Chia sẻ với Phụ nữ sức khỏe, Bác sĩ Trương Hữu Khanh cho biết bệnh tan máu bẩm sinh ở trẻ em xuất phát từ yếu tố di truyền. Nguyên nhân bệnh do hồng cầu tự tiêu biến nhanh hơn bình thường.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), có khoảng 7% dân số thể giới mang gen bệnh tan máu bẩm sinh, 11 cặp vợ chồng sinh con có nguy cơ hoặc mang gen mắc tan máu bẩm sinh.
Căn bệnh này phổ biến ở nhiều khu vực trên thế giới như Địa Trung Hải, Trung Đông, Châu Á – Thái Bình Dương. Việt Nam là quốc gia có tỉ lệ mắc bệnh và mang gen tan máu bẩm sinh khá cao.
Bệnh tan máu bẩm sinh ở trẻ em
Bệnh tan máu bẩm sinh (thalassemia) là chứng bệnh thiếu máu do tan máu di truyền. Thông thường, hồng cầu sẽ tồn tại khoảng 120 ngày trong máu và sẽ tự tiêu biến, hồng cầu mới sẽ tiếp tục sản sinh. Tuy nhiên, trẻ em mắc bệnh tan máu bẩm sinh sẽ có hồng cầu tự tiêu nhanh hơn bình thường gây ra thiếu máu.
Tan máu bẩm sinh là căn bệnh di truyền từ cha mẹ sang con. Tỷ lệ mắc tan máu bẩm sinh ở bé trai và bé gái ngang nhau. Tùy theo cha mẹ mang gen dị hợp tử với từng kiểu đột biến khác nhau mà con sinh ra có mức độ bệnh khác nhau: Cha mẹ bị nhẹ, trẻ lại bị tan máu bẩm sinh nặng; Cha mẹ mắc bệnh nhẹ đến mức ít phát hiện bệnh nhưng con sinh ra có nguy cơ bệnh tan máu nặng hơn.
Trẻ mắc bệnh tan máu bẩm sinh sẽ ảnh hưởng đến khung xương mặt, da luôn xanh sạm, chậm lớn và chậm dậy thì. Biểu hiện này chứng tỏ trẻ mắc bệnh tan máu bẩm sinh ở dạng thiếu máu. Trẻ cần được truyền máu định kỳ.
Điều trị bệnh tan máu bẩm sinh ở trẻ em
Y khoa hiện đại cho phép các bác sĩ thuận lợi trong việc chăm sóc, điều trị, theo dõi trường hợp trẻ mắc chứng tan máu bẩm sinh nặng. Tùy theo mức độ bệnh mà bác sĩ có phác đồ điều trị thich hợp, quyết định số lần truyền máu trong ngày.
Những trẻ mắc chứng tan máu khá nhẹ, không có biểu hiện bệnh cụ thể hoặc khi tiến hành một số xét nghiệm mới phát hiện bệnh thì cha mẹ không cần lo lắng. Cách tốt nhất là nên cho trẻ sinh hoạt bình thường vì bệnh không đáng ngại.
Trẻ bị tan máu bẩm sinh với mức độ nặng hơn, các bác sĩ sẽ tiến hành thêm điện di Hemoglobin. Trường hợp lách to làm tăng nhu cầu truyền máu hoặc nguy cơ xảy ra vỡ lách thì tiến hành cắt bỏ lách.
Theo thống kê của Hội tan máu bẩm sinh Việt Nam, nước ta có khoảng 10 triệu người mang gen tan máu bẩm sinh. Khi trẻ có một số biểu hiện bất thường, cha mẹ nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế thăm khám nhằm phát hiện và điều trị bệnh kịp thời.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh
Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM)