Hầu hết trẻ nhỏ đều có thói quen cậy mũi, ngoáy mũi, nhất là trong điều kiện thời tiết hanh khô như hiện nay. Tác hại của thói quen tưởng chừng như chỉ gây mất vệ sinh nhẹ này hóa ra lại nghiêm trọng hơn nhiều so với hình dung, nó liên quan đến bệnh viêm phổi ở trẻ.
- Tiêm chủng không đúng lịch ảnh hưởng thế nào đối với trẻ
- Những tác hại mẹ chưa lường trước khi cho con trên 1 tuổi bú bình
Ngoáy mũi, cậy mũi là một trong những thói quen xấu thường thấy ở trẻ nhỏ. Giờ đây, có một lý do rất chính đáng để bạn giúp con từ bỏ thói quen này. Một nghiên cứu mới do các nhà khoa học Anh tiến hành phát hiện thấy, nhiễm trùng do ngoáy mũi, cậy mũi hoàn toàn có thể xảy ra và kết cục xấu nhất là dẫn tới bệnh viêm phổi.
Phế cầu khuẩn có thể lây nhiễm trực tiếp từ bàn tay đến mũi
Vi khuẩn có tên phế cầu khuẩn (pneumococcus) có thể khiến con người bị viêm phổi. Căn bệnh hô hấp này tác động tới phổi, có thể để lại hậu quả chết người nếu không được điều trị thích hợp. Chúng ta đều biết rằng phế cầu khuẩn thường phát tán qua không khí, từ những giọt nước mũi khi bệnh nhân ho hay hắt hơi.
Vào ngày 11/10 vừa qua, các nhà nghiên cứu tại Anh đã xác định được rằng, phế cầu khuẩn có thể lây nhiễm trực tiếp từ bàn tay đến mũi. Kết quả nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí European Respiratory Journal.
Người trưởng thành tình nguyện tham gia một trong số các thử nghiệm thuộc nghiên cứu trên đã được truyền vi khuẩn vào bàn tay. Sau đó, họ được yêu cầu chọn 1 trong 4 hành động sau: "hít ướt", "hít khô", "ngoáy mũi khô", "ngoáy mũi ướt". Những hành động này được lập trình nhằm mô phỏng cách mọi người thường chạm hoặc ngoáy sâu vào mũi.
Bác sĩ Victoria Connor, đến từ Bệnh viện Hoàng gia Liverpool, nhận xét rằng, nghiên cứu trên đã mô phỏng khả năng "bàn tay cũng có thể lây truyền phế cầu khuẩn". Cô cũng khẳng định, "những vật dụng như điện thoại di động hay đồ chơi của trẻ" có thể giúp vi khuẩn này phát tán xa hơn.
Giữ vệ sinh là chìa khóa để ngăn chặn tình trạng nhiễm trùng do ngoáy mũi, cậy mũi
Viêm phổi cướp đi mạng sống của 1,3 triệu trẻ sơ sinh dưới 5 tuổi trên toàn thế giới. Do đó, mặc dù nghiên cứu trên chỉ thực hiện với sự tham gia của đối tượng là người trưởng thành, bác sĩ Connor lưu ý rằng, thông điệp rút ra từ đây nên được hiểu là hướng tới phụ huynh có con nhỏ.
Theo tiết lộ của một bác sĩ, thời tiết lạnh có thể khiến vi khuẩn sống lâu hơn. Bác sĩ Connor cũng bổ sung rằng, việc ngăn chặn trẻ bỏ hẳn thói quen ngoáy, chạm hay cậy mũi trên thực tế là bất khả thi. Nhưng cha mẹ nên đặc biệt hướng dẫn trẻ cách giữ vệ sinh.
"Đảm bảo trẻ giữ vệ sinh bàn tay thật tốt và lau rửa đồ chơi hay các bề mặt thường xuyên sẽ giúp giảm khả năng lan truyền của vi khuẩn, từ đó, giảm nguy cơ mắc bệnh nhiễm trùng do phế cầu khuẩn, ví dụ bệnh viêm phổi", bác sĩ Connor nhấn mạnh.
Tại sao việc giữ vệ sinh lại quan trọng? Theo các nhà nghiên cứu, vấn đề không nằm ở chỗ người tham gia được truyền cho vi khuẩn khô hay ướt lên bàn tay. Cả hai nhóm đều có chung nguy cơ nhiễm khuẩn trong mũi.
Tuy nhiên, có nhiều vi khuẩn được phát tán hơn khi người tham gia nghiên cứu chọn cách hành động "hít ướt" và "ngoáy mũi ướt". Như vậy, có thể thấy, việc làm khô tay có thể giúp loại bỏ vi khuẩn trước khi nó gây bệnh.
Bí quyết giúp trẻ bỏ thói quen ngoáy mũi, cậy mũi
Nếu con bạn hay ngoáy, cậy mũi, đừng vội lo lắng hay trách mắng trẻ. Thay vào đó, tìm hiểu để phát hiện ra thủ phạm tạo gỉ mũi – là các dịch nhày cứng lại. Nó có thể là yếu tố dị ứng hoặc do thời tiết khô hanh. Nếu bạn xác định một trong hai nguyên nhân này, hãy tham khảo ý kiến của chuyên gia y tế để có cách xử lý phù hợp.
Ngoài ra, còn có một số cách khác để giúp con từ bỏ thói quen ngoáy mũi, cậy mũi. Cha mẹ có thể:
- Nhắc trẻ rằng đó là hành vi không đẹp, không thích hợp về mặt xã hội. Nói với con rằng mọi người không muốn nhìn người khác ngoáy, cậy mũi ở nơi công cộng. Những hành động này chỉ nên được thực hiện ở nơi riêng tư, như ở nhà hay trong phòng vệ sinh.
- Giải thích cho rằng lý do tại sao đây là hành vi không được xã hội chấp nhận và cho phép trẻ tự do xử lý thói quen của mình theo cách "người trưởng thành". Hãy nhớ luôn hướng sự tập trung của bạn vào trẻ, chứ không phải vào thói quen. Thói quen có thể xấu, nhưng trẻ thì không.
- Quan sát khi nào trẻ thường ngoáy mũi, cậy mũi. Sau đó, khiến trẻ xao nhãng vào lần tới trẻ làm vậy. Ngoài ra, cũng có ích nếu bạn nhắc trẻ xì mũi bằng khăn giấy thay vì thò tay ngoáy mũi.
Các phụ huynh lưu ý, trẻ nhỏ không làm đúng mọi việc ngay từ lần đầu. Rất có thể bạn phải nhắc đi nhắc lại và kiên trì giúp trẻ cho tới khi con bạn bỏ hẳn thói quen ngoáy mũi, cậy mũi.