Tiêu chảy cấp là bệnh thường gặp nhất ở trẻ em dưới 2 tuổi dẫn đến tình trạng mất nước và rối loạn chất khoáng rất nhanh. Vậy trẻ bị bệnh tiêu chảy cấp có nguy hiểm không?
Tiêu chảy là bệnh có khả năng lây lan rộng trong cộng đồng, gây hậu quả nguy hiểm trong giai đoạn thời tiết giao mùa với khí hậu nóng bức và ẩm ướt. Để giúp phụ huynh biết cách phát hiện và điều trị đúng cách khi trẻ bị bệnh, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với chuyên gia, Bác sĩ Chu Hòa Sơn đến từ trường cao đẳng Y Dược Pasteur tìm hiểu về chế độ ăn uống hợp lý và khoa học khi trẻ bị mắc bệnh tiêu chảy cấp.
Tiêu chảy cấp gây nguy hiểm như thế nào?
Tiêu chảy là căn bệnh rất dễ gặp ở nhiều đối tượng, lứa tuổi, nhất là trẻ em. Theo thống kê, trung bình mỗi năm có 1-3 đợt bệnh tiêu chảy cấp ở trẻ em dưới 3 tuổi. Hầu hết những ca tử vong gặp ở trẻ dưới 2 tuổi tại các nước đang phát triển. Nếu bố mẹ không kịp phát hiện và đưa con đi chữa kịp thời trẻ sẽ bị mất nước, rất dễ dẫn đến tử vong.
Hơn nữa, tiêu chảy còn làm các chất khoáng trong cơ thể bị rối loạn, nếu kéo dài trẻ dễ bị suy dinh dưỡng, bệnh càng khó điều trị hơn. Một vài trường hợp tiêu chảy do vi khuẩn dẫn đến nhiễm trùng huyết, rất khó khăn trong điều trị, thậm chí có thể tử vong.
Thưa Bác sĩ, với bệnh nhân bị mắc bệnh tiêu chảy cấp nên có chế độ ăn như thế nào là hợp lý?
Khi trẻ bị tiêu chảy kéo dài, chế độ ăn hàng ngày cho trẻ cần khoa học và hợp lý để trẻ có sức khỏe tốt và mau bình phục bệnh. Dưới đây là nguyên tắc xây dựng chế độ ăn và chế độ dinh dưỡng cho các bé bị tiêu chảy kéo dài:
• Nguyên tắc xây dựng chế độ ăn
Khi trẻ bị tiêu chảy cấp kéo dài, các bà mẹ lưu ý cần tạm thời giảm số lượng sữa động vật hoặc đường lactose trong sữa và cả trong chế độ ăn. Bữa ăn cho trẻ cần cung cấp đầy đủ năng lượng, protein, chất béo, vitamin và các yếu tốt vi lượng để tái tạo và phục hồi niêm mạc ruột bị tổn thương, cải thiện tình trạng dinh dưỡng của cơ thể. Tuyệt đối không cho trẻ ăn thức ăn, nước uống làm cho tình trạng bệnh càng trở nên nặng hơn như thức ăn thô, thức ăn chứa nhiều đường, chất béo, các loại nước giải khát công nghiệp.
Một số loại thức ăn tốt cho hệ tiêu hóa của trẻ như: Gạo, khoai, chế biến dưới dạng mềm, lỏng dễ tiêu hóa như bột, cháo, súp. Các thực phẩm giàu protein nên chọn như: Thịt, cá, trứng, sữa…tốt nhất là thịt gà nên bổ sung vào thực đơn hàng ngày của trẻ. Uống và ăn thêm hoa quả tươi để cung cấp thêm các vitamin và muối khoáng.
• Chế độ ăn đối với trẻ dưới 6 tháng tuổi
Cho trẻ tiếp tục bú mẹ và bú nhiều lần trong ngày, mẹ không nên kiêng khem quá mức. Trong trường hợp nếu mẹ không có sữa có thể dùng các loại sữa không có đường lactose, hoặc các loại sữa đã lên men: Sữa chua hoặc dùng sữa đậu tương (đậu nành). Sữa chua phải được làm từ loại sữa dành cho trẻ
• Chế độ ăn cho trẻ từ 6-12 tháng
Nên cho trẻ tiếp tục bú mẹ. Nếu cho trẻ uống sữa động vật thì ác nên pha loãng sữa động vật bằng nước cháo làm giảm 5% nồng độ đường lactose. Bên cạnh đó, các mẹ có thể cho trẻ ăn sữa chua, sữa đậu tương hay các thức ăn bổ sung khác như: Bột, cháo xay nấu với thịt, cá, trứng, rau xanh và dầu mỡ. Khi chế biến thức ăn cho trẻ cần làm lỏng để dễ tiêu hóa, cân đối đạm, mỡ, đường tránh tăng áp lực thẩm thấu. Nên cho trẻ ăn ít nhất 6 bữa trong ngày.
• Chế độ ăn cho trẻ từ 1 tuổi trở lên
Cho trẻ bú mẹ hoặc ăn sữa động vật được pha loãng, thức ăn nên chế biến dưới dạng cháo lỏng, súp từ gạo, khoai, rau, thịt, đậu đỗ.
Lưu ý: khi tiêu chảy khỏi được 1 tuần thì mới chuyển dần về chế độ ăn bình thường theo tuổi.
Ngoài ra, cần có biện pháp vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, giữ an toàn vệ sinh thực phẩm để giảm thiểu các nguy cơ gây tiêu chảy cho trẻ. Khi trẻ bị tiêu chảy cần có biện pháp xử lý thích hợp và đúng cách để trẻ mau khỏi bệnh và hồi phục sức khỏe.
Bác sĩ có thể cho biết với trẻ bị bệnh tiêu chảy cấp nặng cần tránh ăn thực phẩm như thế nào để bệnh mau khỏi?
Dưới đây là các loại thực phẩm các bà mẹ nên tránh cho trẻ sử dụng khi mắc bệnh tiêu chảy cấp:
• Các loại nước giải khát công nghiệp, các loại thức ăn có chứa nhiều đường vì những thức ăn này có thể làm tăng tiêu chảy. Áp lực thẩm thấu trong lòng ruột tăng kéo nước trong tế bào vào lòng ruột.
• Tránh dùng các loại thực phẩm có nhiều xơ hoặc ít chất dinh dưỡng như: Các loại rau thô (măng, rau cần), tinh bột nguyên hạt (ngô, đỗ) khó tiêu hóa.
Sau khi khỏi tiêu chảy, cần cho trẻ ăn thêm 1 bữa/ ngày trong 2 tuần liền để giúp cho trẻ hồi phục nhanh và tránh suy dinh dưỡng.
Chú ý:
- Nếu thấy trẻ ăn ít hoặc ăn vào bị nôn thì các mẹ nên cho trẻ ăn ít hơn và tăng số bữa lên so với thực đơn.
- Trẻ ăn sữa bò tiêu chảy tăng lên thì thay bằng sữa tương 10% hoặc sữa không có lactoza như (Isomil, olac) hoặc cho ăn sữa chua làm từ sữa pha giống như các bữa sữa nước của trẻ.
- Từ ngày thứ 5 nếu trẻ bớt tiêu chảy quay dần về chế độ ăn bình thường.