Tình trạng sinh non ngày càng tăng, trung bình cả nước, tỷ lệ sinh non khoảng 7%, mỗi năm có khoảng 100-110 nghìn trẻ sinh non ra đời.
- Sai lầm của cha mẹ khiến con mắc bệnh sởi trầm trọng
- Con ốm bám mẹ cả ngày, bà mẹ đã tình cờ tìm ra được chiêu dỗ con nín khóc đơn giản đến không ngờ
Theo TS Lê Minh Trác, Giám đốc Trung tâm Chăm sóc và Điều trị sơ sinh (Bệnh viện Phụ sản Trung ương), hàng năm, Trung tâm tiếp nhận, điều trị cho khoảng 25.000-26.000 ca sơ sinh, trong đó, số ca sơ sinh non tháng, nhẹ cân khoảng 4.000 ca.
Điều đặc biệt là 30% trong số này nặng chỉ dưới 1,5kg, tuổi thai dưới 30 tuần. PGS.TS Trần Danh Cường, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho hay, tại Trung tâm Chăm sóc và Điều trị sơ sinh thường xuyên có khoảng 400 trẻ, trong đó nhiều trẻ là sơ sinh non tháng, cân nặng chỉ 500-600gr.
“Sinh non là thảm hoạ của thế giới, là thách thức lớn của ngành sản khoa”, PGS Cường nói và cho rằng, chăm sóc trẻ sơ sinh rất tốn kém, vất vả không chỉ về tiền bạc mà còn con người... Nhưng nếu được chăm sóc, nuôi dưỡng đúng cách, trẻ sinh non sẽ phát triển bình thường như bao đứa trẻ khác.
Đơn cử, năm 2010, Trung tâm đã nuôi dưỡng đứa trẻ sinh non nhẹ cân nhất (500gr). Đến nay, em bé Hải Dương này đã đi học, phát triển bình thường. Tương tự, năm 2015, Bệnh viện nuôi dưỡng cặp song sinh thụ tinh trong ống nghiệm có tuổi thai thấp nhất Việt Nam (24 tuần), cân nặng lần lượt 500-600gr. Hiện hai bé đang phát triển bình thường về thể chất, tinh thần tại Thái Bình.
TS Lê Minh Trác cho hay, hiện theo các tài liệu báo cáo chung cả nước, tình trạng sinh non ngày càng tăng. Trung bình cả nước, tỷ lệ sinh non khoảng 7%, mỗi năm có khoảng 100.000-110.000 trẻ sinh non ra đời.
Theo PGS.TS Trần Danh Cường, có nhiều yếu tố nguy cơ gây đẻ non, trong đó có nguyên nhân nguy cơ từ phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm, mẹ thường mang đa thai và sinh non tháng.
Còn theo TS Trác, những người mẹ vất vả, lao động nhiều trong tư thế đứng, căng thẳng thần kinh, khó khăn... thường có nguy cơ sinh non. Nhưng đa số không rõ nguyên nhân vì sao lại sinh non.
Một đứa trẻ sinh non chào đời sẽ đối mặt với nhiều nguy cơ: Suy hô hấp, viêm ruột hoại tử, thiếu máu, vàng da, mù loà, điếc, bại não, chậm phát triển tâm thần vận động... Do đó, chăm sóc trẻ cần phải giải quyết toàn bộ yếu tố nguy cơ, chống suy hô hấp, chống nhiễm trùng, dinh dưỡng đầy đủ, phục hồi chức năng bằng massge, lời ru yêu thương, gần gũi của gia đình... Với trẻ sinh non, dinh dưỡng là vấn đề lớn, vì trẻ không ăn được sau sinh, mà phải nuôi ăn bằng tĩnh mạch, tập ăn dần.
“Có những trẻ sinh non dưới 1kg, lúc mới sinh chỉ ăn 10-20ml/bữa, dần tăng lên khi trẻ có khả năng bú, nuốt, tiêu hoá, tự thở... Khi trẻ ra viện, gia đình phải đảm bảo sạch sẽ cho cả mẹ và bé trong sinh hoạt, phòng ốc, không nên thăm hỏi nhiều cho bé, tiêm chủng đúng lịch, khám định kỳ, không tự ý dùng thuốc...”, TS Trác nói.
Nói về những sai lầm của các gia đình khi sinh con non tháng, TS Trác cho hay, nhiều bà mẹ khi bế con từ viện về đóng cửa phòng kín mít, không một khe thoáng nào, khiến môi trường trong phòng ô nhiễm. Thêm vào đó, thấy cháu sinh non tháng, nhiều người vào thăm nom, ôm hôn cháu... cũng dễ khiến môi trường ô nhiễm, bé dễ bị nhiễm bệnh.
Không ít bà mẹ nghĩ, con sinh non tháng yếu ớt nên từ chối cho con tiêm chủng vaccine. Đây là sai lầm lớn của các bà mẹ. TS Trác khẳng định, việc đưa trẻ đi tiêm phòng đúng hạn là quyền được bảo vệ sức khoẻ của trẻ, và chỉ có bác sĩ mới chỉ định được bé có đủ điều kiện sức khoẻ để tiêm hay không, không phụ thuộc vào ý chí cá nhân của bố mẹ.