Để chữa tật nói ngọng cho trẻ ở độ tuổi mầm non, các bậc cha mẹ cần hết sức kiên trì, nhẫn nại và kết hợp nhiều cách đơn giản nhưng lại cực kỳ hiệu quả.
- Những loại trái cây lý tưởng cho trẻ 5 tháng tuổi bắt đầu hành trình ăn dặm
- Học mẹ thần đồng Đỗ Nhật Nam cách cho bé nghe nhạc từ trong bụng mẹ để con sinh ra thông minh hơn người
“Con chúc mẹ đi nàm vui vẽ!”, “Bố ơi! Con châu đang kéo cày kìa!”… là những câu nói ngọng líu ngọng lịu của trẻ thời kỳ mới bắt đầu tập nói. Các bậc cha mẹ thường tỏ ra nôn nóng khi sửa mãi vẫn không được. Muốn trẻ phát âm chuẩn xác, cha mẹ nên tham khảo những phương pháp chữa tật nói ngọng cho con sau đây.
Nguyên nhân khiến trẻ bị tật nói ngọng
- Cách phát âm của cha mẹ, người thân trong gia đình ảnh hưởng rất lớn đến trẻ. Nếu người trong nhà nói ngọng, trẻ sẽ bắt chước theo cách phát âm này. Lâu ngày không được chỉnh sửa, trẻ sẽ nói quen miệng.
- Trẻ chơi game, xem ti vi quá nhiều dẫn đến kênh học ngôn ngữ của trẻ không qua nghe – nói mà qua nhìn – nói khiến khả năng phát âm hạn chế. Ở những trẻ này, ngoài chứng nói ngọng trẻ còn mắc chứng dễ cáu giận.
- Trẻ tự nói theo ý mình để truyền đạt cho người khác theo suy nghĩ riêng.
- Trẻ nhút nhát: Ban đầu bi bô tập nói, trẻ nói ngọng một số từ khiến mọi người chê cười. Lâu dần, trẻ ngày càng rụt rè và tật nói ngọng vẫn không được cải thiện.
- Răng một số trẻ mọc lệch lạc, có nhiều khe hở hoặc mắc một số bệnh về đường hô hấp khiến lưỡi trẻ hay thè ra dẫn đến nói ngọng.
Cách chữa tật nói ngọng cho trẻ
1. “Sàng lọc” đối tượng tiếp xúc với trẻ
Môi trường giao tiếp xung quanh tác động không nhỏ đến cách phát âm và sự hình thành tư duy ngôn ngữ ở trẻ. Vì thế, cha mẹ nên biết cách “sàng lọc”, hạn chế để con tiếp xúc với những người phát âm chưa chuẩn.
2. Giúp trẻ bỏ thói quen xấu
Các hoạt động mút tay, cho tay vào miệng, ngoáy mũi… cũng là một trong những nguyên nhân làm trẻ nói ngọng. Do đó, cha mẹ cần quan sát và nhắc nhở con mọi lúc, mọi nơi khi con có những hành động này. Lúc này, cha mẹ nên đánh lạc hướng con bằng những trò chơi thú vị khác.
3. Cho trẻ luyện tập cơ miệng điều độ
Rất nhiều trẻ nói ngọng và không phân biệt được cách phát âm một số từ có chứa các âm tiết: “l” và “n”; “tr” và “ch”; “s” và “x” hoặc dấu hỏi và dấu ngã. Vì vậy, bạn nên cho trẻ luyện tập cơ miệng thường xuyên vào một khung giờ cố định để tạo thói quen tốt. Mẹ hãy yêu cầu con há miệng to và phát âm từng âm tiết một cho tròn vành rõ chữ.
4. Để trẻ nhận thức được mình phát âm sai
Thông thường, trẻ nói ngọng không biết mình nói sai. Vì vậy, ba mẹ nên thu âm lại lời nói của trẻ rồi cho con nghe lại. Từ đó, trẻ sẽ biết mình phát âm sai và nghe theo sự hướng dẫn của cha mẹ để chữa tật nói ngọng.
5. Để trẻ tập nói trước gương
Cha mẹ và trẻ cùng đứng trước gương và phát âm to rõ. Phụ huynh sẽ phát âm thật chậm, rõ ràng những từ, cụm từ trẻ vẫn thường hay nói ngọng rồi khích lệ trẻ làm theo. Nhìn vào gương và học theo cách phát âm của cha mẹ, trẻ sẽ sớm hết tật nói ngọng.
6. Khuyến khích trẻ mạnh dạn giao tiếp
Không chỉ tập cho con phát âm, nói chuyện với người nhà, mẹ nên khuyến khích con giao tiếp với mọi người xung quanh. Để thực hiện tốt điều này, mẹ nên tạo không gian giao tiếp cho trẻ. Mẹ có thể đưa trẻ đến công viên, nhà thiếu nhi… hoặc những nơi nhiều trẻ nhỏ. Tuy nhiên, mẹ nên chú ý tránh cho bé tiếp xúc với những người nói ngọng để bé không học theo cách phát âm này.
7. Kể chuyện, hát, đọc thơ cho trẻ
Thường xuyên kể chuyện, tập hát và dạy trẻ đọc thơ sẽ giúp con chữa tật nói ngọng một cách hiệu quả. Cách này không chỉ giúp cải thiện khả năng phát âm mà còn giúp trẻ làm giàu thêm vốn từ, cải thiện tư duy ngôn ngữ.
8. Không nhại, chê bai trẻ
Nhiều người lớn vẫn thường nhại theo hoặc trêu đùa khi trẻ nói ngọng. Hành động này khiến trẻ lầm tưởng làm như vậy người khác sẽ vui nên càng nói ngọng nhiều hơn. Một số trẻ lại tự ti, trở nên khép kín khi bị người khác trêu chọc.
Chúc các bậc cha mẹ thành công trong việc chữa tật nói ngọng cho trẻ khi áp dụng những phương pháp trên!