Bổ sung vitamin D là điều vô cùng cần thiết đối với trẻ nhỏ và cả người lớn. Tuy nhiên, mẹ cần cân nhắc trước khi quyết định bổ sung vitamin D cho con trẻ.
- Cách chăm sóc trẻ bị bệnh sởi tại nhà tránh biến chứng nguy hiểm
- Bật đèn khi đi ngủ, bé gái dậy thì sớm, tăng 10cm trong 1 năm
Lý do trẻ cần được bổ sung vitamin D
Vitamin D rất quan trọng cho sự phát triển của trẻ đặc biệt là trẻ sơ sinh, thiếu Vitamin D có thể dẩn đến khả năng hấp thụ dinh dưỡng kém, còi xương, suy dinh dưỡng.
Vitamin D giúp tăng cường hệ miễn dịch và giúp cơ thể chống lại các căn bệnh nhiễm trùng hay bệnh mãn tính. Bổ sung vitamin D đúng liều lượng còn giúp bộ não hoạt động tốt hơn, làm cho quá trình trao đổi chất trong cơ thể diễn ra mạnh mẽ hơn và giúp giữ cân nặng ở mức hợp lý.
Bổ sung vitamin D cho trẻ bao nhiêu là đủ?
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, với trẻ sơ sinh dưới 12 tháng, nếu bú mẹ hoàn toàn cần được bổ sung 400 IU mỗi ngày, do sữa mẹ không đủ lượng Vitamin D cần thiết cho trẻ. Cha mẹ cần bổ sung cho tới khi trẻ có chế độ ăn cung cấp đủ nhu cầu vitamin D.
Nếu trẻ uống sữa công thức và uống đủ lượng sữa được khuyến nghị cho độ tuổi của mình, không cần thiết phải bổ sung vitamin D vì thành phần của sữa công thức đã đảm bảo lượng vitamin D hàng ngày. Nếu trẻ không uống đủ sữa như hướng dẫn, trẻ vẫn cần được bổ sung vitamin D.
Còn theo khuyến cáo của Học viện Nhi Khoa Hoa Kỳ, đối với trẻ bú mẹ và trẻ bú sữa công thức nhưng ngày uống dưới 1lít thì cần bổ sung 400UI/ ngày, ngay từ lúc mới sinh.
Bên cạnh đó, cha mẹ có thể bổ sung vitamin D cho trẻ dưới hình thức tắm nắng. Tốt nhất cha mẹ nên cho trẻ tắm nắng từ 7-9 giờ sáng và sau 5 giờ chiều, thời điểm mà các tia cực tím yếu nhất. Mỗi lần, mẹ cho trẻ tắm nắng từ 10 đến 30 phút và mỗi đơt kéo dài 10 ngày. Đây là cách đơn giản nhất để thúc đẩy quá trình sản sinh vitamin D trong cơ thể.
Một điều cần lưu ý đối với các bậc cha mẹ, đó là không được tùy tiện bổ sung vitamin D cho trẻ. Trẻ có thể ngộ độc vitamin D nếu cha mẹ tự ý cho con uống vitamin D liều cao trong một thời gian dài mà không có chỉ dẫn của thầy thuốc. Những biểu hiện cụ thể đó là trẻ chán ăn, sụt cân, tiểu nhiều, loạn nhịp tim. Nặng hơn, calci đọng ở mạch máu, tim, thận và làm vôi hóa những nơi này.