đó.