Ngỡ rằng chỉ là cơn cảm cúm thông thường nhưng cặp vợ chồng không thể ngờ mình lại mất con gái nhanh đến như vậy.
Bệnh cúm là bệnh tương đối phổ biến ở khắp nơi trên thế giới, không riêng gì quốc gia nào và trẻ em chính là đối tượng dễ bị nhiễm cúm nhất do sức đề kháng còn rất yếu, cộng thêm các yếu tố như môi trường ô nhiễm, ẩm thấp, tiếp xúc với mầm bệnh. Nhiều bậc phụ huynh cho rằng chỉ cần uống thuốc kháng sinh là có thể tiêu diệt được cúm nhưng họ chưa lường hết được những biến chứng cực nguy hiểm mà bệnh cúm gây ra, thậm chí nếu không được chữa trị kịp thời trẻ có thể tử vong chỉ trong thời gian ngắn như trường hợp của bé gái gốc Campuchia này.
Cô bé Puthiraskmey Sopheak (4 tuổi) cùng gia đình gồm bố, mẹ và anh trai từ quê hương Campuchia đến định cư ở Boston, Massachusetts (Mỹ) vào hồi tháng 9 năm ngoái với hy vọng về một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Bé Puthiraskmey vốn là một cô bé thông minh, hoạt bát với sở thích chơi trống. Vì vậy mà bố của bé, anh Paak, sẵn sàng mua cả giàn trống về cho con gái được tự do vui chơi, thể hiện đam mê. Trong các bức ảnh của gia đình, người ta luôn thấy Puthiraskmey nở nụ cười tươi sáng, hồn nhiên vô tư. Vậy mà không ngờ, cuộc đời của cô bé lại ngắn ngủi đến như vậy chỉ vì một căn bệnh tưởng chừng như vô hại - bệnh cúm.
Anh Paak đã nhận ra có điều gì đó không ổn với con gái mình từ tuần trước nhưng anh không thể khẳng định được nguyên nhân chính xác, bởi trước đó vài hôm cô bé đã bị dị ứng khi ăn hải sản. Sau đó, cô bé liên tục sốt cao, đỉnh điểm là vào ngày 19 tháng 2, thậm chí còn có hiện tượng ho ra máu. Anh Paak lo sợ nên lập tức đưa con đến bệnh viện đa khoa Lowell, ngoại ô thành phố Boston để kiểm tra. Tuy nhiên, bác sĩ lại không làm xét nghiệm bệnh cúm mà chỉ kê đơn thuốc giảm đau Tylenol rồi cho xuất viện vì tình trạng đã được cải thiện.
Về nhà, dù Puthiraskmey đã khỏe hơn một chút nhưng cô bé vẫn kêu mệt và ngủ li bì. Đến ngày 23 tháng 2 thì cô bé đột nhiên lịm đi. Anh Paak kể: "Tôi đã cố gọi số 911. Tôi nói với họ rằng tôi không biết phải làm gì để cứu con". Khi chiếc xe cấp cứu đưa Puthiraskmey đến bệnh viện thì đã quá muộn, cô bé đã tử vong.
Các bác sĩ tại bệnh viện Lowell kết luận Puthiraskmey chết vì biến chứng của bệnh cúm nhưng vợ chồng anh Paak vẫn nghi ngờ kết luận này.
Đại diện bệnh viện Lowell nói: "Chúng tôi dành sự cảm thông và chia buồn sâu sắc nhất tới gia đình về sự mất mát bi thảm của con gái họ. Quy tắc quyền riêng tư của bệnh nhân cấm chúng tôi bình luận thêm bất cứ điều gì".
Nếu cúm được xác nhận là nguyên nhân gây ra cái chết của Puthiraskmey thì cô bé sẽ là đứa trẻ thứ ba chết vì cúm ở Massachusetts mùa này. Không rõ liệu Puthiraskmey đã được tiêm phòng cúm hay không, nhưng những ca tử vong bất thường ở trẻ em đã xảy ra - ngay cả trong thời điểm này ở Massachusetts. Đây là một lời nhắc nhở dành cho các bậc phụ huynh về tầm quan trọng của việc tiêm vắc-xin chống lại virus để bảo vệ trẻ em.
Những điều cha mẹ cần biết về virus cúm
Virus cúm lây lan qua các giọt nước nhỏ li ti trong không khí xuất phát từ dịch mũi, miệng khi ho, hắt hơi, va chạm, tiếp xúc với những người bị bệnh. Trẻ cũng có thể sờ, chạm các bề mặt có virus do người mang virus trước đó đã chạm vào.
Virus tấn công đường hô hấp của trẻ, ngăn không cho bài tiết chất nhầy, chất thải dẫn đến tích tụ vi khuẩn, làm suy giảm hệ miễn dịch khiến cơ thể trẻ yếu dần. Từ đó, bệnh cúm có thể dễ dàng phát triển thành viêm phổi và có diễn biến nhanh chóng, nếu không phát hiện kịp thời, trẻ rất dễ rơi vào trạng thái nguy hiểm, có thể tử vong.
Hiện nay, các loại vắc xin 3 thành phần và 4 thành phần đều có thể giúp trẻ phòng ngừa cúm B. Các nhà khoa học thường sẽ nghiên cứu và dự đoán trước mỗi mùa cúm những chủng nào có khả năng phát triển phổ biến nhất trong mùa sắp tới, sau đó tạo ra vắc xin phù hợp để phòng ngừa.
Biện pháp chăm sóc trẻ đúng cách khi bị cúm để tránh gây những biến chứng nghiêm trọng:
- Hạ sốt kết hợp với lau mát bằng nước ấm khi cần thiết.
- Cho trẻ uống thêm nhiều nước, đặc biệt là những loại nước giàu vitamin C như nước cam tươi, nước chanh, nước táo giúp trẻ tăng cường sức đề kháng.
- Nếu thấy trẻ có biểu hiện nặng bỏ ăn uống, quấy khóc nhiều, sốt cao liên tục không hạ thì cần cho trẻ đến ngay bệnh viện.
Làm gì để tránh lây nhiễm cúm?
- Cha mẹ thường xuyên giúp con hoặc nhắc nhở con rửa sạch tay bằng xà phòng.
- Tránh để con tiếp xúc với người đang nhiễm cúm.
- Cho con trẻ đeo khẩu trang y tế khi đến chỗ đông người.
- Giữ vệ sinh thân thể và môi trường sống sạch sẽ.
- Đưa trẻ đi tiêm phòng đầy đủ và đúng lịch để phòng ngừa chủ động với bệnh cúm.