Chơi trò chơi cũng là một cách đơn giản để cha mẹ thêm gần gũi và thấu hiểu con cái hơn, đặc biệt là từ khi trẻ còn nhỏ. Chỉ thông qua những trò chơi này, bố mẹ đã giúp bé có được trí thông minh của thần đồng rồi đấy!
- Chuyên gia liệt kê dấu hiệu dễ nhận biết trẻ chậm nói so với cột mốc tuổi
- 6 cách dạy trẻ chậm nói nhanh bắt kịp bạn bè
Trò chơi lái ô tô
Đặt trẻ ngồi trên đùi bố hoặc mẹ, sau đó bố (mẹ) sẽ làm động tác lắc lư, đung đưa để tạo cảm giác như xe ô tô đang di chuyển. Chiếc xe có lúc lên xuống dốc, có lúc chòng chành ngả nghiêng rồi lắc phải lắc phải, có khi còn phanh gấp sẽ khiến trẻ vô cùng thích thú. Xe cứ đi cứ đi, đột nhiên khựng lại, hóa ra là gặp chút vấn đề, cần con xuống sửa sang lại 1 chút rồi mới đi tiếp được. Trò chơi đơn giản này cũng rất phù hợp với trẻ từ 1-6 tuổi.
Trò chơi chèo thuyền trên cạn
Đây là một trò chơi rất quen thuộc phù hợp với trẻ từ 0-6 tuổi và có thể cho nhiều bé chơi cùng lúc. Các bé sẽ ngồi thành hàng dọc, bạn đằng sau gác 2 chân lên đùi bạn ngồi trước rồi làm động tác tay mô phỏng chèo thuyền, cơ thể cùng lắc lư về 1 hướng.
Khi chơi cùng bố mẹ, trò chơi này sẽ có phương thức khác là để trẻ ngồi trên đùi bố/mẹ sau đó bố/mẹ sẽ từ từ di chuyển trên sàn bằng tay hoặc có thể chỉ cần lắc lư người, cách chơi này phù hợp với trẻ nhỏ.
Phương thức thứ 3 là bố/mẹ ngồi đối diện với con, 2 người cầm tay nhau giống như trò kéo cưa lừa xẻ rồi sau đó mô phỏng dáng chèo thuyền khi gặp gió to, sóng lớn hay đá ngầm… để tăng thêm phần thú vị. Cách chơi này sẽ phù hợp với trẻ có độ tuổi lớn một chút.
Trẻ mới vài tháng tuổi chưa thể chịu tác động mạnh nên những trò chơi gần gũi, nhẹ nhàng thế này rất phù hợp với các bé vì chúng không làm bé mất nhiều sức mà ông bà, bố mẹ đều có thể cùng bé chơi đùa.
Trò chơi người máy
Trò chơi này vô cùng đơn giản, chỉ cần cho bé đứng lên 2 bàn chân của người lớn, miệng vừa hô khẩu lệnh vừa cùng nhau tiến về phía trước. Có thể coi cúc áo hoặc mũi của bé là công tắc người máy, ấn 1 phát là người máy di chuyển, ấn lần nữa người máy sẽ dừng lại.
“Bố ấn công tắc thì người máy bắt đầu di chuyển nhé!”.
Khi chơi với trẻ nhỏ, bố/mẹ có thể đỡ 2 tay dưới nách trẻ còn nếu trẻ đã lớn 1 chút, chúng ta chỉ cần kéo nhẹ tay bé là được. Để trò chơi thêm phần thú vị, chúng ta có thể cố ý đặt vài chiếc gối trên đường đi coi như chướng ngại vật thử thách “người máy”.
Trò chơi này phù hợp với trẻ từ 1 tuổi trở lên, sau khi chơi qua vài lần, trẻ sẽ có thói quen chủ động đứng lên chân bạn ngay khi muốn bắt đầu trò chơi.
Dạy con tập phát âm nhờ việc mô phỏng
Từ ba tháng tuổi, bé nhà bạn sẽ rất thích thú với việc đưa tay lên miệng người lớn, chạm vào môi, lưỡi, hay răng bạn. Đó là một cơ hội tốt để cha mẹ chỉ cho con cách phát âm chữ cái, từ ngữ. Lời khuyên là bạn hãy tìm một chỗ nghỉ ngơi thật thoải mái, thư giãn (như giường, hoặc ghế dài), đặt con trong lòng và để con tự chạm tay vào miệng bạn khi bạn nói, hoặc hát những câu hát đơn giản.
Chơi trò “đoán đồ vật” với con
Mẹ hãy lấy một con thú bông, giấu trong một cái túi và đố con đoán vật. Mẹ cũng đừng để con đoán mò đơn thuần, hãy cổ vũ, kích thích bé đưa ra câu trả lời bằng những gợi ý: “Đây có thể là gì nhỉ? Nó mềm lắm!”. Khi bé còn đang suy nghĩ, mẹ hãy bất ngờ tiết lộ đồ vật bị giấu: “Đây rồi! Là một con thỏ bông!”. Việc làm đó sẽ giúp tăng khả năng ghép nối những ý nghĩ tách biệt của bé.
Ngoài ra, hai kỹ năng quan trọng hơn nữa mà bé sẽ học được thông qua trò chơi này là: nhìn vào vật mà người khác đang chỉ và chỉ vào vật để làm người khác chú ý – đây là một cột mốc quan trọng đánh dấu sự phát triển khả năng nhận thức của bé.
Hãy để các bé tự do chơi
Mọi đồ vật đều có khả năng giúp bé phát triển nhận thức. Từ 6 tháng tuổi trở đi, cha mẹ hãy để trẻ chơi tự do (với cả đồ vật cứng và đồ vật mềm) trên nhiều bề mặt khác nhau (trên nền nhà, trên giường đệm). Các bé sẽ nhanh chóng nhận ra rằng tiếng động lớn nhất phát ra khi đập một vật cứng lên một bề mặt cứng (khi bé đập đi đập lại chúng). Vì vậy, chỉ cần thấy đó là thứ an toàn với con trẻ, thì cha mẹ đừng cản con gõ đồ vật xuống sàn nhà, mặt bàn. Đấy chính là lúc con bạn đang tìm hiểu và học hỏi thế giới.
Cùng bé cảm nhận đồ vật
Mọi thứ đều rất khác nhau nhau, từ cấu trúc, chất liệu, hình dạng hay cân nặng. Mẹ hãy để bé sờ tay vào chúng, đồng thời miêu tả cho bé nghe về đồ vật mà bé đang được chạm tay vào. Mẹ sẽ giúp bé sớm phân biệt được đồ vật nhờ vào phương pháp đó.
Tạo điều kiện cho bé học hỏi
Khi bé nghe thấy những âm thanh phát ra lúc anh chị bé chơi điện thoại, bé sẽ mong muốn được làm như vậy. Vì thế cha mẹ hãy tạo điều kiện cho bé chơi, nhưng không phải bằng cách hy sinh chiếc điện thoại cảm ứng đời mới của bạn. Thay vào đó, mẹ hãy đưa bé một chiếc điện thoại cũ để bé có thế bấm thỏa thích và nên nhớ đừng để chế độ im lặng nhé.
Hãy dành thời gian cùng con chơi những trò này ngay bố mẹ nhé!